Cường quốc số 1 ở World Cup với 5 lần vô địch lại lỗi hẹn với chiếc HCV bóng đá Olympic. Nhưng lần thất bại này còn đáng hổ thẹn hơn cả trận thua Nigeria ở bán kết Atlanta 96 hoặc thua Cameroon ở tứ kết Sydney 2000.
Có một thứ còn tồi tệ hơn cả mất cơ hội lần đầu tiên giành chiếc HCV bóng đá Olympic: mất niềm tin. Thua trắng Argentina 3 bàn không gỡ, có thể viện lý do trình độ. Không có bất cứ pha phối hợp nào ra hồn để tạo nên cơ hội ghi bàn, vẫn có thể viện lý do là Dunga sai lầm hoặc còn non tay nghề chiến thuật so với đối phương. Nhưng nếu đã có tới 4 cầu thủ bị phạt thẻ vàng và thêm 2 cầu thủ nhận thẻ đỏ trực tiếp chỉ cách nhau có vài phút thì thôi rồi. Tinh thần kỷ luật thép trong đội bóng - thứ duy nhất Dunga có thể tự hào - cũng không còn.
![]() |
Lucas Leiva nhận thẻ đỏ đầu tiên do phạm lỗi thô bạo với Mascherano. Sau đó 3 phút sẽ đến lượt Neves. |
Nếu Lucas Leiva vẫn phang thẳng vào chân Javier Mascherano ở phút thứ 81, bất kể đối thủ này là đồng đội của anh ta ở Liverpool, rõ ràng Leiva đã quá cay cú. Nếu Neves tiếp tục phang vào chân Mascherano chỉ 3 phút sau đó, rõ ràng chẳng ai nhắc đội hình Olympic Brazil đá đàng hoàng cho đúng với một tên tuổi lớn để trận thua này đỡ mất mặt hơn.
Lúc ấy, như ai nấy đều biết, Argentina đã dẫn trước 3-0 nhờ 2 bàn của Aguero và quả 11m của Riquelme. Lúc ấy, cuộc chiến theo thế trận một chiều này đã an bài từ lâu, nhờ tài dẫn dắt của Riquelme cùng ngôi sao sáng Lionel Messi - một tiền đạo xuất sắc với tốc độ đi bóng, kỹ thuật hãm bóng chờ thời điểm thuận tiện nhất để chuyền bóng.
“Đây là trận cầu tuyệt vời nhất cho tất cả mọi người” - “nạn nhân” Mascherano tuyên bố sau trận đấu - “Chúng tôi vẫn chưa cầm tấm huy chương nào trong tay, nhưng thắng Brazil như thế này thì thật tuyệt diệu”. Nghe như vậy, Olympic Brazil còn đau hơn, dù họ không có một cầu thủ nào phải lăn lộn quằn quại trên sân như Mascherano.
o0o
Bao giờ Brazil giành được HCV bóng đá, câu hỏi ấy lại được đặt ra. Có lẽ lại chờ 4 năm vậy, hoặc thậm chí chờ thêm 4 năm sau đó nữa. Nhưng có một điều chắc chắn: Sẽ chẳng còn ai chờ đợi ở Dunga.
Trong 11 lần dự Olympic - mà cho đến nay mới có hai chiếc HCB và một chiếc HCĐ - có lẽ hiếm lần nào Brazil chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng và “sáng suốt” bằng lần này. Để so tài, họ chọn thành phần mạnh nhất có thể. Để thấm sâu không khí Olympic, họ cho đội bóng vào làng Olympic thay vì tách ra ở khách sạn xịn như trước đây. Chủ tịch CBF, ông Ricardo Teixeira nói trước khi Dunga đưa quân đến Bắc Kinh: “Tôi từng thử cách khác, không hiệu quả. Ở Atlanta 96, chúng tôi cũng chọn đội bóng mạnh nhất, ở khách sạn tốt nhất, tốn tiền tới 5 triệu USD mà vẫn không thắng. Còn bây giờ, chúng tôi chuẩn bị kế hoạch theo đề nghị của Dunga”.
Thứ bóng đá Brazil trình diễn - và thất bại cùng với nó - cũng là theo thiết kế của Dunga. Sau 3 trận thắng Bỉ, New Zealand và Trung Quốc ở vòng bảng rồi thắng Cameroon ở tứ kết, Brazil thi đấu tiêu cực ngay từ đầu khi vào bán kết với Argentina. Đội hình ra sân với chiến thuật hình cây thông của họ chỉ cắm duy nhất tiền đạo Rafael Sobis. Kết quả: Sobis thường xuyên cách xa đồng đội tới 30m. Như Ronaldinho, Sobis chỉ có duy nhất một pha bóng đáng nhớ là cú sút dội cột dọc. Ngược lại, trong phòng ngự, Brazil có tới 3 tiền vệ chở che cho 4 hậu vệ mà vẫn chịu không nổi các cuộc tấn công của Argentina.
Đừng nghĩ rằng khán giả Trung Quốc vẫn yêu Brazil vô điều kiện. Chỉ trong vòng 30 phút, tiếng hô cổ động cho Ronaldinho đã bị thay bằng “Argentina! Argentina!” và “Messi! Messi!”. Những điệp khúc ấy càng đến cuối trận, càng mãnh liệt bởi càng có nhiều khán giả công nhận Argentina thật sự xứng đáng với chiếc vé dự trận tranh HCV với Nigeria vào Chủ nhật này.
o0o
Trong cuộc họp báo sau đó, khi lối chơi của Brazil bị chất vấn (không bị mới lạ!), Dunga liếc mắt một cách khó chịu: “Nếu ghi được bàn thắng thì lẽ ra mọi chuyện đã có thể khá hơn. Có thể bây giờ người ta sẽ hoài nghi năng lực của tôi, nhưng thi đấu thể thao là như thế: Có khi thắng, khi thua. Có khi kèm được Messi, có khi không. Nói gì thì nói, thất bại này sẽ không ảnh hưởng đến niềm tin và kế hoạch của tôi”.
Có thể không ảnh hưởng đến Dunga, nhưng sẽ ảnh hưởng đến các vị trong CBF. Một nguồn tin cho biết bất kể thắng hay không thắng Bỉ trong trận tranh HCĐ vào thứ Sáu này, Dunga gần như chắc chắn bị sa thải và Zico lên thay thế. Một nguồn tin khác cho biết: Vì ngay sau Olympic đã có 2 trận liên tiếp trong vòng loại World Cup 2010 (gồm một trận trên sân Chile và một trận trên sân nhà với Bolivia), CBF chưa thể sa thải Dunga vì chưa tìm được người thay thế. Thế nhưng, “chưa” không có nghĩa là “không”, và trận Chile tại Santiago sẽ là “ngày phán xét”...
HƯNG NGUYÊN
Vung tay quá trán...
Theo giới chuyên môn ở Brazil, Dunga có vẻ như đã vung tay quá trán khi xung phong dẫn dắt đội Olympic và chính vì thế ông lại đi vào vết xe đổ của một người tiền nhiệm: Cách đây 8 năm, cựu HLV đội tuyển Brazil Vanderlei Luxemburgo cũng đã nhận dẫn dắt đội Olympic và đã bị sa thải sau khi thua Cameroon ở tứ kết tại Sydney. Khác với Dunga, người đồng sự ở đội tuyển Argentina hiện nay là Alfio Basile đã quyết định không đi Bắc Kinh. Việc dẫn dắt Olympic Argentina trao cho HLV Sergio Batista, một cựu tiền vệ trong đội hình vô địch Mexico 96. PHƯƠNG LAN tổng hợp |
Các tin, bài viết khác
-
HLV Kiatisak dành tặng chiến thắng đầu tay cho khán giả Gia Lai
-
Lee Nguyễn sẵn sàng cho cuộc đua vô địch V-League
-
Văn Toàn giúp HA.GL có chiến thắng đầu tiên tại LS V-League 2021
-
Ngô Đình Nại đánh rơi chiến thắng trước “thiên tài” Caudron ở giải Billiards PBA Tour
-
LĐBĐ CH Séc tuyên bố Ronaldo chưa phá kỷ lục ghi bàn của Josef Bican
-
Malaysia xin dời các trận đấu vòng loại World Cup 2022 đến tháng 6
-
“Gã điên Ailen” Conor McGregor: “Mỏ vàng” của UFC, kiếm 516 triệu USD bản quyền truyền hình sau... 7 năm
-
Pochettino quyết giúp Kylian Mbappe tìm lại cảm giác ghi bàn
-
'Cháy vé' xem trận đầu tiên của HLV Kiatisak ở phố núi Pleiku
-
Suarez ghi cú đúp giúp Atletico xây chắc ngôi đầu