Trên tờ báo của Liên đoàn, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có nêu nhiều lý do để VFF tiến hành ký hợp đồng lịch sử với AVG. Không có lý do nào sai cả, thế nhưng cách đặt vấn đề của VPF cũng đâu có sai? Họ chỉ muốn hỏi là tại sao phải là 20 năm cho một dạng hợp đồng mang tính kinh doanh thuần túy.
![]() |
Điều mà mọi người thắc mắc là tại sao hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG lại kéo dài đến 20 năm. Ảnh: Quang Thắng |
Như chúng tôi đã từng phân tích, VFF có đủ lý do để ký hợp đồng với AVG và cần phải công bằng rằng, hợp đồng ký với VFF là “nổi cộm” nhất trong một loạt hợp đồng mà AVG ký với các liên đoàn khác trong thời điểm đó.
Tuy nhiên, chẳng cần phải cao siêu gì thì mới biết rằng, số tiền mà bóng đá Việt Nam có được sau 10 năm, 20 năm chẳng đáng là bao nếu tính lạm phát, trượt giá. Nếu đem chuyện VFF được chia lợi nhuận quảng cáo từ AVG thì đấy chỉ là một cách bao biện bởi đã là bản quyền truyền hình thì doanh thu phải là tiền “bản quyền” chứ làm gì tính đến nguồn quảng cáo. Thời điểm hiện nay, chưa bán được bản quyền thì AVG nói thế chứ khi truyền hình đã là sản phẩm trả tiền thì đâu phải đài nào muốn phát quảng cáo cũng được. Nói cách khác, đã là bản quyền thì phải tính đến chuyện thu mỗi năm mỗi cao hơn và tỷ lệ với sự phát triển của bóng đá nội địa.
Chúng tôi tin rằng, đây là động lực để VPF kiên quyết giành lấy bản quyền truyền hình. Đã là bóng đá chuyên nghiệp, nguồn thu truyền hình chiếm hết phân nửa. Thử đặt mình vào trường hợp VPF xem: tại sao lại cố gắng tạo ra những sản phẩm bóng đá thật tốt mà lại không có quyền để đàm phán để nâng nguồn thu truyền hình. Trong kinh doanh, người ta đâu thể kỳ vọng vào mức lũy tiến 10% mỗi năm vì như vậy, đâu còn động lực để nâng chất lượng sản phẩm. Không thể có chuyện đầu tư 1 đồng để lấy 1 đồng mà phải là bỏ ra 10 và có thể lấy đến 100. VPF là tập hợp của các nhà kinh doanh tài ba, họ còn nghĩ đến chuyện bỏ 10 mà lấy 1.000 nữa kia!
o0o
Vậy mà chẳng hiểu sao VFF cứ giấu các lý do ký hợp đồng đến 20 năm với AVG. Thay vì vậy, tại sao họ không thử công bố công khai những cái lợi tương lai của hợp đồng này. Họ sẽ thu được bao nhiêu sau 10 năm, 20 năm nữa? Tại sao họ không hỏi VPF sẽ đem lại cho mình cái gì nếu giao lại cho VPF quyền truyền hình? Đã là vì bóng đá Việt Nam, hà cớ gì mà VFF không đòi hỏi từ AVG lẫn VPF cái kết quả đem lại lợi ích cho bóng đá quốc gia. VFF càng giấu giếm thì người ta có quyền nghi ngờ đằng sau bản hợp đồng ấy là cái lợi ích cá nhân và thiệt hại cho cái chung!
Nói như Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thì hợp đồng VFF - AVG ai nhìn cũng thấy thiệt hại kinh tế về lâu dài, thế thì tại sao VFF cứ phải bảo vệ tới cùng. Theo tinh thần thượng tôn luật pháp, các bên phải tuân thủ thời hạn hợp đồng, nhưng cũng chẳng phải là sai luật nếu từng thời điểm, từng hoàn cảnh, phải tiến hành đàm phán lại hợp đồng cho phù hợp. Lẽ ra, khi chưa cần đến những phản ứng của VPF thì VFF nên chủ động bàn với AVG về công tác chuyển giao quyền đàm phán cho VPF. Như vậy, họ mới chứng tỏ vì bóng đá Việt Nam.
Nếu VFF cảm thấy hợp đồng ấy là có ích, hãy công khai nói về các lợi ích đó chứ không phải chỉ tìm cách giải thích lý do cũng như tính hợp pháp của hợp đồng. Và nói đi cũng phải nói lại, chính VPF cũng nên có công bố rộng rãi những gì mà bóng đá Việt Nam sẽ có nếu như họ là người được quyền đàm phán hợp đồng ấy. Vậy mới sòng phẳng.
Hồ Việt
|