Có cầu mà không có cung

Những diễn biến tại Asiad khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, thậm chí chưa tin là có thật hay không: bóng đá nam có ba trận thắng liên tiếp ở vòng bảng, trong đó có trận thắng Olympic Nhật Bản; bóng chuyền nam có trận thắng Trung Quốc ở trận đầu ra quân vòng bảng; đặc biệt là các cô gái vàng bóng đá đã vượt qua đối thủ Thái Lan và có mặt ở vòng trong một cách hết sức thuyết phục…

 Điều khá lạ khi đây là một trong những sự kiện thể thao quốc tế lớn hiếm hoi khán giả trong nước không thể theo dõi trực tiếp qua truyền hình quốc gia để có thể chứng kiến những trận thi đấu ấn tượng ấy.

Sự thật là người hâm mộ bóng đá mấy ngày qua vẫn theo dõi được các trận đấu của Olympic Việt Nam, thậm chí là tất cả các trận đấu khác nữa, nhưng là với cách xem… vi phạm bản quyền. Không có đài truyền hình trong nước nào mua bản quyền Asiad là một thiệt thòi rất lớn cho khán giả hâm mộ, không riêng gì bóng đá mà ở nhiều môn thể thao khác nữa. Chúng ta đã quá quen với các chương trình truyền hình trực tiếp gần như cả ngày, đầy đủ các môn thể thao có vận động viên Việt Nam thi đấu ở các kỳ Asiad trước đây. Không thể quên những trận thi đấu loại trực tiếp, và nhất là những khoảnh khắc đầy xúc động trên bục nhận huy chương của vận động viên. Giờ đây, thông tin chính thức về Asiad chỉ là kết quả do phóng viên các báo cập nhật khi các trận thi đấu kết thúc. Diễn biến các trận đấu cũng có thể được tường thuật trực tiếp nhưng qua các dòng trạng thái và hình ảnh nguội trên báo mạng. 

Trên thực tế, một lượng lớn người hâm mộ có sử dụng mạng xã hội, có điện thoại thông minh, có máy tính kết nối internet… đều có thể theo dõi trực tiếp các trận thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam thông qua các trang mạng xã hội, kênh hình trên youtube. Không ít quán cà phê còn truyền dẫn ra màn hình lớn để phục vụ khách ruột của mình. Tất nhiên, đó là cách xem không có bản quyền, vi phạm bản quyền của đơn vị nắm giữ, hoàn toàn không được khuyến khích và phải chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền khi có vấn đề tranh chấp xảy ra. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc tôn trọng bản quyền còn cho thấy mức độ hội nhập như thế nào và khả năng sẽ bị tẩy chay ra sao khi mà mức độ vi phạm không được ngăn chặn từ ý thức người dùng cũng như các biện pháp quản lý của cơ quan chức năng. Nói cách nào đó, khi nhu cầu chính đáng có thực và rất lớn thì cần phải có sự đáp ứng. Ở đây là nhu cầu xem trực tiếp sự kiện thể thao trên truyền hình là có thật thì bằng cách nào đó hệ thống truyền hình công cộng cũng như truyền hình trả tiền phải đáp ứng. Đó cũng là quy luật của thị trường, có cung thì có cầu.

Thật khó lý giải được về quan hệ cung cầu này, khi cung có mà cầu lại không. Truyền hình quốc gia hiện nay hoạt động tự chủ tài chính, nên việc mua bản quyền cũng phải đúng giá, không để bị đối tác ép nâng giá, đồng thời cũng phải tính đến việc thu hồi vốn và có lãi. Các kênh truyền hình trả tiền thì thuận mua vừa bán, thấy có thể kinh doanh có lãi thì họ nhảy vào tham gia, không thì coi như không quan tâm. Vậy thì ai có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn và chính đáng của đại đa số khán giả trên cả nước? Có lẽ, hướng đi xã hội hóa vẫn là lối ra thực tế hơn cả. Một khi các đài chủ động và thể hiện được quyết tâm phục vụ thì có lẽ không khó để huy động từ nguồn xã hội hóa này. Nếu không, các nguồn lực xã hội sẽ khó có thể góp tay cùng nhau, mà Asiad là một điển hình.

Tin cùng chuyên mục