Bảy năm trước, khi Amaobi chân ướt chân ráo đến SĐ Nam Định, chỉ cần lương gần 1.000 USD/tháng là anh này lao vào đá. Nhưng hiện tại, “Bi” đang đòi đòi ít nhất 5.000 USD mỗi tháng mới chịu nhập quốc tịch, đá cho SQC Bình Định…
1. Cũng tương tự như Amaobi là Tostao. Cầu thủ người Zimbabwe vốn chỉ cần kiếm được việc làm ở Việt Nam là hạnh phúc lắm rồi, nhưng khi biết tin Thanh Hóa muốn biến anh thành cầu thủ nội, Tostao đã đòi thêm khoản “lót tay” tới gần 100.000 USD/năm.
Amaobi năm nay đã 30, sau những chấn thương liên miên, “Bi” đã hết thời. Bước chạy đã chậm hơn, cú sút không còn mạnh nữa. Tostao bây giờ khác hẳn thời mới đến Đồng Tâm Long An. Chậm chạp, chạy ít và dường như đã quên mất nhiệm vụ xé lưới đối phương. Vì sao “Bi” và Tostao lại làm mình làm mẩy hơn so với cái thời chân ướt, chân ráo tới Việt Nam?
Câu chuyện khởi nguồn từ việc VFF siết lại “quota” cầu thủ ngoại ở V-League và hạng Nhất. Con số đăng ký 4 vào sân 3 ở V-League và tương tự là 3/2 ở hạng Nhất có vẻ như không làm các CLB hài lòng. 10 năm tuổi, V-League mới có 2 nội binh giành được ngôi “Vua phá lưới”, vài năm nay, cầu thủ ngoại ghi tới hơn 60% số bàn thắng ở 2 giải đấu cao nhất Việt Nam.
Thế nên, sẽ không quá khi nói rằng, ngoại binh là yếu tố quyết định sự thành bại của một đội bóng. Vì lẽ đó, từ hạng Nhất tới V-League, đâu đâu cũng ráo riết tìm ngoại binh để nhập quốc tịch hòng tăng thêm chất ngoại cho đội bóng của mình. Mà người đủ tiêu chuẩn để nhập quốc tịch Việt Nam không hề dễ.
Riêng cái tiêu chí có ít nhất 5 năm đá ở Việt Nam cũng rất khó kiếm. Với những người như Amaobi, Tostao - đã hiểu bóng đá như lòng bàn tay, họ hẳn hiểu rất rõ vai trò của mình. Thế nên khi được gợi ý nhập quốc tịch, họ chẳng dại gì mà không làm mình làm mẩy hòng kiếm bản hợp đồng chót trước khi giải nghệ.
![]() |
Huỳnh Kesley (7) đã chứng tỏ được giá trị của mình cả khi đã nhập quốc tịch. Ảnh: Dũng Phương |
2. Thực tế thì không phải tất cả các CLB có thủ ngoại được nhập quốc tịch đều được hưởng lợi từ lực lượng này. Hòa Phát HN là một ví dụ. Hai năm trước, Hòa Phát bằng mọi giá biến Ronald Martin và Issac thành người Việt với những cái tên Trần Lê Martin, Phan Lê Issac.
Mất cả đống tiền nhưng giá trị sử dụng không là bao bởi Martin và Issac đã hết thời, đá thậm chí còn không bằng cầu thủ nội. V.Ninh Bình là một ví dụ khác. Vài năm trước, họ biến Maxwell thành Đinh Hoàng Max, Mykola thành Đinh Hoàng La. Dĩ nhiên, để mang cái tên Việt Nam, cả Max và La đều ra điều kiện. Theo đó, mỗi năm hợp đồng, V.Ninh Bình phải trả thêm cho họ một khoản “lót tay” lớn.
Nghiệt ở chỗ, khi trở thành nội binh, hầu hết các cầu thủ gốc ngoại đều không giữ được phong độ. Phan Lê Issac, Trần Lê Martin chỉ là cái bóng của chính mình. Hoàng La ở V.Ninh Bình mùa này đã mắc rất nhiều sai sót.
Hoàng Max ngày càng “gỗ” nhưng V.Ninh Bình vẫn phải dùng sau khi V.Hải Phòng ngán ngẩm bởi đã mất quá nhiều tiền cho cầu thủ này. Tostao không được sử dụng ở Thanh Hóa và giờ thì phải đến ĐT Long An, nghe đâu với giá khá bèo bọt.
Vì đâu lực lượng gốc ngoại lại đánh mất phong độ khi đã mang quốc tịch Việt Nam? Lý do ở đây có lẽ là động lực. Khi còn là ngoại binh, họ buộc phải đá để giữ chỗ nhưng khi đã là cầu thủ nội, là “của hiếm”, họ rất dễ dàng kiếm được việc làm. Vậy thì làm gì phải cố gắng mà đá?
3. Dĩ nhiên cũng có nhiều cầu thủ gốc ngoại chứng tỏ được giá trị. Nguyễn Rogerio ở SHB Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Helio ở SLNA, Huỳnh Kesley ở SG.XT là những ví dụ tiêu biểu. Nhưng số đó không nhiều. Một câu hỏi đặt ra là có khi nào những Hòa Phát, V.Ninh Bình… nghĩ tới việc hạn chế của việc nhập quốc tịch cầu thủ?
Có khi nào họ tính rằng, một cầu thủ gốc ngoại chỉ có giá trị sử dụng vài năm trong khi nếu dùng số tiền đầu tư vào lực lượng này, có khi tạo ra được cả một đội bóng trẻ? Có khi nào họ nghĩ rằng, sự hiện hiện của những Hoàng Max, Hoàng La, Phan Lê Issac… sẽ khiến cơ hội của cầu thủ nội ít đi? Có vẻ như V-League, hạng Nhất đang đang thi nhau nhập quốc tịch cầu thủ ngoại chỉ là phong trào “lách luật” siết lại “quota” ngoại binh mà VFF mới áp dụng?
Tường Khôi
|
Các tin, bài viết khác
-
Những trông đợi từ quãng nghỉ vàng
-
Tiền đạo Trần Danh Trung sang Nhật Bản ‘du học’
-
Sứ mệnh bóng đá của Sài Gòn FC: Không ngại Cao Văn Triền sang Nhật, HLV Vũ Tiến Thành ra Bắc làm PVF
-
LS V-League 2021 dự kiến kết thúc ngày 19-9
-
'Cỗ máy quét' của Đà Nẵng trở lại
-
Các đội V-League nỗ lực vượt khó
-
Thêm 2 trọng tài Việt Nam lọt vào danh sách xét chọn điều hành VCK World Cup
-
Chơi 3 tiền đạo ngoại, CLB TPHCM có... đi trên dây?
-
Giải hạng Nhất 2021: Đường thăng hạng sẽ nhộn nhịp hơn?
-
Những “lão tướng” ở mùa bóng 2021