Chuyện nhạy cảm

Tuần rồi, bản hợp đồng bản quyền hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng gây xôn xao khi mà bảng báo giá của một công ty thể hiện số tiền sử dụng hình ảnh của thủ môn này cao ngất ngưởng, chẳng kém gì các ngôi sao của giới showbiz.
Như thường lệ, vụ việc tạo ra 2 luồng ý kiến đối lập. Một bên cho rằng các cầu thủ vốn khá bấp bênh về sự nghiệp, nên khi họ nổi tiếng mà không thể kiếm ra tiền từ hình ảnh cá nhân mình thì biết đến bao giờ. Hơn nữa, đó cũng là một biểu hiện của sự chuyên nghiệp trong bóng đá nhà nghề. Phía phản đối thì tin rằng, cầu thủ hiện nay vẫn còn lệ thuộc vào CLB và mọi hoạt động kinh doanh đều không thể tách rời quyền lợi của đội bóng.
Tranh cãi thì ồn ào, nhưng đấy là một cuộc tranh cãi thừa thãi. 
Thứ nhất, việc cầu thủ kiếm tiền từ sự nổi tiếng của mình chẳng có gì xa lạ với bóng đá Việt Nam. 20 năm trước, Lê Huỳnh Đức từng chuyển sang Trung Quốc thi đấu chỉ vì sự ràng buộc về quảng cáo đối với một hãng xe máy. Có rất nhiều ngôi sao của bóng đá Việt Nam đã được khai thác thương mại suốt 3 thập niên qua. Thế nên, nếu hình ảnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng có giá trị cao, thì tự khắc sẽ có những hợp đồng quảng cáo “chạy” đến.
Thứ hai, việc cho rằng các cầu thủ cần có một công ty đại diện hình ảnh để có thể vừa “tận thu”, vừa bảo vệ quyền lợi, chắc chắn không phải là ý kiến tồi. Nhưng nếu không thông qua CLB, thì đó lại là điều không đúng. Cho dù trong hợp đồng giữa CLB và cầu thủ có quy định về “bản quyền hình ảnh” hay không thì quyền của CLB vẫn bao trùm. Lấy ví dụ, hiện Bùi Tiến Dũng vẫn chỉ là thủ môn số 2 tại FLC Thanh Hóa, tức là anh gần như phải ngồi dự bị suốt cả mùa giải, đồng nghĩa với việc không có bất kỳ hoạt động nào để công chúng biết đến thì liệu giá trị hình ảnh của Bùi Tiến Dũng còn được như lúc này? Ngay cả tại đội tuyển quốc gia, Tiến Dũng chỉ là số 1 ở đội U.23, chứ chưa chắc đã có tên ở cấp đội ĐTQG. Không thể có chuyện ai đó buộc CLB/đội tuyển phải để Bùi Tiến Dũng bắt chính. 
Cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, đó là tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam hiện còn rất yếu. Trong hơn 15 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chỉ có vài trường hợp các cầu thủ được chọn làm quảng cáo cho chính nhà tài trợ CLB. Đại loại, các đội bóng tại Việt Nam gần như chưa quan tâm đến giá trị hình ảnh của cầu thủ. Điều này xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất: Đầu tư cho bóng đá hiện nay gần như là “cho đi” chứ không ai nghĩ đến chuyện “thu về”. Mỗi CLB hiện nay chi từ 30-60 tỷ đồng một mùa trong khi thu lại chưa đến 20%, vậy thì liệu họ có cần phải nghĩ đến chuyện tổ chức khai thác hình ảnh cầu thủ hay không khi mà chưa biết thu được bao nhiêu, lại phải chi thêm cho bộ máy hoạt động.
Cũng đừng trách các CLB không suy nghĩ nghiêm túc đến chuyện kinh doanh. Thực ra, ngay cả V-League hãy còn “vừa bán, vừa cho” những giá trị của mình. Hiện nay, V-League vẫn chưa có tiền một cách trực tiếp từ bản quyền truyền hình dù đây chính là nguồn thu chính của bóng đá chuyên nghiệp, trong khi đó, lượng khán giả đến sân ngày càng giảm, thu từ bán vé và quảng cáo vì thế cũng èo uột.
Chính vì thế, thay vì tranh cãi đúng - sai về bản quyền hình ảnh của  các cầu thủ U.23, cách tốt nhất là làm sao để nâng cao hình ảnh V-League, người hâm mộ đến sân nhiều hơn để xem các cầu thủ U.23 thi đấu. Có như vậy, thì cầu thủ sẽ được tăng lương, thưởng. Các thương hiệu sẽ muốn tài trợ, quảng cáo cho cầu thủ hơn và các đài truyền hình cũng sẽ trả phí bản quyền để lấy sóng mà bán quảng cáo.
Nói gì thì nói, mỗi năm đội tuyển quốc gia hay U.23 chỉ tập trung khoảng 3 tháng, phần còn lại cầu thủ cũng chỉ chứng minh giá trị của mình trong màu áo CLB mà thôi.

Tin cùng chuyên mục