Khi phát biểu với báo chí, ông Hoàng Minh Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty FPT cho biết sẵn sàng làm việc với VTC nếu đơn vị này quay lại đàm phán việc thuê sóng truyền hình trực tiếp. Nói là quay lại, vì trước đây FPT đã từng đề nghị với VTC phi vụ này nhưng không được đáp ứng.
|
Tại buổi công bố cung cấp bản quyền. Ảnh: Tuổi Trẻ Online. |
Song, câu thòng của ông Châu mới quan trọng: “Tuy nhiên, nếu VTC (Vietnam Television Corporation Multi Media) quay lại thì phải có ý kiến của VTV (Đài truyền hình Việt Nam) và HTV (Đài truyền hình TPHCM).
Vì hiện nay, bản quyền phát hình trực tiếp World Cup 2006 đã được bán cho hai đơn vị này và trong hợp đồng có ghi rõ khi xuất hiện đơn vị thứ ba thì phải được sự chấp thuận của họ”. Đó mới là cái khó. Nói như thế coi như VTC … tắc đường.
Câu chuyện giữa VTV và VTC không đơn giản như mọi người nghĩ. Đây không đơn thuần là sự cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan truyền thông trước sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm 2006.
Giữa họ là một câu chuyện dài bắt đầu từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà VTV thành lập ra Công ty truyền hình Cáp Việt Nam; trong đó có bộ phận phía Nam đóng tại số 171 Lý Chính Thắng, quận 3 (TPHCM).
Đến năm 2000, công ty này tách dần ra cho đến tháng 6-2005 thì xem như hoạt động độc lập. Chưa hết, khi Chính phủ cho phép VTC truyền thông các chương trình giải trí, trong khi VTV được chỉ đạo hãy tập trung làm nhiệm vụ chính trị, phục vụ là chính thì hố ngăn cách giữa VTC và VTV càng sâu thêm.
Một số cán bộ trẻ, tài năng của VTV cũng khăn gói sang VTC với mức lương hậu hỉ, điều kiện làm việc cực tốt đã làm buồn lòng những người ở lại. Một nhóm phóng viên thể thao kỳ cựu cũ của VTV như Đức Hùng, Vũ Quang Huy có ngay suất đi đến Đức “tiền trạm” cho sự kiện World Cup 2006, thậm chí được phỏng vấn trực tiếp “Hoàng đế bóng đá” Beckenbauer.
“Chiến dịch World Cup 2006” được VTC lên rất kỹ lưỡng, nhưng thiếu một vế quan trọng: Nguồn phát hình trực tiếp các trận đấu. Khi FPT mua được bản quyền truyền hình, rồi bán lại cho VTV và HTV thì xem như VTC hết cửa.
Các thành viên nằm trong “Chiến dịch World Cup 2006” của VTC chạy nháo nhào tìm cách thoát ra khỏi vòng vây của bộ ba FPT-VTV-HTV, nhưng xem ra vô vọng. Một gợi ý với VTC nên đọc kỹ các văn bản về luật tại Việt Nam về việc độc quyền thông tin đến người dân (thông qua tư vấn của luật sư) và tìm một đối tác bán sóng truyền hình khác từ nước ngoài, chẳng hạn Công ty truyền thông Dhosapak (Thái Lan), do ông Worawut làm Giám đốc điều hành.
Tuy nhiên, cho đến nay phía VTC vẫn chưa xác định được chiến thuật mới của mình trong cuộc chiến này. Họ đang lúng túng và nhiều khả năng lại tiếp tục chậm chân để chắc chắn 100% là kẻ đứng ngoài “cuộc chơi” tại World Cup 2006 này.
MINH HÙNG
Các tin, bài viết khác
-
Ngô Đình Nại tiếp tục thăng hoa ở giải Billiards PBA Tour tại Hàn Quốc
-
Ronaldo, Messi, Lewandowski và cả Neymar cò tên trong Đội hình tiêu biểu UEFA năm 2020
-
Chelsea tìm HLV thay thế khi Frank Lampard thừa nhận không 'sẵn sàng cạnh tranh' danh hiệu
-
Văn Trường (Nam Định) bị phạt nguội sau vòng 1
-
Hà Nội - B.Bình Dương: Gặp lại cố nhân
-
Tay đua Fernando Gaviria 2 lần dính Covid-19
-
Nguyễn Nhớ đoạt giải Fair-play 2020
-
Bayer Leverkusen trở lại cuộc đua giành đĩa bạc Bundesliga
-
UFC 257: Trận tái chiến Conor McGregor vs Dustin Poirier khiến cả làng MMA sôi sục
-
Bruno Fernandes không cần nghỉ ngơi