Mặc dù Tổng thư ký Hội đồng Olympic Malaysia (OCM) vừa lên tiếng trấn an rằng OCM sẽ lắng nghe các phản hồi từ các nước mới chốt danh sách các môn SEA Games 2017, nhưng một lần nữa cho thấy SEA Games hiện nay chỉ là sân chơi của các nước đăng cai không hơn không kém.
Đã không còn lạ gì chuyện SEA Games nhiều mùa gần đây dần trở thành nơi mà hễ nơi nào đăng cai tổ chức thì nơi đó đứng nhất toàn đoàn, hoặc chí ít cũng trong tốp ba đối với những nước có nền thể thao chậm phát triển. Thêm nữa, do có quyền đề xuất và quyết định các môn thi đấu tại SEA Games do mình đăng cai nên các nước cứ loại dần những môn Olympic vốn chỉ là thế mạnh của một vài nước có nền thể thao phát triển để đưa vào đó các môn “nội bộ” chưa ai biết tới với lý do nhằm phát triển các môn thể thao có truyền thống! Lần này, tại cuộc họp của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) vừa rồi, nước chủ nhà Malaysia trình đề xuất tạm thời 34 môn thi đấu tại SEA Games 2017 với việc cắt giảm rất nhiều môn trong hệ thống thi đấu Olympic.
Trước kia, việc cắt giảm, thay thế môn thi đấu là có, nhưng ít nơi đăng cai nào dám đụng mạnh đến các môn thi đấu Olympic bởi đây được xem là các môn thể thao chính thống. Đa số họ chỉ chọn bỏ môn thế mạnh của nước khác để đưa vào môn thế mạnh của mình mà thôi. Thế nhưng giờ đây, dường như Olympic đã không còn là “đền thiêng” với các chủ nhà SEA Games nữa. Chỉ riêng với môn điền kinh, phía chủ nhà đề xuất cắt bỏ 8 nội dung như: marathon (cả nam và nữ), 3.000m vượt chướng ngại vật (nam và nữ), 10 môn phối hợp nam, 7 môn phối hợp nữ, 10.000m nam nữ… Rộng hơn, tại SEA Games tới, Việt Nam có khả năng không được dự các môn khá mạnh của mình như bóng đá nữ, đấu kiếm, judo, cử tạ nữ, thể hình…
Sự độc chiếm huy chương của chủ nhà SEA Games đã ngày càng đưa đại hội thể thao này tiến về phía… “ao làng” nhiều hơn là tiếp cận với trình độ phát triển của thể thao thế giới. Đã có những nền thể thao mạnh của khu vực như Thái Lan, Singapore bắt đầu không mặn mòi với SEA Games mà tập trung nguồn lực cho các giải đấu thực chất hơn. Vài mùa gần đây, bóng đá Thái Lan chỉ xem SEA Games là nơi “tập huấn” cho các giải khác. Ở SEA Games 2015, họ chỉ cử một trợ lý huấn luyện viên theo đội U.23, còn HLV trưởng Kiatisak thì tập trung cho đội tuyển. Singapore thì luôn tập trung đầu tư cho các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, nên họ cũng không đặt trọng tâm ở các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây. Các nước có nền thể thao chưa mấy phát triển như Campuchia, Brunei… vì thế ngày càng bị bỏ lại bởi cuộc đua huy chương của các nước chủ nhà trong khi điều đó không giúp nhiều để họ học hỏi và định hướng chiến lược phát triển cho mình.
Dư luận phần lớn đều nhìn ra những bất cập của SEA Games, nên mong muốn đã đến lúc chúng ta xây dựng chiến lược cho các mục tiêu cao hơn, chứ không nên đặt trọng tâm quanh quẩn với “ao làng” khiến ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng phát triển các bộ môn thể thao thế mạnh. Có như vậy, nền thể thao chúng ta mới có thể rút ngắn khoảng cách nhanh hơn với các quốc gia phát triển trong khu vực.
PHƯƠNG NAM
Các tin, bài viết khác
-
Lọt vào bán kết đơn nam, bóng bàn Việt Nam rộng cửa giành huy chương cá nhân giải vô địch Đông Nam Á
-
Nguyễn Anh Tú triển vọng có huy chương Đông Nam Á
-
Vũ Thành An vắng mặt ở cả giải vô địch Đông Nam Á lẫn vô địch thế giới
-
Hoàng Nguyên Thanh tiếp tục chạy marathon nhanh nhất ở Bến Tre
-
Phát triển phong trào wushu tại TPHCM
-
Sôi động giải Bến Tre Marathon 2022
-
Nghi vấn gian lận tuổi ở Giải cầu lông các nhóm tuổi thiếu niên quốc gia năm 2022
-
Trương Thị Kim Tuyền vuột cơ hội bảo vệ HCV vô địch taekwondo châu Á
-
Cặp đôi vàng Anh Tú, Tuấn Anh dừng bước tại giải bóng bàn Đông Nam Á
-
Hưng Nguyên, Quý Phước, Thanh Bảo, Huy Hoàng kết thúc giải bơi vô địch thế giới