Chuyện hiển nhiên

Tuyển Mỹ (USMNT) lại một lần nữa đánh bại El Savlvador đầy duyên nợ, đó là một chiến thắng hiển nhiên với tỷ số 2-0, một tỷ số vừa đủ để đưa ông Bruce Arena và các học trò lọt vào bán kết của CONCACAF Gold Cup.
 Chiến thắng ấy, ngoài việc xác định, tuyển Mỹ năm nay nằm trong tốp “tứ hùng”, tốp 4 đội bóng mạnh nhất Gold Cup, thì gần như chẳng có ý nghĩa gì khác. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, việc Mỹ đánh bại El Salvador yếu thế vốn là điều hiển nhiên, chẳng có gì đáng bàn cãi ở đây. Trong lịch sử đối đầu trực tiếp giữa 2 bên, trải qua 22 trận đấu lớn nhỏ, El Salvador chưa từng một lần đánh bại tuyển Mỹ. Thành tích tốt nhất của đội bóng “nhược tiểu” này là hòa tuyển Mỹ 3 lần, trong khi đó, họ từng để thua đậm đà đội bóng xứ cờ hoa với tỷ số 0-7 trong một trận đấu giao hữu hồi năm 1993. Nghĩa là, kết quả thắng 2-0 ngày hôm qua là một kết quả đã được dự báo từ trước và khi nó xảy ra, nó là chuyện hiển nhiên, giá trị về chuyên môn không nhiều.

Thứ hai, có một điều khiến người ta phải suy ngẫm. Ngay ở thời điểm tuyển Mỹ đấu với tuyển El Salvador ở tứ kết giải đấu hàng đầu châu lục, giải bóng đá nhà nghề Bắc Mỹ (MLS) vẫn diễn ra với 7 trận đấu khác nhau với các kết quả kiểu như là New York City hòa Toronto FC 2-2, New York Red Bulls thắng San Jose Earthquakes 5-1 hay Seatle Sounders thắng DC United 4-3. Nhiều CĐV Mỹ  đã cắc cớ hỏi trên mạng: “Tại sao, khi đội tuyển quốc gia thi đấu ở tứ kết của Gold Cup mà giải MLS vẫn diễn ra như bình thường với nhiều trận đấu khác nhau?”.

Rõ ràng, nước Mỹ với một giải đấu “không giống ai”, do định nghĩa của họ về bóng đá cũng… không giống ai khiến cái cách mà họ đối xử với đội tuyển quốc gia cũng… chẳng giống ai nốt. Trên toàn thế giới, có giải đấu vô địch quốc gia nào không tạm dừng khi đội tuyển quốc gia tập trung và thi đấu? Cái cách mà người Mỹ đối xử với chính đội tuyển quê nhà cho thấy với  họ, có những thứ là điều hiển nhiên và đừng thắc mắc hay tranh cãi ở đây. Thế nên mới có chuyện, tuyển Mỹ được gọi là USMNT chứ không có biệt danh các điệu và màu mè, kiểu như Dream Team trong môn bóng rổ.

Tuyển Mỹ có thể sẽ thắng tiếp ở bán kết vì họ đang có lợi thế rất lớn. Nhưng trận chung kết, khi đó, sẽ lại là một  câu chuyện khác. Tuy vậy, dù có thắng hay không thắng, vô địch hay không vô địch ở kỳ Gold Cup năm nay, thì bóng đá ở Mỹ, và đội tuyển Mỹ vẫn chỉ đứng ở vị trí hạng 2 so với những môn thể thao được ưa chuộng hàng đầu như là bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, quyền Anh, quần vợt, thậm chí còn sau cả những môn thể thao bạo lực hay nặng tính biểu diễn như võ tự do của UFC, như là WWE. Đó, thực chất cũng là điều hiển nhiên mà bất kỳ ai cũng có thể trông thấy được.

Tin cùng chuyên mục