Nếu không có bất ngờ, phải đến tháng 4 năm sau, LĐBĐ Việt Nam mới có tân chủ tịch. Có thể nói, một lần nữa chiếc ghế quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam lại gặp trục trặc vì chưa tìm được người xứng đáng ngồi vào với nhiều lý do khác nhau. Nhân đây, cũng xin điểm lại các đời chủ tịch VFF với không ít điều thú vị.
Chủ tịch ngoài ngành đầu tiên là ông Đoàn Văn Xê, khi ấy là Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Việt Nam. Không biết nhiều về chuyên môn nhưng ông Xê lại là người đóng góp rất lớn vào một giai đoạn lịch sử của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ từ 1993 - 1997. Là người ngoài ngành, việc đầu tiên là ông Xê mạnh tay cải tổ bộ máy của VFF. Khi đó, VFF chưa có trụ sở riêng, phải “tá túc” tại 36 Trần Phú - Hà Nội, trong khuôn viên của Ủy ban TDTT. Ông Đoàn Văn Xê không chấp nhận việc bị cơ quan quản lý nhà nước chi phối hoạt động liên đoàn nên thành lập văn phòng 2 đặt tại TPHCM trong khuôn viên sân Thống Nhất và người ta ghi nhận, bộ máy tinh gọn và năng động ở trong Nam ấy hoạt động rất hiệu quả, nếu không nói là xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Tại căn phòng bé nhỏ ở sân Thống Nhất ấy, giải bóng đá quốc tế đầu tiên mang tên Cúp Độc Lập ra đời, mở đường cho sự hòa nhập của bóng đá Việt Nam với bạn bè thế giới để nâng lên một tầm cao mới. Kế đến, năm 1995, bóng đá Việt Nam có HLV ngoại và Chủ tịch Đoàn Văn Xê mạnh dạn giao quyền cho ông Weigang để qua đó, làm nên thành tích lịch sử là chiếc HCB SEA Games 1995. Tuy nhiên, nhiều bất đồng nội bộ đã khiến ông Xê tuyên bố rút lui trong việc tái tranh cử nhiệm kỳ 3 và VFF sau đó quay về với truyền thống là ghế chủ tịch được “trao” bởi “người của ủy ban” là ông Mai Văn Muôn, Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT.
Sau khi nhiệm kỳ 3 kết thúc với sự sa sút hàng loạt ở các tuyến đội tuyển với các thất bại tại Tiger Cup 2000 và SEA Games 2001, đồng thời, bóng đá nội địa Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn với tiêu cực tràn lan trên sân cỏ. Trước sự thúc bách của dư luận, một lần nữa, ghế chủ tịch VFF được nhường cho “người ngoài” và đây là nhiệm kỳ mà vị thế chính trị của VFF lên cao nhất.
Tại đại hội nhiệm kỳ 4, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh Thái Nguyên, ông Hồ Đức Việt được bầu làm chủ tịch. Sau 2 năm làm, do bận công việc, ông Hồ Đức Việt rút lui và thay bằng Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn Thông Mai Liêm Trực, tức cũng là người “ngoại đạo”.
Nói không ngoa, VFF nhiệm kỳ 4 là nơi đặt toàn bộ nền móng cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đầu tiên là việc chấp thuận chuyển giải vô địch quốc gia thành V-League với mô hình tự kinh doanh mà tồn tại. Kế đến, quyết định mời HLV Calisto, người khi đó chỉ mới thành công ở giải hạng nhất, làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam để lấy lại hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ 4, bóng đá Việt Nam cũng giới thiệu lứa cầu thủ “Thế hệ vàng thứ 2” tại SEA Games 2003. Quan trọng nhất vẫn là sự ra đời của một loạt CLB bóng đá chuyên nghiệp nổi tiếng như Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm Long An, B.Bình Dương… Nếu không có những cái nhìn thoáng cũng như sự kiên định của các vị chủ tịch “ngoại đạo”, rất khó để bóng đá Việt Nam tạo lập những nền móng ấy.
Rất tiếc, trong 6 nhiệm kỳ đã qua của VFF thì chỉ có 2 lần chiếc ghế chủ tịch được “nhường” cho người ngoài. Các đời chủ tịch “người nhà nước” đều không có dấu ấn đặc biệt nào ngoài ông Nguyễn Trọng Hỷ với chiếc cúp vô địch Đông Nam Á năm 2008. Cũng nhờ thành tích này mà ông Nguyễn Trọng Hỷ (nguyên là Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT) ngồi đến 2 nhiệm kỳ 5 và 6 trước khi tuyên bố sẽ rút lui tại đại hội nhiệm kỳ 7 sắp đến.
ĐĂNG LINH
Các tin, bài viết khác
-
Kiatisak không có Tuấn Anh ở trận ra quân LS V-League 2021
-
SLNA - Bình Định: ‘Ẩn số’ từ tân binh
-
B.Bình Dương - Thanh Hóa: Cuộc đấu trí từ khu kỹ thuật
-
Viettel - CLB Hải Phòng: Nhà vô địch ‘xuất hành’
-
Khai cuộc LS V-League 2021: Nam Định tạo địa chấn trước Hà Nội
-
LS V-League 2021: Nam Định - Hà Nội: Màn khởi động hoàn hảo của đội khách?
-
HLV Phan Thanh Hùng: LS V-League 2021 không có đội nào yếu
-
Becamex Bình Dương đặt mục tiêu vào tốp 6
-
Tây Ninh chính thức đề nghị không tham dự giải hạng nhất 2021
-
Trọng tài yếu thể lực nhưng... vẫn vượt qua bài kiểm tra thể lực!?