Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM Trần Anh Tú: Đào tạo cầu thủ trẻ là cấp thiết đối với bóng đá TPHCM

Sự sa sút của các đại diện bóng đá TPHCM ở V-League 2022 khiến dư luận lo ngại về một cuộc khủng hoảng nay mai. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF), về vấn đề này.
Chủ tịch HFF Trần Anh Tú. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chủ tịch HFF Trần Anh Tú. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

HFF luôn sát sánh và chia sẻ với các đội bóng

PHÓNG VIÊN: Dù nhiều nhà đầu tư đã vào cuộc nhưng  2 nhiệm kỳ của HFF gần đây, bóng đá chuyên nghiệp phát triển khá ì ạch. Theo ông, đâu là rào cản khiến bóng đá TPHCM chưa thể vươn đến đỉnh cao?

* Ông TRẦN ANH TÚ: Để xây dựng và vận hành một CLB bóng đá chuyên nghiệp rất khó khăn, đòi hỏi nhiều điều kiện đi kèm, chứ không chỉ mỗi kinh phí là đủ. Theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), một CLB bóng đá chuyên nghiệp phải đảm bảo 5 tiêu chí, về thể thao, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và hành chính, pháp lý và tài chính. CLB TPHCM và Sài Gòn chưa đảm bảo 5 tiêu chí này. Trong đó, hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ (tiêu chí thể thao) của cả 2 CLB đang có vấn đề. Nhưng đúng là giải quyết bài toán đào tạo trẻ hoàn toàn không dễ dàng chút nào, cũng không thể trong thời gian ngắn mà có thể hoàn thiện được.

Có nghĩa, cả hai đội bóng chuyên nghiệp của TPHCM lâu nay không quá chú trọng đến việc xây dựng lực lượng từ tuyến 2. Ngành TDTT TPHCM cũng như HFF có hỗ trợ họ trong vấn đề này?
* Hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của TPHCM có một thời gian không được quan tâm đầy đủ nên chất lượng đầu ra rất kém, chỉ sử dụng được 1-2 cầu thủ sau nhiều năm đào tạo. Cho đến 2015, TPHCM mới thực sự củng cố việc đào tạo trẻ, thông qua việc xây lại tuyến HLV đào tạo trẻ, ký hợp tác phát triển với CLB Lyon của Pháp. Sau 7 năm chúng ta bắt đầu có một số cầu thủ trẻ có chất lượng, được VFF gọi vào các đội tuyển trẻ quốc gia và một số đã ký hợp đồng với 2 CLB bóng đá chuyên nghiệp của thành phố. Tuy nhiên, 7 năm vẫn là thời gian quá ngắn để bóng đá TPHCM xây dựng đủ các tuyến trẻ, cũng như khó tập trung đủ lực lượng HLV đào tạo trẻ rải đều đến các tuyến. Việc này cần thêm thời gian, dù chính 2 CLB cũng phải chủ động trong việc đào tạo trẻ của mình.
Học viện Lyon cho thấy tín hiệu vui, tức là đưa bóng đá TPHCM phát triển khả quan hơn trong tương lai. Vậy, từ thời điểm này, HFF đã có thể tính đến đầu ra, giúp học viện trở thành nguồn cung cầu thủ cho nhiều CLB trong nước?
* Đúng vậy. Như tôi đã đề cập, năm 2022 này, Học viện Lyon đã có một số em được 2 CLB ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để có thể được ra sân thi đấu ở V-League, chắc chắn các em còn phải nỗ lực hơn rất nhiều về kỹ năng chơi bóng, bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc. Trong môi trường bóng đá khắc nghiệt, nếu kiên trì rèn luyện, họ hoàn toàn có thể thành công hơn nữa.
Trước tình trạng các tuyến cầu thủ trẻ của CLB TPHCM và Sài Gòn vẫn thiếu hụt, HFF cùng các cơ quan chuyên môn của Sở VH-TT có giải pháp hỗ trợ gì chưa?
* Trong buổi làm việc gần đây của lãnh đạo TPHCM với 2 đội, Sở VH-TT, Trung tâm TDTT Thống Nhất và HFF đều xác định đào tạo trẻ là một việc hết sức quan trọng. Chúng tôi sẽ cùng 2 CLB bàn việc phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy công tác đào tạo cầu thủ trẻ, phấn đấu làm sao tận dụng được tất cả các nguồn nhân lực của thành phố, đồng thời đảm bảo cho 2 CLB dần dần sở hữu đủ các tuyến trẻ theo yêu cầu của AFC. Một việc rất quan trọng nữa, là ngoài số lượng, chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo để sớm cho ra lò nhiều cầu thủ tài năng, hỗ trợ cho 2 CLB.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM Trần Anh Tú: Đào tạo cầu thủ trẻ là cấp thiết đối với bóng đá TPHCM ảnh 1Các cầu thủ của Học viện Lyon liên tục được thử sức ở những sân chơi trẻ quốc gia. Ảnh: HOÀNG YẾN 
Phải xác định được hướng đi đúng đắn
Hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi hiện nay có đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo, huấn luyện cầu thủ trẻ, cũng như phục vụ cho các đội bóng chuyên nghiệp chưa, thưa ông?
* Vấn đề thiếu sân bãi đã được đề cập rất nhiều thời gian qua, đối với 2 đội bóng của TPHCM. Đấy cũng là lý do khiến công tác đào tạo trẻ của các CLB trở nên trì trệ. Khi đội 1 còn chưa đủ sân tập, lấy đâu ra sân đào tạo bóng đá trẻ. Tôi hy vọng, thời gian tới, khi sân tập ở Trung tâm TDTT Quận 7 đi vào hoạt động, sẽ phần nào san sẻ khó khăn về thiếu hụt sân bãi cho các đội bóng của thành phố. Đối với Trung tâm TDTT Thành Long, tôi tin nơi đó hoàn toàn đảm bảo đủ sân tập cho các tuyến trẻ của CLB Sài Gòn. 
Theo ông, câu chuyện xã hội hóa đối với 2 đội bóng chuyên nghiệp nói riêng và bóng đá TPHCM nói chung hiện tại ra sao? Và điều đó có triển vọng thực sự trong tương lai không?
* Thực chất là 2 CLB này đang hoạt động bằng nguồn tài chính tư nhân. Bóng đá TPHCM hiện nay chỉ có các tuyến năng khiếu còn phụ thuộc ngân sách của thành phố. Trong khi bóng đá nữ vừa “sống” bằng ngân sách của ngành, vừa dựa vào nguồn tài chính vận động từ xã hội thông qua HFF. Tôi nghĩ rằng điều này là phù hợp với tình hình hiện nay.
Vậy, trước những khó khăn mà đại diện các đội bóng nêu lên trong buổi gặp gỡ mới đây với lãnh đạo TPHCM, chúng ta cần thêm những giải pháp gì giúp họ phát triển mạnh hơn?
* Đây là một câu hỏi đề cập đến nhiều vấn đề, mà cơ bản là các CLB phải chủ động giải quyết. Muốn bền vững và phát triển, các CLB phải đạt được các tiêu chí của AFC như tôi đã nói ở trên. Việc xây dựng lực lượng HLV phục vụ đào tạo trẻ, về nhân lực và bộ máy hành chính hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của CLB. Tôi thấy 2 CLB rất cần củng cố vấn đề này. Việc này không thể làm trong ngày một ngày hai nhưng CLB phải xây dựng được lộ trình để đảm bảo được nhân lực có chất lượng. Tôi thấy 2 CLB đã rất chủ động trong việc tự xây dựng cơ sở vật chất cho mình, đảm bảo có sân tập, có trụ sở và công trình phục vụ cho việc tập luyện và sinh hoạt của CLB. Tuy nhiên và mặt pháp lý, TPHCM cần hỗ trợ để các cơ sở này có sự ổn định cho các CLB.
Chỉ nghe thôi đã thấy rất nhiều vấn đề phát sinh...?
* Chính xác là như vậy. Tôi luôn cho rằng bóng đá TPHCM luôn tự hào với truyền thống của mình. Điều đó bắt buộc các đội bóng phải tìm cách khẳng định thương hiệu của mình, tạo dựng được niềm tin cho người hâm mộ. Không ai làm thay được họ cả. Họ cần tự quyết định tương lai của mình. Các đội bóng phải xác định được hướng đi đúng đắn cho mình, vì nếu tài chính có mạnh mà hướng đi không đúng thì cũng rất khó đạt đến thành công. Chúng ta đứng ở ngoài, có thể tư vấn cho 2 CLB, nhưng chỉ có bản thân CLB mới hiểu chính xác được mình cần gì, làm gì.
Nhắc đến sự thành công, môn futsal đã và đang làm rất tốt sứ mệnh của mình, giúp nâng cao hình ảnh và vị thế cho bóng đá TPHCM. Vậy điều đó có được xem như mô hình hoạt động điển hình để có thể chia sẻ cho bóng đá TPHCM nói chung hay không?
Tôi nghĩ việc futsal thành công cũng chỉ là một mô hình để tham khảo thôi chứ không nên rập khuôn. Các CLB của TPHCM có thể tham khảo sự thành công của các CLB bóng đá khác ở V-League để rút kinh nghiệm cho mình. Sau nhiều năm tham gia vào bóng đá, tôi rút ra được kinh nghiệm cho bản thân: để có sự thành công của CLB thì vai trò người lãnh đạo của CLB rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Và một kinh nghiệm nữa là CLB phải có một hình tượng của mình để mọi người luôn tin tưởng. Mỗi khi gặp khó khăn, mọi người trong CLB sẽ dựa vào hình tượng đó để vượt qua khó khăn.

Tin cùng chuyên mục