Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) Trần Anh Tú: Sẽ chăm lo đặc biệt cho bóng đá học đường

Bóng đá Việt Nam đã vượt qua năm 2020 đáng nhớ khi phải hoãn đến 2 lần vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giới bóng đá cũng nhiều lần kề vai, chung sức để cùng với cả nước phòng chống dịch Covid-19, thiên tai bão lụt. Mùa bóng rốt cuộc cũng đã về đích an toàn, thậm chí có đoạn kết được đánh giá hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đầu Xuân 2021, ông Trần Anh Tú (Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, Chủ tịch LĐBĐ TPHCM - HFF, ảnh) đã dành cho PV Báo SGGP cuộc trò chuyện về bóng đá TPHCM nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) Trần Anh Tú: Sẽ chăm lo đặc biệt cho bóng đá học đường

* PHÓNG VIÊN: Hai lần trong năm 2020 phải tạm hoãn vì dịch Covid-19, có khi nào ông nghĩ đến khả năng mùa bóng không thể về đến đích? Yếu tố nào đã giúp ông cùng các cộng sự vượt qua được khó khăn ấy?

* Ông TRẦN ANH TÚ: Dù 2 lần bị tạm hoãn vì dịch Covid-19, nhưng chưa khi nào tôi nghĩ đến khả năng mùa bóng 2020 không thể về đến đích, vì trong tôi luôn có niềm tin: mọi khó khăn đều có cách giải quyết. Chìa khóa để vượt qua khó khăn chính là luôn phải chủ động trong mọi tình huống.

Ở Việt Nam, khó khăn nhất là sự đồng thuận của các CLB tham dự giải, vì mỗi CLB đều có những quan điểm khác nhau khi dịch Covid-19 xảy ra. Điều đó thể hiện rất rõ trong cuộc họp trực tuyến vào đầu mùa bóng. Để giải quyết, chúng tôi không chỉ nói suông mà luôn bám sát tình hình diễn biến thực tế. Bằng sự nhạy cảm chính trị, chúng tôi xác định được gần như chính xác tuyệt đối thời gian giải có thể quay lại.

* Vấn đề an toàn tài chính ở các CLB vẫn luôn là ưu tiên. Mùa bóng 2021 VFF và VPF sẽ xử lý triệt để các trường hợp không đủ điều kiện cấp phép?

Đến nay còn 4 CLB vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí cấp phép của AFC và được cấp phép ngoại lệ để tham dự giải VĐQG. Nếu so với trước đây, việc chỉ còn 4 CLB được cấp phép ngoại lệ đã thể hiện sự tiến bộ, số lượng CLB được cấp phép ngoại lệ còn lớn hơn nhiều. Trong 4 CLB được cấp phép ngoại lệ lần này, có CLB bị vướng mắc về cơ chế, có CLB không chịu giải quyết những tiêu chí còn thiếu. LĐBĐ Việt Nam cũng đã tính phương án sẽ dần siết chặt việc này, sẽ có lộ trình 1 - 2 năm nữa để không còn CLB được cấp phép ngoại lệ nữa. 

* Bóng đá thủ đô rất thành công trong năm 2020 khi CLB Hà Nội và Viettel giành Cúp vô địch Quốc gia và LS V-League, nhưng bóng đá TPHCM vẫn chưa thể có danh hiệu số 1. Với vai trò Chủ tịch HFF, ông có nhận xét gì? 

* Bóng đá thành phố đến thời gian này đã trở lại là một trung tâm bóng đá lớn của đất nước sau nhiều năm vắng bóng. 2 CLB bóng đá của thành phố năm nay tuy không đạt thành tích cao bằng năm ngoái, nhưng tôi thấy có thay đổi rõ rệt về sự bền vững của CLB Sài Gòn và về chất lượng cầu thủ của CLB TPHCM. Tôi tin chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, 2 CLB này sẽ là đối thủ tranh chấp trực tiếp chức VĐQG với các CLB khác.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) Trần Anh Tú: Sẽ chăm lo đặc biệt cho bóng đá học đường ảnh 1 Bóng đá học đường TPHCM sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển. Ảnh: P.NGUYỄN

* Trên bình diện quốc gia, TPHCM vẫn được xem như lá cờ đầu ở bóng đá nữ, futsal và bóng đá học đường. Vậy chiến lược của HFF trong năm mới 2021 sẽ ra sao?

* Liên đoàn Bóng đá TPHCM luôn là liên đoàn địa phương năng động và hoạt động hiệu quả nhất so với các liên đoàn khác. HFF trong khả năng của mình vẫn sẽ luôn tập trung vào bóng đá nữ, bóng đá futsal và bóng đá học đường.

Đấy là thế mạnh gần chục năm nay của HFF, vì vậy trong năm mới, HFF vẫn quyết tâm giữ vững thành tích VĐQG của bóng đá nữ và bóng đá futsal, tiếp tục củng cố và mở rộng chương trình bóng đá học đường ở những trường học còn chưa được tiếp cận với chương trình này. Còn với bóng đá 11 người, HFF cũng sẽ luôn đồng hành cùng với 2 CLB của thành phố trong việc đào tạo trẻ, hỗ trợ chuyên môn cũng như cả kinh nghiệm quản lý.

Tin cùng chuyên mục