1. “Tôi không làm gì sai nên không việc gì tôi phải xin lỗi”, đó là cách ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trả lời báo chí liên quan đến phát ngôn trước đó của ông sau trận bán kết lượt về Việt Nam - Malaysia. Đại ý, ông Dũng cho rằng chỉ nhờ cơ quan chức năng làm rõ trận thua chứ không phải điều tra bất kỳ cá nhân nào trong thất bại đó. Việc này, theo ông Dũng là bình thường, ai cũng có quyền nghi ngờ, nên không có gì phải xin lỗi.
Trước hết, ông Dũng có xin lỗi hay không là chuyện của cá nhân ông. Chính xác hơn, đó là quyền cá nhân chứ chưa nói đến việc ông đang là chủ tịch VFF rất nhiều quyền lực. Việc gì phải xin lỗi!

Ông Dũng có xin lỗi hay không là chuyện của cá nhân ông…
Nhưng vấn đề nằm ở ngay chỗ này. Bất kỳ ai cũng có quyền nghi ngờ, và không ai phải xin lỗi về những suy nghĩ của mình. Nhưng đưa những nghi ngờ đó thành một phát ngôn công khai lại là vấn đề khác. Anh nói đúng, người ta có thể cảm ơn anh. Anh nói sai, người ta có thể bị xúc phạm. Anh nói đúng, nhưng lại nói không rõ, “vơ đũa cả nắm” thì cũng có nhiều người không làm sai bị ảnh hưởng. Đặt ra vấn đề “xin lỗi” là ở chi tiết này chứ không phải là nghi ngờ hay không nghi ngờ. Từ suy nghĩ đến phát ngôn, từ phát ngôn đến hành động đều có khoảng cách khá xa và mỗi hành vi đều có những quy định, giới hạn của nó. Đâu phải ai nghĩ gì cũng nói ra được?! Không phải ai nói xong, cũng đã làm được?!
2. Thôi thì cứ cho là ông chủ tịch VFF không muốn xin lỗi vì ông chẳng thấy mình có lỗi gì cả, nhưng sau đó, ông lại khẳng định lại một lần nữa: trận đấu ấy thực sự có vấn đề và VFF “đang nắm trong tay một số thông tin mà báo chí cũng như cơ quan chức năng chưa được biết”.
Đến mức này hết hiểu nổi ông chủ tịch. Thà rằng ông nói “tôi có lý do để không xin lỗi” thì ông lại tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình bằng những lời úp mở hết sức khó hiểu. Không ai biết, những thứ mà VFF "có trong tay” là cái gì? Hành vi bán độ ư hay chỉ là sự thiếu tích cực trong thi đấu, hay đơn thuần chỉ là những vấn đề chuyên môn?
Ví dụ như cái mà VFF “có trong tay” là dấu hiệu bán độ thì tại sao khi đã tuyên bố “nhờ cơ quan chức năng làm rõ trận thua” thì VFF không cung cấp luôn cho rồi, đằng này lại để "làm của riêng" và phủ một bóng mây nghi ngờ lên toàn bộ nền bóng đá? Vì lý do gì mà VFF lại làm như vậy? Họ sẽ tự tiến hành điều tra dù phía cơ quan công an không thực hiện? Ai cho họ có cái quyền ấy?
Hơn nữa, một khi Bộ Công an đã thông báo họ không điều tra mà ông chủ tịch VFF lại khẳng định “có bằng chứng” thì phải chăng là ông chủ tịch đang “làm lộ bí mật thông tin” nếu trong trường hợp cơ quan chức năng đang “điều tra ngầm”. Xin nhớ là một khi Bộ Công an đã công khai khẳng định không điều tra thì có thể xảy ra 2 trường hợp: Không điều tra thật, hoặc đang thực hiện bằng biện pháp nghiệp vụ khác. Cả 2 trường hợp đó, thì lời phát biểu của ông chủ tịch VFF đều sai.
3. Chống tiêu cực là chuyện phải làm và luôn được ủng hộ. Những án phạt nặng nề của VFF đối với 9 cầu thủ Ninh Bình đều được dư luận đồng ý. Thế nhưng, không thể cho rằng vì mục đích chống tiêu cực mà VFF có quyền nghi ngờ mọi thứ và công khai những nghi ngờ, thông tin theo cách của ông chủ tịch VFF. Liệu đưa ra những nghi ngờ, đặt cả nền bóng đá vào một hoàn cảnh bị “sốc” bất kỳ lúc nào, có phải là một phương pháp chống tiêu cực mới của VFF hay không? Điều đó đem lại điều tốt đẹp gì cho nền bóng đá hay chỉ tôn thêm quyền lực “bí ẩn” mà ông chủ tịch VFF “đang có trong tay”.
Hồ Việt