1. Chiều thứ Tư vừa rồi, đội Becamex Bình Dương đã thắng thuyết phục đội Chonburi của Thái Lan để trở thành đại biểu duy nhất của khu vực Đông Nam Á lọt vào bán kết AFC Cup. Trong vòng mười năm trở lại đây, có lẽ chưa bao giờ có cảnh hơn 20 ngàn khán giả lặn lội đến xem một trận đấu diễn ra dưới trời mưa tầm tã như ở trận lượt về tứ kết AFC Cup giữa Bình Dương - Chonburi.
Thiết tưởng, nếu chỉ để xem sự phân định thắng thua giữa đội Bình Dương và một đội bóng khác, tinh thần cổ vũ của khán giả không cao như thế, và tinh thần thi đấu của cầu thủ dưới sân không máu lửa như thế. Tôi nghĩ, trong hai trận “đại chiến” với Chonburi, Bình Dương không chỉ đá cho Bình Dương, mà còn đá vì danh dự của nền bóng đá Việt Nam.
![]() |
Bình Dương – Chonburi 2-0: Một lần nữa vượt qua người Thái. |
2. Trước khi Bình Dương lọt vào bán kết AFC Cup năm nay, chưa đội bóng Việt Nam nào lọt vào tứ kết một giải đấu cấp châu lục. Không chỉ thế, có những đội còn “ghi tên vào lịch sử bóng đá châu Á” bằng những trận thua muối mặt: Bình Định thua Busan (Hàn Quốc) 0-8, Đà Nẵng thua Gamba Osaka (Nhật Bản) 0-15. Các ký giả thể thao thường dùng cụm từ “ngang tỷ số một ván tennis” để chỉ những trận thua quá đậm, nhưng thua như Bình Định và Đà Nẵng thì các cây bút thể thao hết sức lúng túng với vốn từ của mình. Chẳng lẽ lại viết: Đà Nẵng thua Gamba Osaka với tỷ số ngang một ván... bóng chuyền. Nghe nó chướng tai quá, mặc dù thực tế đã xảy ra gần đúng như vậy.
Bình Định và Đà Nẵng không thể đổ thừa là các câu lạc bộ Nhật Bản, Hàn Quốc quá mạnh, vì trên thực tế sự chênh lệch về trình độ chuyên môn giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Đông Á không đến mức “xa xôi diệu vợi” như thế. Chẳng qua do thái độ thi đấu. Chính tâm lý chấp nhận thua cuộc dẫn đến thái độ buông xuôi. Kẻ chọn thái độ tiêu cực đó không nghĩ gì đến danh dự của đội bóng đã đành, còn làm tổn thương đến uy tín và thể diện của nền bóng đá quốc gia mà mình đại diện.
3. Những trận đại bại của Bình Định và Đà Nẵng thuộc về các mùa bóng trước, tưởng rằng “tấm gương xấu” đó đã được treo trong phòng trưng bày để các đội bóng khác lấy đó mà răn mình. Hổng ngờ mùa này, đội Hà Nội.ACB nhìn vào “tấm gương” đó để... làm theo. Họ đã để cho đội Chonburi vừa bị Bình Dương loại khỏi bán kết đè bẹp tới 6-0. Ngay cả đội Kedah của Malaysia (là đội mà họ từng thắng 3-1 ở lượt đi) cũng hạ nhục họ tới... 7-0. Như vậy, những trận thua tan nát của Hà Nội.ACB đâu phải bắt nguồn từ sự thua kém về thực lực. Dĩ nhiên, những trận so tài ở sân chơi châu Á hiện nay không đem lại lợi ích gì về kinh tế cho các đội tham gia (trừ phi đạt thứ hạng cao) như các cuộc tranh hùng ở châu Âu, nhưng khi anh đã đại diện cho quốc gia “đem chuông đi đấm xứ người” thì vấn đề danh dự phải được đặt lên trên những đo đếm vật chất. Có thể thua, nhưng thua vì trình độ thi đấu còn có chỗ thông cảm hơn là thua vì thái độ thi đấu.
Chính trong bối cảnh u ám đó, chiến thắng của Bình Dương có giá trị lớn hơn một cuộc so tài bình thường. Vì nó “rửa mặt” cho V-League, vốn luôn tự hào là giải quốc gia số một Đông Nam Á, và lấy lại thể diện cho bóng đá Việt Nam, đương kim vô địch AFF Cup. Tinh thần thi đấu của các cầu thủ xứ gốm hầu như không thể chê vào đâu được. Nhìn cầu thủ “thương binh” Hữu Thắng cày ải gần 90 phút trên sân, không ai tin vào mắt mình. Rồi những Quang Thanh, Vũ Phong, Công Minh, Chí Công, cả “lão tướng” Trần Minh Quang cũng bay lượn trong mưa với một tinh thần xả thân đáng phục.
4. Bình Dương còn làm được một điều quan trọng nữa: Bằng cách loại cả Điện lực Thái Lan lẫn Chonburi ở AFC Cup năm nay, các cầu thủ của ông Mai Đức Chung đã góp phần vào việc xóa bỏ tâm lý “sợ Thái” vốn tồn tại dai dẳng trong tâm trí các cầu thủ Việt Nam hơn một thập niên qua. Dĩ nhiên đội tuyển quốc gia của ông Calisto đã làm rất tốt điều đó ở AFF Cup năm ngoái, nhưng ở tầm mức câu lạc bộ, chưa đội bóng nào làm được điều tương tự Bình Dương, đặc biệt khi “bại tướng” Chonburi có đến nửa đội hình là tuyển thủ quốc gia, lại được cầm quân bởi tượng đài Kiatisak.
Hiển nhiên, hiện tượng Việt Nam đánh bại Thái Lan ở cả tầm đội tuyển lẫn câu lạc bộ chỉ có tính thời điểm, chứ chưa hẳn bóng đá Việt Nam đã vượt trội hơn bóng đá Thái. Xét về nền tảng căn cơ, về tính chiến lược, cả về mục tiêu lẫn tham vọng, chúng ta còn phải học hỏi người bạn láng giềng này rất nhiều. Ngay cả nếu Việt Nam lập “cú ăn ba” trước người Thái bằng cách vô địch bóng đá SEA Games cuối năm nay, điều đó có thể chỉ là kết quả của tài thao lược của Calisto chứ không hẳn do khâu đào tạo cầu thủ trẻ của Việt Nam tốt hơn Thái Lan.
Chiến tích của Bình Dương cho phép chúng ta mơ mộng, nhưng rõ ràng bóng đá Việt Nam còn nhiều việc phải làm trước khi mơ rằng đã đến lúc các cầu thủ Thái bắt đầu bị… “hội chứng sợ Việt Nam”!
Chu Đình Ngạn
Các tin, bài viết khác
-
HLV Thái Quang Lai bất ngờ chia tay đội bóng chuyền nam Hà Tĩnh
-
HLV Mai Đức Chung chốt danh sách tham dự AFF Cup nữ 2022
-
Viettel FC tiến gần tấm vé đi tiếp ở AFC Cup 2022
-
Ten Hag điều hành buổi tập đầu tiên tại Man.United
-
Borussia Dortmund 'bùng nổ' trên thị trường chuyển nhượng
-
Lọt vào bán kết đơn nam, bóng bàn Việt Nam rộng cửa giành huy chương cá nhân giải vô địch Đông Nam Á
-
Wimbledon: Maria Sakkari muốn tạo “cuộc cách mạng Hy Lạp”, đến All England Club để đăng quang
-
Pau - đội bóng mới nổi ở Ligue 2
-
Quang Hải gia nhập Pau FC
-
Courtois có cách lưu dấu độc đáo chiến tích châu Âu