Chấp nhận sự khác biệt

Từ khi được khai sinh vào năm 1995, đến nay danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam do báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức đã được trao cho 23 cầu thủ nam và 17 cầu nữ. Nếu như chủ nhân Quả bóng vàng nữ thường có sự vượt trội so với phần còn lại thì ở hạng mục Quả bóng vàng nam, kết quả bầu chọn không phải lúc nào cũng làm hài lòng tất cả. Thậm chí, bên lề đã có không ít lần người ta tranh cãi đến ghét nhau chỉ vì mỗi người chọn một “chủ nhân” riêng cho mình.  

Các cầu thủ được vinh danh tại cuộc bầu chọn năm 2018. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Các cầu thủ được vinh danh tại cuộc bầu chọn năm 2018. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Phải khẳng định, tranh luận hay tranh cãi trong trường hợp này không có đúng – sai mà là hết sức bình thường trong quá trình bầu chọn. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận góc nhìn riêng của mỗi người hay không mà thôi?!

Rõ ràng, ở đây không phải cầu thủ nào được chọn mà là quyền lựa chọn thuộc về mỗi cá nhân cầm lá phiếu trên tay. Dù muốn hay không thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, thế nào cũng có sự khác biệt. Vì vậy, có một đồng nghiệp khác nghe câu chuyện trên lại đưa ra nhận xét: “Cứ tranh luận thoải mái đi, miễn là đừng xúc phạm nhau, chỉ trích nhau. Như thế mới là bầu chọn! Đâu phải ai cũng nghĩ giống mình?”.

Nhận xét này càng đúng, bởi “mâu thun là động lực của sự phát triển”. Thành ra, có một điều chắc chắn là việc ngầm tranh cãi hay bộc lộ quan điểm chủ quan thích ai, bỏ ai trong quá trình bình chọn để tìm ra chủ nhân Quả bóng vàng không bao giờ có hồi kết.

Lâu nay, giới hâm mộ túc cầu vẫn cứ chia ra 2 phe: Vua bóng đá Pele (Brazil) và huyền thoại Maradona (Argentina), ai vĩ đại hơn ai? Và hiện tại thế giới bóng đá lại xuất hiện 2 nhân vật kiệt xuất khác là Cristiano Ronaldo ( Bồ Đào Nha) và Lionel Messi ( Argentina), người ta lại tranh luận nảy lửa mà vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng- ai hay hơn ai?

Trở lại chuyện bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam, cứ mỗi lần BTC công bố kết quả thì thể nào cũng có người hài lòng ra mặt và cũng có không ít người tỏ ra thất vọng. Từ đó lại tiếp tục xảy ra những phản ứng quen thuộc kiểu: ‘theo tôi, cầu thủ A phải được trao Quả bóng vàng mới xứng”; “ Tôi tôn trọng kết quả nhưng cá nhân tôi cho rằng, cầu thủ B đoạt Quả bóng vàng mới đúng” vân vân và vân vân. Thậm chí, có người còn nghĩ đến một “thuyết âm mưu” nào đó để vận động, dồn phiếu cho cầu thủ C chẳng hạn...

Chấp nhận sự khác biệt ảnh 1 HLV Mai Đức Chung trao Quả bóng đồng 2018 cho Chương Thị Kiều. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xét cho cùng, ngoài những cân nhắc dựa trên thành tích cầu thủ thì yếu tố “cảm tính” cũng là thứ dẫn dắt sự lựa chọn của mỗi người cả thôi! Bởi đã là con người thì ai cũng có cảm xúc riêng, ấn tượng riêng. Quyền lựa chọn rồi cũng phải kết thúc mà thứ quyết định kết quả bình chọn thường chính là sự yêu ghét trong bản thân mỗi người trên cơ sở cân nhắc tương đối về tính logic của vấn đề. Cho nên ngày nào mà sự yêu ghét còn ngự trị trong chúng ta thì khi ấy, sự lựa chọn đều do con tim quyết định, dù ai cũng khăng khăng mình luôn rất công bằng và lý trí. 

Với riêng tôi, cuộc bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam lần này chắc chắn sẽ rất gay go, có thể khiến giới nhà báo, chuyên gia rất “đau đầu”, bởi kể từ ngày hội nhập trở lại với khu vực và Châu Á đến nay, chưa bao giờ bóng đá nước ta gặp được đại cát như 2 năm qua ( 2018-2019).

Khác với nhiều lần bầu chọn trước, có lẽ năm nay sẽ có rất nhiều gương mặt được xem là ứng viên cho danh hiệu Quả bóng vàng nam. Trong bối cảnh như vậy, tôi nghĩ kết quả rồi cũng sẽ tạo ra ít nhiều tranh cãi. Ở đây có thể hợp lý hay không hợp lý chứ không có chuyện ai đúng, ai sai vì mọi thứ cũng chỉ là tương đối.

Tựu trung lại, nếu biết tôn trọng quyền lựa chọn của người khác, chúng ta sẽ đón nhận kết quả một cách nhẹ nhàng, vui vẻ cho dù chủ nhân quả bóng vàng mà BTC công bố không giống với sự bầu chọn của riêng mình. Nghĩa là chúng ta nên học cách chấp nhận sự khác biệt!

Tin cùng chuyên mục