Cha và con, Alex Ferguson

Ngày 6-5-2018, Sir Alex Ferguson bị tai biến, phải nhập viện khẩn cấp. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, nhưng cả thế giới bóng đá vẫn đang cầu nguyện cho ông…

Sir Alex Ferguson
Sir Alex Ferguson

“Tôi cầm micro lên, giữa SVĐ đang hô vang tên tôi. Tôi mỉm cười, nhìn xung quanh và chợt nhận ra những ánh mắt thảng thốt của các cầu thủ, trợ lý đứng quanh tôi. Có những người, suốt 20 năm qua, không làm việc với ai khác ngoài tôi”.

Manchester, ngày 6-3-2013, phút 56 trận đấu lượt về giữa Manchester United và Real Madrid. Trọng tài Cüneyt Çakır rút thẻ đỏ đuổi Nani sau pha va chạm với Arbeloa. Cả sân Old Trafford lặng im, Sir Alex Ferguson lao từ khán đài xuống đường piste để phản đối. Khoảnh khắc bỗng lắng đọng lại, những người hâm mộ M.U nhìn như thôi miên vào người đàn ông tất tả ấy, dáng hình đó, sự vội vã ấy.

Đã 27 năm rồi, người đàn ông ấy là điểm tựa của họ trước những phong ba bão táp. Ông là cây cột duy nhất chống đỡ cả Old Trafford. Già nua và run rẩy, lại đón đỡ sức nặng ngàn quân vạn mã, để đưa đội bóng áo đỏ này vượt qua bao nhiêu biến cố. Khi Nani bị thẻ đỏ và nỗi sợ hãi ập tới, vậy mà hy vọng vẫn len lỏi xen vào, vì họ có ông.

Vì ông đã chạy xuống đường piste bằng tâm thế của người cha hét lên với các trọng tài: “Ngu xuẩn, đó là đứa con của tôi, các ngươi không có quyền đuổi nó ra khỏi sân!”. Đó là năm cuối cùng ông ở Manchester United. 27 năm trời, ông đã quản trị đội bóng vĩ đại với những cầu thủ cá tính bằng sự nghiêm khắc và tình cảm của một người cha già, bằng tài năng thuyết phục và lòng yêu thương dành cho mọi cầu thủ dưới trướng của mình.

Hệt như một cuốn băng đang tua ngược, những dòng hồi ức trở về, giúp ta hiểu rằng phía sau sự nghiêm khắc của người HLV có biệt danh “máy sấy tóc”, là cả một tình yêu cho các cầu thủ. “…Một cầu thủ đối phương đã đá nguội một trong những cầu thủ của chúng tôi và tôi đã nói với cánh tay phải của mình Davie Provan, “Tôi sẽ bay vào sân và cho thằng đó một trận”. Davie nói, “Đừng có ngu ngốc như vậy, ngồi yên đi.” “Nếu hắn mà chơi xấu Torrance một lần nữa, tôi sẽ cho hắn biết tay.” Và dĩ nhiên, hắn ta lại làm trò đó. “Thế đấy,” tôi nói, “Tôi tới đây.” Hai phút sau tôi bị đuổi khỏi sân.” Câu chuyện ngắn ngủi, hài hước, nhưng rất ấm áp.

Ngày 24-10-2004, Arsenal tới làm khách trên sân Old Trafford trong khuôn khổ FA Cup của mùa giải 2004-2005, với thành tích 49 trận bất bại và họ rất muốn kéo dài lên thành 50 trận. Nhưng Manchester United đã chặn đứng con số đó với chiến thắng 2-0. Hai bàn thắng được ghi bởi Van Nistelrooy và Rooney.

Khi trận đấu kết thúc, Ruud Van Nistelrooy vào phòng thay đồ và than phiền với Sir Alex rằng mình bị Wenger chỉ trích khi rời sân. Ngay lập tức, Alex Feguson lao ra khỏi phòng và hét lên với Wenger: “Để các cầu thủ của tôi yên”. Khi xảy ra án phạt 8 tháng treo giò của Rio Ferdinand, ông tâm sự: “Tôi hiểu rằng đã có vi phạm nghiêm trọng đến các quy định kiểm tra doping, nhưng tôi vẫn thấy thật khó tin khi Rio nhận hình phạt nặng đến vậy. Tôi có xu hướng đối xử với cầu thủ như con cháu và không tin rằng họ có tội theo bất kỳ cáo buộc nào có nguồn gốc bên ngoài gia đình”.

Ông coi các cầu thủ như con của mình. Con của mình sai thì chính gia đình xử phạt, không phải một người nào ngoài xã hội chà đạp lên nó. Hãy luôn bảo vệ gia đình mình! Tôn chỉ ấy được thực hiện rõ rệt trong đế chế của Alex Ferguson. Đó là dòng nước ngầm chảy bên dưới thành công trong 3 thập kỷ ông nắm quyền ở Old Trafford, là động lực cho ông lèo lái đại gia đình này vượt qua bao nhiêu giông tố để cập bến vinh quang, là niềm tin cho các cầu thủ cống hiến hết mình vì ông, vì màu áo đỏ.

Những câu chuyện rời rạc, để ta nhận ra Alex Ferguson đã dạy những học trò mình bằng sự nghiêm khắc của người thầy, bằng kỳ vọng thiết tha của người cha, và bằng một thứ tình cảm khó gọi tên, được ẩn giấu vào một nơi rất sâu, chỉ bùng phát lên vào những thời điểm mà một cậu học trò của mình đối diện với hoàn cảnh ngặt nghèo.

Ngày Rio Ferdinand chia tay sân cỏ thế giới, anh đã nói rằng Sir Alex Ferguson đã giúp anh cũng như các đồng đội phát triển không chỉ trên phương diện cầu thủ, mà còn trên cả phương diện con người. Phương diện con người ấy, tôi tin rằng, còn có cả trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình. Người chủ gia đình không chỉ là bảo vệ, mà còn cả sự chăm sóc.

Vào cái ngày ông giã từ sự nghiệp huấn luyện viên, lý do ông đưa ra chính là lý do gia đình, và ông cần có thời gian chăm sóc người vợ của mình, sau quá nhiều năm tháng chinh chiến mà để bà cô đơn. Khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra rằng, ông cũng như Don Vito Corleone trong tác phẩm “Bố già” của Mario Puzzo: “Một người đàn ông không dành thời gian ở cùng với gia đình mình sẽ không bao giờ có thể là một người đàn ông chân chính”.

Old Trafford đã không còn người đàn ông già nua và hồng hào ấy nữa. Một khoảng trời trống vắng đã ngủ yên trên sân bóng đó. Dù cho bao nhiêu năm đã trôi qua, người hâm mộ vẫn chưa dễ dàng quên được ông. Mọi thứ vẫn như mới hôm qua, khi người đàn ông Scotland còn đứng đó, miệng nhai nhóp nhép kẹo cao su và hét to chỉ đạo ngoài đường piste. Người đã mang lịch sử đến cho Manchester United, đã huấn luyện đội bóng bằng phẩm chất cầm quân thiên tài và tình cảm mênh mông như cha con. Người như thế, không dễ đầu hàng.

Tin cùng chuyên mục