Không kịp “nuốt trôi” thất bại tại AFF Cup 2012, cũng chưa kịp vui với sự ra đời của đứa con trai mới được vài ngày, tiền đạo Quang Hải tức tốc bán chiếc xe máy lấy tiền bay vào Sài Gòn để giải quyết chuyện tiền bạc với đội bóng mới Sài Gòn Xuân Thành.
![]() |
Chưa kịp “nuốt trôi” nỗi buồn ở AFF Cup, các tuyển thủ quốc gia đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Nhân |
Chuyện rắc rối ở chỗ, Quang Hải đã ký hợp đồng 3 năm với Navibank Sài Gòn với giá 9 tỷ đồng. Mới đá 2 năm, đội này giải tán và các ngôi sao được hưởng “ân huệ” là về với đội Sài Gòn Xuân Thành, trong khi một số cầu thủ khác thì thất nghiệp. Tuy nhiên, về đội bóng mới, toàn bộ lương thưởng đều bị cắt giảm và các hợp đồng đều tái ký mới.
Theo bản hợp đồng mới với thời hạn vào cuối mùa giải 2013 mà SG.XT đưa ra, nếu đặt bút ký Quang Hải ngoài chịu giảm gần 20% lương (từ 55 xuống 45 triệu đồng/tháng) còn phải chấp nhận những điều khoản khác như bồi thường 4 tỷ đồng nếu muốn xa hẳn mọi hoạt động bóng đá. Con số ấy sẽ là 4,5 tỷ đồng nếu Hải “gà” muốn đầu quân đội bóng khác. Về quyền lợi, sẽ là “tối đa 2 tháng lương” trong trường hợp SG.XT sa thải anh trước thời hạn.
Tất nhiên Quang Hải từ chối nhưng anh cũng chẳng có cơ hội đi đâu vì khoảng đền bù quá lớn, tự bản thân Hải không bỏ tiền ra “đổi lấy tự do” cho mình mà tìm CLB khác mua lại hợp đồng càng khó. Không dưới một lần, Hải “gà” lên báo than thở tiền lương đá bóng không nuôi nổi gia đình. Sắp đến, sẽ có khả năng không có tiền thưởng trong thi đấu. Nhưng không đá bóng thì một người như Quang Hải cũng chẳng biết làm gì.
Vậy mà tình cảnh của Quang Hải còn đỡ hơn Công Vinh, Thành Lương, những ngôi sao của bóng đá Việt Nam giờ “kẹt cứng” với đội Hà Nội của bầu Kiên, vốn đã không đăng ký thi đấu mùa giải 2013. Dù không đăng ký thi đấu nhưng đội nào muốn có các ngôi sao trên đều phải trả tiền đền bù hợp đồng cho đội Hà Nội bởi các cầu thủ ký hợp đồng lao động với công ty quản lý CLB. Nói cách khác, muốn có Công Vinh, Thành Lương thì phải chi khoản tiền lên đến 5 - 7 tỷ đồng và kèm theo đó là khoản lương rất cao để xứng đáng với một ngôi sao. Tại SLNA, các tuyển thủ quốc gia như Trọng Hoàng, Văn Hoàn đều được đề nghị thẳng “đi đâu được thì cứ đi”…
Vì lẽ đó, càng là sao lại càng dễ thất nghiệp trong thời điểm mà các doanh nghiệp đang rút lui khỏi bóng đá. Các CLB còn “trụ lại” đa phần đều gói ghém ngân sách, chủ yếu là để trả lương và hoạt động thi đấu. Nếu có mua cầu thủ, cũng chỉ săn tìm người đang tự do bởi thà trả 500 triệu đồng/mùa tiền lương còn hơn phải trả vài tỷ đồng chuyển nhượng. Khổ nỗi, đa số các cầu thủ “ngôi sao” đều dính các hợp đồng dài hạn với các CLB cũ với các khoản đền bù đều “ở trên trời”, do thời điểm ký hợp đồng cách đây 2 - 3 năm khi mọi thứ còn “phơi phới tiền bạc”.
Đăng Linh
Các tin, bài viết khác
-
Người hâm mộ TPHCM háo hức đi mua vé xem tuyển Việt Nam thi đấu
-
Đội tuyển U23 Việt Nam thua 0-3 trước U23 UAE
-
Đội tuyển Việt Nam vào TPHCM
-
HLV Park Hang-seo tỏ ý muốn Hoàng Đức xuất ngoại sớm
-
Đội tuyển nữ quốc gia Australia dự AFF Cup nữ 2022
-
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp hai HLV Park Hang-seo và Mai Đức Chung
-
U23 Việt Nam không có gì phải áp lực
-
Tuyển thủ bóng đá nữ Huỳnh Như được tuyên dương, mừng công
-
U23 Việt Nam rèn chiến thuật trước trận gặp UAE
-
Đội tuyển Việt Nam đủ lực lượng trước khi di chuyển vào TPHCM