1. Hầu hết quái kiệt trong môn bóng đá đều thuận chân trái. Việt Nam có Thế Anh, Từ Như Hiển, Thạch Bảo Khanh, Thành Lương..., thế giới có Garrincha, Riva, Facchetti, Zico, Maradona, Hagi, Roberto Carlos, Messi, Arjen Robben ... Denilson cũng không là ngoại lệ.
Anh và Roberto Carlos cùng nổi lên ở giải tiền World Cup 98: giải đấu Tournoi de France 97. Nếu Roberto Carlos khiến thiên hạ lé mắt với cú sút phạt vòng cung vào lưới tuyển Pháp, quả sút mà thủ môn Pháp sau đó thú nhận “Tui tưởng quả bóng bay ra cột cờ góc nên đứng im. Ai dè nó bay vòng trở lại và bất thần chui tọt vô lưới”, thì Denilson làm cả thế giới phải trầm trồ với cái chân trái ma thuật.
Tiếc là sau đó số phận đã dẫn dắt Roberto Carlos và Denilson theo hai con đường khác nhau. Roberto Carlos trở thành hậu vệ trái hay nhất hành tinh trong màu áo Real Madrid, còn Denilson lận đận qua cả chục câu lạc bộ vẫn không “bốc” lên được.
Tôi không nghĩ là Denilson nhanh chóng đánh mất những phẩm chất đặc biệt của mình, có thể lối vờn bóng thiên về biểu diễn cá nhân của anh không phù hợp với lối chơi nặng tính chiến thuật trong bóng đá hiện đại.
2. Ba mươi hai tuổi với một cầu thủ chuyên nghiệp chưa phải là đã hết thời. Trên thế giới hiện có khối cầu thủ cùng tuổi với Denilson đang tung hoành: Thierry Henry, Trezeguet, Raul Gonzalez..., thậm chí lớn tuổi hơn như Beckham, Seedorf, Michael Ballack, Nistelrooy, Vieira, Totti, Paul Scholes, Del Piero, Inzaghi...
Rõ ràng, “băm hai chưa phải là già”! Quan trọng là sau những tháng ngày nổi trôi thất vọng, trong lòng Denilson có còn cháy lên ngọn lửa đam mê với quả bóng nữa hay không.
Điều này rất then chốt vì nó liên quan đến ý thức rèn luyện và duy trì thể lực để có thể cống hiến tốt nhất cho đội bóng mới. Cho nên, thực khó mà có một đánh giá sát thực tế về những đóng góp của Denilson cho đội Xi măng Hải Phòng trong những lượt đấu tới đây. Không phải tuổi tác mà chính tình yêu với bóng đá (còn nồng đượm hay đã phai nhạt) sẽ quyết định hình ảnh Denilson sắp tới được vẽ bằng gam màu gì trong mắt người hâm mộ Việt Nam.
![]() |
Denilson ở Hải Phòng. |
3. Nhưng bất chấp diện mạo Denilson có sẽ méo mó hay không thì hiện tượng một danh thủ Brazil, một nhà vô địch World Cup, một siêu sao từng phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng thế giới, đến chơi bóng tại Việt Nam vẫn gây ra hiệu ứng tích cực về nhiều mặt. Đừng quên cho đến nay cái tên Denilson vẫn còn in đậm trong bộ nhớ của giới truyền thông quốc tế, và việc anh tham gia V-League là một hình thức quảng bá rất hiệu quả cho bóng đá Việt Nam.
Những danh thủ hàng đầu Đông Nam Á như Kiatisak, Dusit, Taiwan, Chaiman, Thonglao lần lượt đến Việt Nam, mới đây là tuyển thủ Mỹ Lee Nguyễn, bây giờ là sự xuất hiện của nhà vô địch thế giới Denilson... hàng loạt những chuyển động đó cho thấy bóng đá Việt Nam đang phát triển và từng bước tạo được ấn tượng trong mắt giới quan sát quốc tế.
Bên cạnh đó, các học viện bóng đá quốc tế nối đuôi nhau ra đời, rồi những chiến tích của “phù thủy” Calisto khi dẫn dắt tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch Đông Nam Á, rồi đả bại Olympiakos, Kuwait... tất cả đã cộng hưởng với nhau để biến hai từ Việt Nam không còn là khái niệm để chỉ một cuộc chiến; đó còn là một xứ sở như mọi xứ sở khác. Ở đó, người dân biết chơi bóng đá và chơi ở đẳng cấp... thế giới (!), ít ra vì đã quyến dụ được Denilson - một nhà vô địch thế giới “thứ thiệt”!
4. Nhiều người bảo Hải Phòng ngông. Có người bảo Hải Phòng chơi dại. Nhưng ở đời, nếu không có những người “ngông”, những người “chơi dại”, thì cuộc sống sẽ mãi mãi dẫm chân tại chỗ. Trong một đội ngũ quen “đều bước”, bao giờ cũng cần có người xông lên phía trước để mang tiếng “ngông”.
Nếu không ai chịu mở “đột phá khẩu”, người thứ hai và thứ ba sẽ không có mục tiêu lẫn sự kích thích để nối gót. Đoàn Nguyên Đức cũng từng bị bĩu môi rằng “ngông” khi ông đem Kiatisak về phố núi, khi ông liên kết với Arsenal mở học viện bóng đá, rồi tuyên bố sẽ mua 20% cổ phần của chính câu lạc bộ thành London này.
Có cái ông Đức làm được, có cái ông chưa làm được nhưng tinh thần dám nghĩ dám làm của ông rõ ràng đã tạo sự chuyển biến tích cực cho bóng đá nước nhà và nâng tầm V-League trong mắt bạn bè khu vực. Bây giờ đến lượt ông Lê Văn Thành: Denilson có sẽ làm lợi cho bóng đá Hải Phòng hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn vụ chuyển nhượng lịch sử này đang làm lợi cho bóng đá Việt Nam và hình ảnh Việt Nam nói chung.
5. Thực ra, người Nhật đã từng làm những điều chúng ta đang làm, tất nhiên họ làm có lộ trình, có chiến lược hơn. Tháng 5-1991, siêu sao Zico chuyển sang chơi bóng cho đội Sumitomo Metal Industries ở giải vô địch quốc gia Nhật trước sự ngạc nhiên của báo giới quốc tế. Zico lúc đó đã 38 tuổi (trường hợp này mới đúng là “lão tướng”), và cũng chưa từng vô địch World Cup như Denilson.
Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ cầu thủ U40 Zico chơi bóng như thế nào mà là bằng tên tuổi của mình, anh kéo theo làn sóng ngoại binh gạo cội tràn vào J-League: Gary Lineker, Dragan Stojkovic, Pierre Littbarski, Salvatore Schillaci, Dunga, Leonardo, Careca...
Tóm lại, sự xuất hiện của Zico trên sân cỏ Nhật đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của bóng đá nước này, về nhiều mặt: chủ trương, các quyết sách, sự hâm mộ của công chúng, thúc đẩy sự đam mê bóng đá của tuổi trẻ Nhật, cải thiện hình ảnh lẫn trình độ của bóng đá Nhật trên thế giới. Tác động đó có ý nghĩa bao trùm, lớn lao hơn rất nhiều so với việc Zico có đưa được đội Sumitomo Metal Industries lên ngôi vô địch hay không.
Cho nên, chúng ta chào mừng Denilson, nhưng cũng không nên kỳ vọng anh sẽ tức khắc đem lại điều thần kỳ cho Xi măng Hải Phòng trong 13 lượt đấu tới. Theo người viết bài này, một nhà vô địch thế giới như Denilson đến chơi bóng ở V-League, bản thân sự kiện đó đã là điều thần kỳ. Nếu không, những ngày này các cơ quan thông tấn lớn nhất trên thế giới đâu có đồng loạt đưa tin về mối lương duyên giữa Denilson và bóng đá Việt Nam làm chi!
CHU ĐÌNH NGẠN
Các tin, bài viết khác
-
Đội tuyển nữ Việt Nam được thưởng 1,3 tỷ đồng
-
Liệu Liverpool có phải gặp Man City ở chung kết Premier League 3 ngày trước khi gặp Real Madrid?
-
Callum Wilson ‘hoàng sợ’ khi suýt mất chiếc răng cừa trong chiến thắng Arsenal
-
Ban tổ chức tước huy chương của Lò Thị Thanh
-
Huỳnh Như lập công, tuyển nữ Việt Nam lần thứ 6 liên tiếp vào chung kết
-
Hai đội tuyển bóng chuyền nhận thưởng 100 triệu đồng trước lượt bán kết
-
Võ sĩ vật, karate, taekwondo giành vàng liên tiếp cho thế thao Việt Nam
-
Điền kinh Việt Nam đã đạt 19 tấm HCV tại SEA Games 31
-
Canoeing/Kayak Việt Nam đã có 3 huy chương vàng ở SEA Games 31
-
Đoạt vô địch cùng tổ tiếp sức 4x400m, Nguyễn Thị Huyền có tấm HCV thứ 10 ở SEA Games