Cần những mục tiêu cụ thể cho Đề án đào tạo VĐV

Các thảo luận của ngành thể thao cho Đề án đào tạo VĐV trọng điểm chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) và Thế vận hội (Olympic) đã được đưa ra. Thực tế, Đề án khi xây dựng vẫn cần rất nhiều ý kiến chuyên môn chuyên sâu để có được cái nhìn tổng quan nhất.

Thể thao Việt Nam đang xây dựng nhiều Đề án hướng tới việc đào tạo các VĐV cho những đấu trường thể thao thành tích cao cụ thể. Ảnh: D.P
Thể thao Việt Nam đang xây dựng nhiều Đề án hướng tới việc đào tạo các VĐV cho những đấu trường thể thao thành tích cao cụ thể. Ảnh: D.P

Buổi làm việc đã diễn ra tuần qua tại Tổng cục TDTT. Lúc này, Đề án đào tạo VĐV trọng điểm chuẩn bị cho ASIAD và Olympic là một trong những chương trình quan trọng mà ngành thể thao đang lấy ý kiến từ đó xây dựng cụ thể các đầu mục nội dung từ mục tiêu cho tới phương thức thực hiện ra sao.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn từng phân tích ngay sau khi SEA Games 31 khép lại rằng ngành thể thao cần xây dựng những chiến lược đào tạo cụ thể và hướng sẽ khác so với trước từ đó nhắm trọng điểm nguồn lực con người ra sao, nguồn lực đầu tư như thế nào hướng tới đấu trường quan trọng ASIAD và Olympic.

Chia sẻ sau buổi làm việc về Đề án đào tạo VĐV trọng điểm chuẩn bị cho ASIAD và Olympic trên, một thành viên cuộc làm việc bày tỏ, yếu tố tìm con người trọng điểm để đào tạo được thành VĐV xuất sắc nhất luôn được đề ra ở nhiều chu kỳ phát triển của thể thao chúng ta tuy nhiên, việc lựa chọn sẽ rất cẩn trọng và trên hết phải có đủ nguồn lực kinh phí đảm bảo.

Có thể hiểu, một số môn thể thao cơ bản như bơi lội, bắn súng, cử tạ, TDDC, điền kinh... vẫn là những môn nòng cốt chúng ta hướng đầu tư bài bản nhất như các năm trước. Cùng với đó, các môn võ thuật sẽ không bỏ qua. Về nguồn lực con người, với tiêu chí trọng điểm, con số VĐV chắc chắn khó vượt được 50 người vì khi hình thành Đề án thì mục tiêu vẫn là chọn ra các cá nhân tinh túy nhất đủ khả năng phát triển dài hơi và đủ năng lực sẽ đạt thành tích cao huy chương. Không đầu tư dàn trải, đó là một trong hướng quan trọng nhiều đề xuất đưa ra.

Trong 4 năm qua, chúng ta đã có những giải đấu như Olympic trẻ 2018, ASIAD 2018, SEA Games 2019, SEA Games 2021, Olympic 2020 để nhìn nhận năng lực thực tế các tài năng thể thao ở sự phát triển, cơ hội phát triển thành tích ra sao. Tuy nhiên, như ông Trần Đức Phấn nhìn vào thực tế đó là “chúng ta đã giành được 205 tấm HCV tại SEA Games 31 trong rất nhiều nội dung thi đấu nhưng để chọn lựa được các gương mặt chắc chắn giành được những tấm HCV tại ASIAD 19-2022 là rất ít, con số chỉ khoảng 3-4 người có cơ hội chứ chưa phải khẳng định chắc chắn giành được HCV. Với Olympic là không có”. Do thế, đầu vào là tuyển chọn được VĐV ra sao là quan trọng hàng đầu.

Bây giờ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong đào tạo huấn luyện thể thao được yêu cầu ngày càng cao hơn và đây cũng là nội dung được đề cập trong Đề án trên. Không chỉ phụ thuộc vào máy móc, trang thiết bị mà các chương trình còn cần tới những chỉ số phân tích về thể chất ở từng cá nhân từ đó có các áp dụng từ dinh dưỡng, thuốc men bổ trợ mới thực hiện hiệu quả tốt nhất. Thể thao Singapore và Thái Lan là những nơi đã và đang có sự đầu tư tốt về các chiến lược phát triển VĐV thể thao trọng điểm từ việc sử dụng tối đa nguồn lực sẵn có đầu tư đúng con người đúng nội dung rồi kết hợp tập huấn quốc tế. Chắc chắn, chúng ta cũng xem phương thức họ làm để có những phân tích phù hợp nhất với Đề án của mình. Dự kiến trong năm 2023, một số đội tuyển thể thao quốc gia sẽ cử VĐV tập huấn nước ngoài dài hạn không ngoài mục tiêu thi đấu giành kết quả cao nhất trong các đấu trường châu Á, thế giới.

Tin cùng chuyên mục