Nhiều tờ báo đã đánh giá trận chung kết một cách phiến diện khi mô tả sự “tao nhã” của Tây Ban Nha đã thắng lối chơi “cục súc” của Hà Lan. Nhưng với góc nhìn khách quan, cây bút Richard Williams của tờ báo Anh The Guardian đã nêu lên một sự thật là lối chơi phản bóng đá của cả đôi bên đã hủy hoại một trận chung kết World Cup.
Chúng ta đã kỳ vọng một trận cầu kinh điển của bóng đá tấn công, nhưng chính lối chơi tiêu cực đã thống trị trận chung kết World Cup.
Không có nhiều trận chung kết toàn châu Âu, nhưng thật thất vọng khi 2 đội bóng châu Âu lại làm mọi người thất vọng. Bốn năm trước, trận chung kết toàn châu Âu đã kết thúc khá tệ hại với cú húc đầu của Zinedine Zidane và loạt sút luân lưu. Nhưng chẳng ai thực sự kỳ vọng vào tính kinh điển của trận đấu ở Berlin hôm ấy. Còn trận đấu ở Soccer City được dự báo là cuộc chiến quyến rũ giữa 2 sắc thái bóng đá tấn công, một cuộc đụng độ nảy lửa giữa những triết lý đối nghịch trong cuộc trình diễn của những tài năng bóng đá kiệt xuất của bóng đá hiện đại. Nhưng rốt cuộc người xem phải chờ đến cuối giờ cộng thêm mới thấy được bàn thắng của Andres Iniesta. Và khi nhìn lại, 84.000 khán giả trên sân, cùng 700 triệu người xem truyền hình đã hết sức kinh ngạc với cách trận đấu khởi đầu…
Bóng đá là một cuộc chơi, nơi 22 người đàn ông săn lùng chiến thắng, không hơn và cũng không kém, nhưng trận chung kết ở Soccer City dường như chẳng có chút tính tiêu khiển nào. Trận tranh hạng 3 diễn ra trước đó mới xứng đáng gọi là trận… chung kết bởi tính chất hay đẹp và lối chơi đầy tính tiêu khiển của nó khi cả Đức và Uruguay đều lao lên săn tìm chiến thắng từ phút đầu đến phút cuối.
Nhưng cả Hà Lan lẫn Tây Ban Nha đều không lấy đó làm thước đo vinh quang cho chính mình. Họ không xem lối chơi cống hiến là quan trọng. Sẽ thật nực cười nếu ai đoán là Hà Lan sẽ kiểm soát bóng thời gian dài, còn Tây Ban Nha chỉ bám theo đối thủ để tranh đoạt bóng. Ngay từ phút đầu, trận đấu đã bộc lộ bản chất của cuộc chơi: Tây Ban Nha quấy rầy và thách thức hàng thủ Hà Lan trong lúc các chàng trai áo cam chờ đợi sai lầm của đối thủ để thực hiện đòn phản kích. Nhưng sự căng thẳng của trận đấu đã khiến đôi bên tìm mọi cách để ngăn cản từ trong trứng nước những cơ hội mà đối thủ có được. Chỉ sau 20 phút, trọng tài Howard Webb đã phải tung ra 4 thẻ vàng (Van Persie, Carles Puyol, Van Bommel và Sergio Ramos) để kềm hãm “nhiệt độ” trận đấu. Nhưng khi Nigel de Jong phang cả gầm giày vào ngực Xabi Alonso phút 28, anh ta may mắn tránh được chiếc thẻ đỏ cho hành vi nguy hiểm.
Van Bommel, người đã ngáng chân Puyol và đốn ngã Xavi sau khi bị thẻ vàng, đã đến tranh luận gì đó với các trọng tài khi rời sân giữa giờ và người ta tự hỏi liệu có phải là anh ta đang hỏi là mình còn có thể phạm bao nhiêu lỗi nữa trước khi bị… truất quyền thi đấu.
Vài phút sau khi tiếng kèn vuvuzela lắng xuống, khán giả làm dậy lên “làn sóng Mexico” trên khán đài, như vô tình gợi lên tinh thần của sân Azteca trong những trận chung kết 1970 và 1986, để xua đi sự vô vị của cuộc chiến trước mắt.
Nhưng “làn sóng Mexico” chẳng giúp được gì, hiệp 2 bắt đầu với những thẻ vàng nở rộ, lần này là Van Bronckhorst, John Heitinga và Joan Capdevila. Bạn phải tiếc cho Howard Webb, khi trọng tài người Anh vốn hy vọng có được một trận đấu an nhàn.
Bất kể những lời phê bình thô tháp nhất, bạn cũng phải thừa nhận là Xavi, Robben, Iniesta, Wesley Sneijder, David Villa và Van Persie đã gắng hết sức để phá vỡ thế bế tắc, nhưng hệ thống đã bóp nghẹt trận đấu. Đặc biệt là hệ thống phòng thủ do Bert van Marwijk “phát minh” với 2 tiền vệ cản phá quyết liệt đến độ tiêu cực. Chính Van Bommel và De Jong đã khiến người ta tin là Hà Lan chơi tiêu cực và mang đến cảm giác là đối thủ chơi đẹp hơn, cho dù thực tế là hàng thủ Tây Ban Nha cũng chơi xấu và sử dụng nhiều tiểu xảo, đặc biệt là Puyol, Capdevila và Sergio Ramos.
Phòng thủ tốt là một phần của bóng đá, nó cũng quan trọng như ghi nhiều bàn vậy, nhưng Hà Lan và Tây Ban Nha đã lạm dụng khái niệm phòng thủ để “triệt” đối thủ. Họ khiến trận chung kết bị kéo dài trên nền tảng của lối chơi phản bóng đá. Thật thú vị nếu biết là các khán giả tụ tập trước những màn hình lớn ở Madrid và Amsterdam nghĩ gì khi họ mong đợi một trận đấu hoàn toàn khác. Và các cầu thủ Anh, Pháp, Italia, vốn rời giải trong tai tiếng và nhục nhã, giờ có thể khúc khích cười vì sự tẻ nhạt của một trận chung kết nhiều kỳ vọng.
TIẾN TRUNG