Cái khó bó cái khôn?

Nhiệm kỳ 7 VFF sẽ kết thúc vào tháng 3-2018. Ngay từ lúc này, nhiều người đã nhìn lại những gì lãnh đạo tổ chức này làm được và chưa được. Trong đó, vị trí Tổng thư ký (TTK) vốn ít được đề cập, nhưng lại là vị trí rất quan trọng và được ví như một "Tổng giám đốc của VFF".
TTK VFF Lê Hoài Anh chụp ảnh lưu niềm cùng đại diện LĐBĐ Hàn Quốc. Ảnh: MINH HOÀNG
TTK VFF Lê Hoài Anh chụp ảnh lưu niềm cùng đại diện LĐBĐ Hàn Quốc. Ảnh: MINH HOÀNG

Bóng đá Việt Nam tính từ nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 1989 đến nay trải qua 6 đời TTK. Điều thú vị là trong số 6 người giữ chức này gồm Lê Thế Thọ, Trần Bảy, Phạm Ngọc Viễn, Trần Quốc Tuấn, Ngô Lê Bằng và Lê Hoài Anh thì có hai người xuất thân từ cầu thủ đá bóng là ông Lê Thế Thọ và ông Ngô Lê Bằng.  

Sở dĩ đề cập chuyện cầu thủ đá bóng làm TTK là vì khi nhìn vào các đời khác mà ít quan tâm đến chuyện banh bóng, chuyện cầu thủ thì hay bị xung quanh chỉ ra “phốt” ông ta không biết đá bóng. Nói là vậy, nhưng nhìn ngược lại vẫn có một số TTK không là cựu tuyển thủ vẫn làm được việc điều hành ở VFF khi là người của Tổng cục hoặc Ủy ban TDTT (ngày trước) điều sang làm việc.

Thực chất thì trong số những người kinh qua chức vụ TTK đều có những đóng góp nhất định. Tuy nhiên, nói cho sòng phẳng thì người gần nhất là ông Lê Hoài Anh bị xem “mờ” hơn so với những người tiền nhiệm, dù ông không xa lạ ở ngôi nhà VFF.

Rõ ràng là hồi mới nhậm chức, nhiều người rất kỳ vọng ông Lê Hoài Anh với sức trẻ và được đào tạo bài bản sẽ mang đến luồng gió mới. Có nghĩa là theo cái kiểu chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng lúc bấy giờ phát biểu rằng: “Cần cho nhiệm kỳ của tôi chút gì mới chứ”.

Hồi đấy, có người xì xầm ông Lê Hoài Anh là dân ngoại đạo khi chưa từng đá bóng chuyên nghiệp nhưng trái lại khá giống hình ảnh ông Phạm Ngọc Viễn, ông Trần Quốc Tuấn vốn được đào tạo để quản lý, điều hành bóng đá. Sự thật thì ông Viễn, ông Tuấn đã chứng tỏ mình còn ở cùng hoàn cảnh đó nhưng cựu Chánh văn phòng VFF lại không được như những người vừa kể.

Cái khó bó cái khôn? ảnh 1 Ông Lê Hoài Anh trong vai trò trưởng đoàn đội U22 Việt Nam. (Ảnh: DŨNG PHƯƠNG)
Nói cách khác, vai trò của TTK nhiệm kỳ 7 là khá nhạt và… tròn vai. Bởi dấu ấn để lại ít và cũng chẳng nhiều điều tiếng cho vị trí vốn được xem là “Tổng giám đốc của VFF”, dù ông Lê Hoài Anh từng ăn nằm ở tổ chức này hơn 15 năm trước khi làm TTK.

Giờ thì có người hỏi, phải chăng do không là cựu cầu thủ đá bóng giỏi, hoặc là người của Tổng cục gửi gắm nên ông Lê Hoài Anh gặp khó rồi không thể hiện được mình? Việc này chẳng biết đúng sai, nhưng nhìn lại những chức vụ từng trải qua như Trưởng ban quan hệ quốc tế rồi Chánh văn phòng, vốn chỉ loanh quanh ở ngôi nhà VFF thì có suy nghĩ nói trên chẳng phải là vô lý.

Đem so sánh là không đúng. Nhưng, nên nhớ lâu nay chức danh TTK vốn được xem là nhân vật số 2 tại VFF và thường được đảm nhiệm bởi những người có uy tín trong giới. Nguyên nhân là vị trí này thường xuyên làm việc với các thành viên của nhiều nền bóng đá với tư cách bộ mặt của Liên đoàn. Tiếc rằng, VFF nhiệm kỳ 7 dường như còn “lỏng” ở vị trí này.

Tin cùng chuyên mục