Ở góc độ của cầu thủ, cựu trung vệ Martin Keown đánh giá rằng việc Mourinho bị sa thải xuất phát từ nguyên nhân “ông ta đã mất những cầu thủ của mình. Mọi thứ ở ngay trước mắt chúng ta, cầu thủ Chelsea không hề cống hiến mọi khả năng họ có. Không còn sự tin tưởng, cũng chẳng có sự tôn trọng. Trong hoàn cảnh đó, sa thải HLV dễ hơn việc thay đổi 22 cầu thủ”.
Nghĩa là câu chuyện ở đây không liên quan gì đến bản hợp đồng mà Mourinho vừa mới ký, cũng chẳng có chút đóng góp nào từ những thành công của ông tại ở Chelsea, mọi thứ được quyết định dựa trên tình hình hiện tại. Mourinho phải ra đi bởi đó là giải pháp duy nhất mà tỷ phú Abramovich phải làm, điều đó không có nghĩa là Mourinho đáng bị sa thải và càng không có nghĩa là Chelsea sẽ tốt hơn. Trước sau, đây là một biến cố lớn của Chelsea chứ không phải của cá nhân Mourinho bởi nếu đó là lỗi của ông này, quyết định sa thải đã đưa ra từ lâu rồi. Sẽ còn nhiều sự thay đổi, thậm chí là lớn lao hơn tại sân Stamford Bridge.
Thế nên rất dễ hiểu khi các HLV tại giải Ngoại hạng khá hạn chế đưa ra những lời bình luận về sự kiện này. Tại giải đấu này, không một ai an toàn. Một người đặc biệt như Mou vẫn có thể bị “đá bay khỏi ghế” khi các ông chủ không bao giờ đủ kiên nhẫn để xây dựng mọi thứ theo đúng nguyên tắc của bóng đá. Họ cần cầu thủ, cần những ngôi sao, cần những chiến thắng và không quan tâm đến việc HLV làm điều đó bằng cách gì. Khi mọi thứ không đi đúng hướng, HLV là người phải ra đi đầu tiên. Đó không còn là trách nhiệm, mà như trường hợp của Mourinho, là “nghĩa vụ” phải thực thi để giúp những ông chủ cứu vãn tình hình.
Gần như chắc chắn Guus Hiddick sẽ được đưa về “chữa cháy”. Nội chi tiết này thôi cũng đã thấy Abramovich không có phương án sa thải Mourinho trong đầu. Vấn đề của Chelea hiện nay chỉ là cố gắng giữ yên mọi thứ cho đến khi mùa bóng kết thúc và một người “vô hại” như Guus Hiddink cũng là một kiểu "giải pháp duy nhất".
Mất mát lớn nhất, vẫn thuộc về chính Chelsea. Sa thải Mourinho đồng nghĩa với việc quay lại từ nơi xuất phát cách đây 7 năm.
Việt Khang