Buồn như bóng đá Olympic!

PHƯƠNG NAM

Olympic 2016 diễn ra tại Brazil từ 5 đến 21-8, tuy nhiên các trận bóng đá nam diễn ra trước đó một ngày. Châu Á có mặt Nhật Bản, Hàn Quốc và Iraq trong môn bóng đá nam. Số lượng này cũng ngang ngửa với châu Âu gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Bồ Đào Nha. Đây là sân chơi của các cầu thủ lứa U.23, nhưng có vẻ như so với các môn thể thao khác thì bóng đá không được quan tâm nhiều nhất ở các kỳ Olympic.

Một quy định được áp dụng lâu nay với bóng đá nam Olympic là các đội tuyển sử dụng đội hình với công thức “U.23 + 3”. Với đội hình trẻ dưới U.23 cùng với 3 cầu thủ bất kỳ tuổi nào, các nhà tổ chức cho rằng sẽ giúp phát triển bóng đá trẻ, đồng thời tận dụng kinh nghiệm của 3 cầu thủ còn lại để là chỗ dựa cho đội hình trẻ. Tuy nhiên, cách thức này trên lý thuyết là hợp lý nhưng thực tế bóng đá ở Olympic dường như không có sự hấp dẫn nào bởi các quốc gia cử đội tham dự cũng không theo quy luật nào, và kết quả chung cuộc cũng chẳng theo một logic nào!

Ở giải lần này, Brazil tiếp tục cách làm lấy các ngôi sao dạn dày kinh nghiệm làm chỗ dựa cho cầu thủ trẻ. Neyma đã được Brazil bố trí là trụ cột của đội hình Olympic với khát vọng lên ngôi vô địch sau khi thua Mexico trong trận kết Olympic 2012. Trong khi đó, Argentina có vẻ nhưng không tha thiết mấy khi Messi chẳng những không tham gia Olympic mà còn chưa chắc tiếp tục phục vụ đội tuyển hay không. Vì vậy, đội hình Argentina không có ngôi sao, càng không có sự gắn kết bởi phần lớn mới được gọi tập trung trong thời gian ngắn.

Châu Âu lại mang đến Olympic hoàn toàn đội hình trẻ, gần như họ không “kèm” theo ngôi sao nào có tên tuổi trong đội hình. Chẳng hạn, Bồ Đào Nha mang đến đội hình… không có cái tên nào vừa lên ngôi vô địch Euro 2016. Đức thì chỉ có thêm Bender không mấy xuất sắc bên cạnh lứa U.23. Triết lý của châu Âu xem Olympic là nơi khẳng định của các lứa trẻ. Dù không có ngôi sao nào nhưng Bồ Đào Nha, Đức hay Đan Mạch đều sử dụng đội hình chuẩn có thành tích tốt ở các giải U.21, U.19. Các đội bóng châu Á cũng không khác hơn là mang đi một đội bóng trẻ để thử sức chứ không có tham vọng lớn như Brazil lần này.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Olympic không hấp dẫn. Nếu so các giải châu lục thì vẫn còn xếp sau chứ đừng so sánh với các giải thế giới. Bằng chứng là các tên tuổi lớn của lục địa già như Anh, Italia, Tây Ban Nha, Đức… không mấy mặn mòi đến giải này. Trong khi đó, đây chỉ là sân chơi của những “địa chỉ” cung cấp cầu thủ trẻ cho các câu lạc bộ như Mexico, Cameroon, Nigeria… Đây cũng là 3 gương mặt vô địch lần lượt ở 3 kỳ Olympic gần nhất. Khi đó, trong đội hình của họ đều là những gương mặt trẻ mà sau khi Olympic kết thúc cũng giúp họ bước sang một trang mới là tầm ngắm của các câu lạc bộ châu Âu.

Không khí Olympic đã nhộn nhịp khắp nơi trên thế giới, nhưng môn bóng đá vẫn luôn chìm trong sự thời ơ của người hâm mộ lẫn… FIFA. Liên đoàn Bóng đá thế giới gần như không quan tâm đến giải đấu này mà mọi thứ đều do Ủy ban Olympic quốc tế lo liệu. Tại Việt Nam, VTV đã công bố lịch truyền hình trực tiếp một số trận vòng bảng cùng với toàn bộ các trận từ tứ kết đến chung kết trên các kênh sóng của mình. Dù vậy, sự quan tâm của người xem là không nhiều. Có vẻ như sự thực dụng ngày càng đánh chiếm những vai trò khác của bóng đá.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục