Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình: Những lá chắn thép nơi hàng phòng ngự

U23 Việt Nam đi vào lịch sử khi trở thành đội tuyển U23 đầu tiên giành vàng SEA Games mà không để thủng lưới bàn thua nào. Thêm một đấu trường quốc tế mà HLV Park Hang-seo thành công dựa vào nền tảng phòng ngự.

Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình - cặp trung vệ thép của U23 Việt Nam. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình - cặp trung vệ thép của U23 Việt Nam. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Sân Mỹ Đình tối 22-5, giới mộ điệu nhắc nhiều về cú lắc đầu vào góc xa của Nhâm Mạnh Dũng đánh bại thủ môn dạn dày kinh nghiệm Kawin ở phút 83. Bàn thắng “vàng” mở ra chiến thắng 1-0 trước U23 Thái Lan, giúp U23 Việt Nam bảo vệ thành công tấm huy chương vang (HCV) SEA Games danh giá, đồng thời xóa đi cái dớp 27 năm toàn thua người Thái trong các trận đấu cuối cùng.  

Dẫu vậy, đằng sau lời tung hô dành cho Nhâm Mạnh Dũng, những từ ngữ mỹ miều đến “đàn anh” Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh, hay rộng hơn chiến tích giành tấm HCV SEA Games 31 của U23 Việt Nam là những “người hùng” thầm lặng, họ đã hoàn thành trách nhiệm phía sau cánh gà để nâng bước tập thể bước ra ánh sáng. Công lao lớn nhất thuộc về Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình - 2 hạt nhân tiên phong trong hệ thống phòng ngự.

HLV Park Hang-seo xây nền tảng phòng ngự được tổ chức đầy kín kẽ và kỷ luật. Trong đó, cặp trung vệ được điều động từ đội tuyển quốc gia Việt Nam xuống là Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình được xem mấu chốt. Những tháng ngày được “ăn tập” ở đội tuyển quốc gia giúp Việt Anh và Thanh Bình lớn nhanh như thổi. Trải qua 6 trận đấu với tổng thời gian 570 phút thi đấu, U23 Việt Nam đã không để thủng lưới bàn thua nào. Chỉ số mà Việt Anh - Thanh Bình khiến thủ môn Văn Toản phải vất vả cứu thua rất thấp, bởi cặp đôi đã làm quá tốt nhiệm vụ. Nhìn cả 2 khôn ngoan, bản lĩnh trong những pha tắc bóng, theo kèm, giải vây... mang cảm giác đã “out trình” khu vực thật sự.

Mùa giải 2020, Việt Anh đánh bật đồng đội trong mùa áo Hà Nội FC là Đoàn Văn Hậu hay Lý Công Hoàng Anh, Lê Văn Xuân... để nhận danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm (Golden Boy). Tuổi 21, Việt Anh chớm khẳng định thương hiệu khi cạnh tranh sòng phẳng cùng 2 “đàn anh” Đỗ Duy Mạnh và Nguyễn Thành Chung. Đó chính là sức bật đưa Việt Anh thẳng tiến lên đội tuyển quốc gia Việt Nam và được HLV Park cho “thử lửa” ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Bùi Hoàng Việt Anh và Nguyễn Thanh Bình: Những lá chắn thép nơi hàng phòng ngự ảnh 1 Việt Anh và Thanh Bình ăn mừng chiến thắng của U23 Việt Nam. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
Mà nhắc đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 thì nhớ cú trượt của Nguyễn Thanh Bình trong thất bại trước Trung Quốc. Đã có những lời “gạch đá” khiến trung vệ sinh năm 2000 tổn thương, phải khóa cả mạng xã hội. Với cầu thủ trẻ, đó là cú sốc cực lớn. Nhiều người lo cầu thủ quê Thái Bình sẽ lụi tàn nếu không chi phối được cảm xúc. Nhưng sau tất cả, Thanh Bình bằng chất thép của người lính được trau dũa trong màu áo Viettel FC đứng dậy, khẳng định được tài năng, ghi 1 bàn thắng vào lưới Nhật Bản ở đấu trường mình vấp ngã trước khi tỏa sáng ở SEA Games 31.

“Thi đấu với U23 Việt Nam, chúng tôi chơi pressing tầm cao để hạn chế khả năng của đội chủ nhà, nhưng khó phá vỡ hệ thống phòng ngự của họ. U23 Việt Nam có hàng phòng ngự chắc chắn, tôi có dặn học trò hãy kiên định với lối chơi của mình. Tôi không có thay đổi gì nhiều về mặt lối chơi. Chúng tôi là đội tuyển ghi nhiều bàn thắng nhất trước khi đá chung kết, và cũng với lối chơi như vậy nhưng không đánh bại được U23 Việt Nam”, HLV Polking của U23 Thái Lan phải thốt lên.

Với những cầu thủ trẻ, điểm yếu là khó giữ vững phong độ, sai số luôn bất ngờ xuất hiện. Nhưng với Việt Anh và Thanh Bình thì không. Cả 2 đã ổn định phong độ xuyên suốt chặng đường đã qua, cùng nhau tỏa sáng và ghi danh vào lịch sử bóng đá nước.

Tin cùng chuyên mục