Chuyên đề dài kỳ:

Bóng chuyền Việt Nam - Bao giờ mới hết hỗn loạn?

LTS:
Bóng chuyền Việt Nam - Bao giờ mới hết hỗn loạn?

Kỳ 1: Nhìn từ SEA Games 26 - Biết trước nỗi đau!

LTS: Chỉ xếp sau bóng đá về sự ảnh hưởng và sức thu hút, bóng chuyền luôn được đánh giá là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam. Tiếc rằng, vài năm trở lại đây, bóng chuyền đang có chiều hướng tuột dốc, đặc biệt về chất lượng, về sự hỗn loạn trong phương pháp điều hành của Liên đoàn. Nhiều chuyên gia uy tín bắt đầu nản, không còn tâm huyết như trước kia. SGGP Thể Thao sẽ khởi đăng chuyên đề dài kỳ về bóng chuyền Việt Nam, trong đó có cả những đánh giá, góp ý của nhiều chuyên gia với hy vọng có thể góp phần vực dậy môn thể thao hấp dẫn này.

Ngay từ lúc khởi hành, nhiều người đã lấy làm ái ngại cho đội tuyển nam. “Tướng” Nguyễn Mạnh Hùng trở lại thật đấy, nhưng chỉ với thời gian quá ngắn, nhiều đồng nghiệp nói rằng có đến 10 ông Hùng cũng chẳng cứu được đội tuyển tránh khỏi thất bại ở SEA Games 26. Sự thể ấy rốt cuộc đã diễn ra y như những gì người khác dự đoán…

  • Không tập, lấy gì chuyền 1!

Mùa SEA Games thứ nhì liên tiếp, đội tuyển nam trắng thành tích. Thêm một lần, đội tuyển nam lại lỗi hẹn với người hâm mộ. Thêm một lần, đội tuyển nam lại trình diễn một hình ảnh kém cỏi, khiến người quan sát phải nghi ngờ về tính toán hời hợt của giới chức bóng chuyền Việt Nam.

Trên thực tế, nói như ông Nguyễn Bá Nghị - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của LĐBC Việt Nam (VFV) - thực lực của đội tuyển nam kỳ này đâu có thua xa Thái Lan, Indonesia hay Myanmar. Nhưng rồi rốt cuộc, đội nam vẫn thất bại, thua cả Myanmar trong trận tranh HCĐ (dù trước đó, đội đã thắng chính đối thủ này ở vòng bảng).

Chấn thương trước giải khiến Ngô Văn Kiều (6) không thể giúp đội tuyển nam giành được huy chương tại SEA Games 26. Ảnh: V.H

Chấn thương trước giải khiến Ngô Văn Kiều (6) không thể giúp đội tuyển nam giành được huy chương tại SEA Games 26. Ảnh: V.H

Có 2 vấn đề lộ ra từ thất bại ở Indonesia: Đầu tiên, trình độ huấn luyện và sắp xếp đội hình ra sân của BHL không ổn, từ đó không thể khai thác hết khả năng của cầu thủ trên sân. HLV Nguyễn Mạnh Hùng được tiếng là huấn luyện mát tay, có duyên với cả 2 đội nam lẫn nữ. Thế nhưng, trong cuộc chạy đua ở Indonesia, dấu ấn của ông Hùng cũng như vị trợ lý Phùng Công Hưng là rất ít.

Khả năng chuyền 1 kém, kém đến tệ hại. Đấy luôn là yếu điểm của bóng chuyền Việt Nam. Nhưng ngay cả khi biết thừa điều đó, hình như các HLV vẫn không chú trọng tập cho các cầu thủ phải chuyền 1 thật vững, trước khi nghĩ đến chuyện tấn công, uy hiếp đối thủ.

Biết yếu điểm của mình mà không chịu khỏa lấp, vậy lỗi ấy thuộc về ai? Đấy là vấn đề thứ nhì, tức là ý thức thiếu chuyên nghiệp của cả BHL lẫn cầu thủ.

Bóng chuyền đâu có nghĩa cứ phải tấn công. Sự uyển chuyển từ khâu chuyền 1, đến chuyền 2 mới mở ra những giải pháp tấn công hiệu quả. Có vẻ như, chính các cầu thủ cũng không chịu trau dồi điều rất cơ bản này. Thành ra, mới có chuyện ông Hùng buộc phải hy sinh một mũi tấn công tốt như Quang Khánh, để thường xuyên dành cơ hội cho cầu thủ được đánh giá là khá về chuyền 1 như Quốc Huy.

Chưa cần chứng kiến, cứ thử hình dung rằng trong 1 tập thể có đến 6 con người, chỉ 1 người biết chuyền 1, thì liệu tính hiệu quả sẽ đến đâu?

Chuyền 1 hỏng, dĩ nhiên, các cây chuyền 2 Đình Toàn hay Văn Đức dẫu có tài đến mấy cũng khó mà vẽ vời hướng đánh đàng hoàng cho các mũi chủ công, phụ công. Công tối như vậy, 2 mũi nhọn được cho là quan trọng nhất của đội tuyển như Ngô Văn Kiều và Nguyễn Hữu Hà gần như bất lực trước các tay chắn Myanmar, Indonesia và Thái Lan. Cả hai chưa thể hiện được vai trò đầu tàu của mình, nên kéo theo sự suy sụp của cả tập thể.

  • Sức người có hạn!

Hóa ra, khi VFV loại chuyên gia Qiao Yu Chuan (Trung Quốc) trước lúc sang Indonesia, nhiều người lại thấy một ông thầy nội khác làm rất được việc, tức là HLV Nguyễn Tuấn Kiệt. Nắm đội tuyển nữ với lực lượng thiếu hụt, nhưng ông Kiệt vẫn biết cách khai thác điểm mạnh về kinh nghiệm của những tay đập kỳ cựu như Ngọc Hoa, Kim Huệ, Phạm Thị Yến, đồng thời mở ra cơ hội cho các gương mặt trẻ Trà Giang, Thu Hòa, Nguyễn Thị Xuân, Đinh Hương…

Trên hết, sự quyết tâm của cả thầy lẫn trò đội nữ đã được phô bày, nhưng như thế vẫn chưa đủ để đấu ngang ngửa với người Thái. So với Thái Lan, bóng chuyền nữ Việt Nam còn kém rất xa về trình độ. Hay nói cho chính xác, chúng ta đang thua xa người Thái về tư duy, về định hướng phát triển.

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt có năng lực và nếu được tạo cơ hội nhiều hơn, hoàn toàn có thể kỳ vọng ở vị tướng trẻ này trong tương lai. Vấn đề là, VFV có nhận ra điều đó hay không, có chịu thay đổi cách làm cho đàng hoàng hơn hay không mà thôi.

Lâu nay, người trong giới bóng chuyền thường tếu táo với nhau, rằng: “Chúng ta đang bị… rút ống thở”! 

LÊ QUANG

Ý kiến người trong cuộc: 

* Đội trưởng Ngô Văn Kiều: “Quả thật, không đạt được huy chương tại SEA Games 26, tôi rất buồn và thất vọng. Nếu xét về lực lượng, chúng ta hơi thấp hơn các đối thủ do một số trụ cột gặp chấn thương nên không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhưng quan trọng nhất là đội không được cọ xát quốc tế nhiều vì chỉ có 1 giải đấu Cúp các CLB châu Á và tập huấn 2 tuần ở Thái Lan. Trong khi những các đội Thái Lan, Indonesia đều có sự chuẩn bị lâu dài, đấu rất nhiều với các đội quốc tế”.

* Libero Nguyễn Xuân Thành:
“Chúng tôi cũng hụt hẫng vì chỉ giành hạng 4 chung cuộc, bởi lực lượng VĐV của mình không quá yếu. Có mặt trực tiếp thì ai cũng biết, đội mình dễ bị căng cứng do chưa được thi đấu quốc tế nhiều. Ở trận tranh HCĐ, toàn đội đã ra sân đầy nỗ lực. Nhưng có thi đấu mới thấy, khi chúng ta hưng phấn nhưng lại không đạt được điểm số sau các quả đập và không có 1 cầu thủ bật lên hẳn xốc lại thì vô tình cũng làm tinh thần hỏng theo. Tôi chỉ hơi chạnh lòng vì biết những đội như Indonesia, Thái Lan hay Myanmar đều có những trận đấu tập với nhiều đối thủ quốc tế để cọ xát, trong khi đội Việt Nam còn quá ít cơ hội.

MINH CHIẾN (ghi)


Chuyên gia thời vụ

Phải khẳng định, tư tưởng và quyết định thuê HLV ngoại cho 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) là kịp thời so với sự phát triển chung của bóng chuyền khu vực. Thế nhưng, kế hoạch chuyên gia ngoại của VFV đã phá sản hoàn toàn trong năm 2011.

Sự xuất hiện của ông Sabattini Agusto (Brazil, đội nam) và Qiao Yu Chuan (Trung Quốc) hay trước đó là ông Rong Han Yan (Trung Quốc) ở đội nữ rốt cuộc lại bất thành vì nhiều lý do. Trong hồ sơ, 2 cựu HLV Trung Quốc của đội nữ đều có chung ưu thế là người giàu kinh nghiệm, đồng thời dễ bắt nhịp với đội bóng nên có thể xem ký hợp đồng là phù hợp.

Tuy vậy, thực tế đã có những tính toán bị… lệch chuẩn, nên trong các giải đấu quan trọng cần sự góp mặt chỉ đạo thì 2 chuyên gia này đều không đi theo đội. Hồi năm 2010, ông Han do bận dẫn tuyển trẻ nên không thể cùng ĐTQG dự Cúp châu Á tại Taicang (Trung Quốc).

Ông Quiao Yu Chuan bị loại ngay trước thời điểm đội tuyển nữ lên đường sang Indonesia. Ảnh: Quang Thắng

Ông Quiao Yu Chuan bị loại ngay trước thời điểm đội tuyển nữ lên đường sang Indonesia. Ảnh: Quang Thắng

Còn năm 2011, tới phút chót, ông Qiao Yu Chuan lại vắng mặt trên băng ghế chỉ đạo ĐTQG tại giải châu Á 2011 (một cơ hội quan trọng cho đội tuyển chuẩn bị SEA Games 26). Kịch tính nhất, chuyên gia Qiao Yu Chuan bị thanh lý hợp đồng sát ngày tới SEA Games do vấn đề sức khỏe.

Với đội nam, sự xuất hiện của ông thầy Brazil sau 2 tháng thử việc không kéo dài. Nguyên do việc triển hạn hợp đồng bất thành từng được thông báo vì ông Agusto đạt hiệu quả chuyên môn không cao, cách huấn luyện không phù hợp. Trên thực tế, khi ra sân làm việc, ông thầy Brazil đã phải mất thời nhiều gian chỉnh sửa lại kỹ thuật cơ bản cho nhiều cầu thủ. Các bài tập của Agusto luôn chú trọng để gia tăng tốc độ di chuyển, đánh bóng.

Chuyên gia có tốt, huấn luyện có phù hợp hay không, tất cả đều phản ánh qua kết quả thi đấu. Với 2 HLV người Trung Quốc, họ mới chỉ dừng ở giải quốc nội (ông Han đưa đội nữ giành hạng 8 ở giải trẻ châu Á ở TPHCM, ông Qiao cùng ĐTQG giành hạng 3 VTV Cup 2011). Ngần ấy là chưa đủ vì thành tích tại giải châu Á 2011 hay ở SEA Games 26 đều do BHL nội đảm đương.

Cho chuyên gia Brazil về nước khi chưa được kiểm chứng qua thi đấu, liệu VFV quá vội vã? Vẫn biết, thuê chuyên gia chất lượng hay không còn phụ thuộc tài chính. Nhưng xin thưa, phải cho họ toàn quyền quyết định và thời gian đủ dài tập luyện, làm quen với cầu thủ thì lúc đó mới mong có chất lượng được! 

NGUYỄN ĐÌNH

>> Kỳ 2: Bóng chuyền Việt Nam phát triển... hỗn loạn!

Tin cùng chuyên mục