Bóng dáng của người thầy

Tổ nhẩy xa thuộc đội điền kinh Việt Nam đã có năm 2017 thành công và tất cả bắt đầu tập luyện từ đầu năm mới 2018. Nhiệm vụ quan trọng của họ là tranh huy chương ASIAD 2018 nhưng chỉ một mình VĐV thôi là không thể thành công...

HLV Nguyễn Mạnh Hiếu và VĐV Bùi Thị Thu Thảo luôn nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất trong nội dung nhẩy xa. Ảnh: M.HIẾU
HLV Nguyễn Mạnh Hiếu và VĐV Bùi Thị Thu Thảo luôn nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất trong nội dung nhẩy xa. Ảnh: M.HIẾU

Thành tích vẫn phải nỗ lực hơn

Những gương mặt như Bùi Thị Thu Thảo, Bùi Văn Đông, Vũ Thị Mến, Nguyễn Tiến Trọng, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Huệ Hoa, Nguyễn Thị Trúc Mai là các chân nhẩy xuất sắc nhất của đội điền kinh Việt Nam hiện tại. Với họ, trong năm 2017, đội điền kinh Việt Nam giành HCV SEA Games 29-2017 (Bùi Thị Thu Thảo, Bùi Văn Đông, Vũ Thị Mến); HCV Đại hội thể thao châu Á và võ thuật trong nhà (AIMAG) (Nguyễn Tiến Trọng) và chiếc HCV giải điền kinh vô địch châu Á (Bùi Thị Thu Thảo).

Để có thành tích ấy, nỗ lực của VĐV chiếm 50% trong thành công. 50% còn lại thuộc về công sức huấn luyện từ các HLV. Rất khó để nói lên sự vất vả ở những HLV như ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Vũ Văn Quý đang trực tiếp tham gia huấn luyện tổ nhẩy xa tại đội tuyển bởi họ không muốn mình xuất hiện nhiều trước truyền thông.

Chia sẻ mới đây, HLV Nguyễn Mạnh Hiếu rất thẳng thắn “chúng tôi làm công tác đội tuyển chỉ góp thêm phần huấn luyện các em hoàn thiện hơn. Trước đó, họ đã được HLV tại địa phương và đơn vị cơ sở huấn luyện cơ bản rồi nên công sức là của chung những người thầy”. Nói là vậy, khi đã nhận trọng trách của 1 HLV thuộc đội tuyển quốc gia, HLV như ông Hiếu, ông Quý chịu áp lực hơn VĐV. Họ phải đảm bảo tốt kết quả của VĐV, giám sát được quá trình gia tăng thành tích ở từng người. Vì thế, khi Bùi Thị Thu Thảo thực hiện các bước nhẩy xuất thần, đạt tấm HCV xuất sắc tại SEA Games 29-2017, giải vô địch châu Á 2017, nhiều người chứng kiến ban huấn luyện tổ nhẩy xa vui cỡ nào và người nở nhiều nụ cười nhất là HLV Nguyễn Mạnh Hiếu.

Khép lại những giây phút thăng hoa ở năm 2017, ông Hiếu khẳng định: “chúng tôi luôn định hướng cho VĐV là thành tích luôn phải nỗ lực hơn. Nếu sớm bằng lòng kết quả sẽ rất khó bật xa để giành thêm cột mốc mới. Tất cả luôn nỗ lực hơn”. Chia sẻ của mình, Bùi Thị Thu Thảo cho biết “Danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi là động lực để mình tiếp tục phấn đấu nhằm thực hiện những mục tiêu trong tương lai. Vì thế, tôi muốn mình phải thực sự tập trung cho những giải đấu quan trọng trong năm”.

Người phía sau hố nhẩy

Hỏi HLV Nguyễn Mạnh Hiếu khó khăn nhất của 1 HLV khi huấn luyện VĐV tại nội dung nhẩy xa là gì, ông chỉ cười bảo “mình xuất thân từ VĐV, đã là công việc huấn luyện thì nội dung nào cũng khó khăn. Quan trọng là hiểu nghề, yêu nghề”. Chứng kiến VĐV đoạt thành tích cao, giành HCV, truyền thông thường nhắc nhiều về thành công của người đó và ít nhắc tới bóng dáng của HLV phía sau VĐV. “Chúng tôi không buồn vì điều ấy. VĐV thành công nghĩa là mình đã góp công huấn luyện đúng giáo án, đúng chuyên môn, đó là điều hạnh phúc của HLV”, HLV Vũ Văn Quý từng chia sẻ.

Những HLV như ông Hiếu, ông Quý hẳn nhiên có chút trở ngại khi tham gia huấn luyện nếu học trò là nữ VĐV bởi VĐV nữ ít nhiều không thể mạnh bạo như VĐV nam. Nhưng đã làm nghề, thầy trò đều hiểu công việc và không ngại khó.

Sau những ngày dài tập huấn, tập luyện, ở cuộc sống đời thường, họ cũng có thời gian cho riêng mình bên gia đình chứ không mãi ở hố nhẩy. HLV Nguyễn Mạnh Hiếu chia sẻ mình may mắn có vợ cùng làm việc tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội nên hiểu nghề và cảm thông với nhau khi có khó khăn. “Năm 2018, chúng tôi tiếp tục có những mục tiêu quan trọng để huấn luyện các em VĐV hướng tới. Vì vậy, gia đình ở phía sau ủng họ là điểm tựa tinh thần rất lớn giúp mình yên tâm làm việc”, ông Hiếu nói thêm.

Tin cùng chuyên mục