Vậy là người có câu nói nổi tiếng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” một lần nữa đã chia tay với bóng đá Việt Nam, HLV trưởng Alfred Riedl. Nhiều người tin rằng, ở cấp đội tuyển, đây là lần chia tay vĩnh viễn của ông thầy người Áo sau 10 năm không liên tục gắn bó với các đội tuyển quốc gia và đội Olympic, kể từ năm 1998. Dù trước khi ra đi, ông đã tuyên bố sẽ quay lại với bóng đá Việt Nam, vì ông vốn xem nơi đây là quê hương thứ hai và trong con người ông hiện tại có một phần cơ thể của một người Việt Nam, qua vụ hiến thận giải phẫu cho ông năm trước.
Ông thừa biết “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, nhưng vẫn chấp nhận vào ở ngôi nhà ấy, rồi cũng vì thế mà phải ra đi. Câu hỏi đặt ra hiện nay cho những người ở lại đang “chèo lái con thuyền” là bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục xây nhà từ đâu? Từ nóc hay đào móng và đóng cọc, chôn sâu? Dân làm nghề xây dựng mà nghe đến cụm từ “xây nhà từ nóc” chắc cũng đều phì cười, nhưng với bóng đá Việt Nam thì đó lại là sự thật.
Nhiều người lầm tưởng “cái móng” của “ngôi nhà bóng đá” chỉ là chuyện phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu bóng đá, mà quên rằng trong cái phần buộc phải chôn sâu dưới lòng đất để tạo thế đứng vững chắc cho cả tòa nhà chính là bộ máy quản lý, điều hành của bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ không chấp nhận khi “ngôi nhà bóng đá” bị đổ mà bộ phận này còn yên vị.
Tóm lại, bóng đá Việt Nam muốn làm lại, muốn phát triển vững chắc thì ngôi nhà của nó phải xây lại từ bộ máy lãnh đạo, điều hành. Trong thời gian qua, các vị quan chức thường xuyên lên tiếng đổ lỗi cho thất bại về mặt chuyên môn, vì lý do yếu thể lực, vì cầu thủ bị quá tải, hoặc vì “điểm rơi phong độ” không đúng. Thậm chí có người không có lấy “một tấc” kiến thức chuyên môn, nhưng cũng cao giọng nói về điểm rơi phong độ như là nguyên nhân chính gây nên thất bại của đội nhà. Trong lần phát biểu hiếm hoi của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Alfred Riedl với phóng viên hãng tin Reuters, ông bày tỏ mình chỉ là “con tốt thí” trên bàn cờ của các nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam (VFF).
HLV người Áo thừa nhận, ông phải ra đi vì áp lực từ phía Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ vài tháng sau khi ông và các học trò đã trở thành những người anh hùng với thành công rực rỡ tại Asian Cup 2007, nơi Việt Nam chỉ bị loại bởi nhà vô địch sau này là Iraq. Ông nói: “Tôi biết ông Chủ tịch VFF đã chịu áp lực rất lớn từ cấp trên. Và sau cuộc gặp với ông ấy tôi đã nói là tôi sẽ từ chức”. Ông tâm sự: “Tôi thực sự không hiểu cổ động viên và giới chức Việt Nam. Họ trở nên cực đoan sau thất bại và cố tìm ra một người để đổ lỗi. Tôi chỉ là nạn nhân mà thôi. Bạn bị yêu cầu từ chức sau khi chỉ để thua ở chấm 11m, điều đó không lạ lùng sao”.
Đổ lỗi để trốn tránh nhiệm là thói quen của nhiều quan chức bóng đá, nhưng trong lần này, dưới áp lực của người hâm mộ thì mọi chuyện phải được giải quyết sòng phẳng dưới ánh sáng công luận.
LINH GIAO
Các tin, bài viết khác
-
Hưng Gia Khang Đắk Lắk tố trọng tài làm sai lệch kết quả
-
Đường đến Cúp Hùng Vương 2021
-
Lại lo cho 'Vua'
-
Điền kinh Việt Nam huỷ cơ hội tranh suất Olympic?
-
Thái Sơn Nam tiếp tục thắng thuyết phục
-
Becamex Bình Dương bất ngờ thay HLV trưởng
-
Quả bóng Vàng Văn Quyết trở lại đúng thời điểm Hà Nội FC cần
-
Gần 16.000 học sinh tham dự ngày hội thể thao Học đường TPHCM
-
Bike Life Đồng Nai lật đổ TPHCM Vinama ở nội dung đồng đội tính giờ lấy Áo vàng cho Loic
-
Đã đến lúc Man.City cần chứng tỏ