Bóng đá là môn rèn trí tuệ, thông minh và sự dẻo dai nhưng nay là tiền đi trước, cầu thủ mất dần từ tình nghĩa cho đến trình độ. Bản thân môn bóng đá quy tụ vào 9 chữ “T”, đó là tình, thật thà, thẳng thắn, trung thực, tâm và tài. Nhưng lúc này, thực trạng khó hội tụ đủ những yếu tố đó. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của bóng đá Việt Nam.
![]() |
Tại các giải đấu nội địa, tình trạng bạo lực khiến bóng đá Việt Nam kém an toàn. |
Nguyễn Hoàng (ghi)
Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF: Tái cấu trúc nền bóng đá
Bóng đá Việt Nam 2012 hoàn toàn không có điểm sáng. Chưa hết, những khó khăn của nó còn đem đến vô số thách thức cho những nhà quản lý. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF.
![]() |
Năm 2012, nhiều đội bóng bị giải tán do các ông bầu rút lui (Trong ảnh là đội Navibank Sài Gòn). Ảnh: Nguyễn Nhân |
- Phóng viên: Nửa cuối năm 2012 xảy ra nhiều biến động cho bóng đá Việt Nam. Dưới góc độ Phó Chủ tịch VFF, ông có những đánh giá thế nào?
>> Ông LÊ HÙNG DŨNG: Theo tôi, trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay, chuyện bóng đá bị ảnh hưởng là không nhỏ; các ông bầu, doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng là chuyện đương nhiên. Còn chuyện sẽ tác động cụ thể như thế nào thì hãy chờ diễn biến của mùa giải 2013. Trước mắt, số lượng đội bóng giảm đã cho chúng ta những cái nhìn không được lạc quan. Tôi nghĩ đây là dịp để tất cả cùng tái cấu trúc lại.
- Có ý kiến cho rằng, V-League dưới sự điều hành của Công ty VPF trong mùa đầu tiên đã thu được những thành công?
VPF ra đời có sự chuẩn bị khá lâu, nhưng vẫn còn một số điểm hơi cập rập. Dù sao, sự ra đời của VPF cũng là điều tất yếu. Đó là xu thế hướng theo sự phát triển của các nước. Sự khởi đầu nào cũng có vài khiếm khuyết, nhưng mô hình ấy tôi nghĩ sẽ tốt cho tương lai và tôi có niềm tin vào điều đó. Nhưng vấn đề chính vẫn là chất lượng của giải đấu, từng bước chúng ta hãy chờ xem kết quả như thế nào chứ không thể nóng vội. Mong muốn của người hâm mộ lớn nhưng năng lực thì có hạn.
- Theo ông, tác động xấu về kinh tế liệu có tiếp tục kéo dài với bóng đá?
Tôi nghĩ là không thể kết thúc sớm nhưng không nên chờ mà phải cùng tìm hướng đi, không có nhà tài trợ này thì tìm nhà tài trợ khác. Có thể không lớn hơn nhưng chúng ta có thể thu hẹp lại để cùng tiếp tục phát triển. Cuộc khủng hoảng có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian, nhưng bóng đá vẫn tiến lên. Nhân dịp này sẽ cấu trúc lại nhiều thứ, từ mặt bằng giá cả, lương thưởng, thu nhập phù hợp hơn. Biết đâu mọi chuyện sẽ lành mạnh hơn trước.
- Trong giai đoạn hiện nay, con số 20 tỷ đồng với một CLB hạng nhất và 35 tỷ đồng với đội V-League là không dễ dàng. Thực tế đến nay cũng còn một số đội đang bị động về tài chính như Kiên Giang, An Giang, Bình Định… Ông có niềm tin là họ sẽ vượt qua?
Làm bóng đá chuyên nghiệp, cho dù là hạng nhất cũng cần phải có nguồn tài chính nhất định. Các bộ phận của VFF, VPF đang làm việc và có khung pháp lý để vận hành các đội bóng cho có chất lượng. Tôi nghĩ là nếu thấp quá, đội bóng không có cơ hội để phá triển. Dù đang khó khăn nhưng nếu dưới mức đó thì khó làm.
Đơn cử như một mùa bóng diễn ra đến 7-8 tháng và đội bóng phải di chuyển khắp nơi. Nếu tính hết kinh phí di chuyển, lương, thưởng…, dưới mức đó thì không thể có đội bóng hoạt động bình thường. Đơn vị nào thấy không kham nổi thì xuống hạng cho phù hợp thôi. Ví dụ như Kiên Giang nếu ra Hải Phòng đá không thể nào tiết kiệm chi bằng việc đi ô tô. Phải đi máy bay để giữ sức khỏe. Để làm được điều ấy, phải có kinh phí phù hợp đảm bảo đường dài.
- Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An hay B.Bình Dương dường như không ảnh hưởng nhiều từ những khó khăn vừa qua. Theo ông lý do là gì?
Tôi nghĩ đấy là những điểm sáng mà chúng ta cần học tập để nhân rộng. Bản thân tôi đã từng đề cập là có bao nhiêu đội thì chơi bấy nhiêu chứ không cần phải có nhiều đội. Doanh nghiệp tự lực bằng đôi chân của mình và đó là nguyên tắc của các nước đang vận hành bóng đá chuyên nghiệp. Sống bằng bán vé, quảng cáo, chi phí mua bán đồ lưu niệm của CLB… Nhưng chủ yếu là bán vé và quảng cáo, nếu không sống được bằng cái đó, đội bóng sẽ giải thể. Thà ít mà tốt vẫn hơn.
- Việc Eximbank có thể sẽ là nhà tài trợ cho tất cả các giải đấu trong năm tới, cũng là điều báo động trong việc tìm kiếm thêm nhà đầu tư?
Đó là điều dở chứ không hay ho gì. Tôi đã nói với VPF là cứ đi tìm tài trợ cho giải hạng nhất và Cúp Quốc gia, nên tìm nhà tài trợ mới chứ chọn Eximbank mãi là không hay. Có thể là thực tế tình hình kinh tế hiện nay khó khăn nên ít có doanh nghiệp hỗ trợ nhưng chúng ta phải cố gắng. Giải đấu có nhiều nhà tài trợ dĩ nhiên sẽ tăng sự hấp dẫn và sức sống, chứ đi đâu cũng chỉ có 1 nhà tài trợ thì cũng dở.
- Trước thềm năm mới, ông có những kỳ vọng gì cho làng bóng đá Việt Nam 2013?
Ước muốn đơn giản nhất của tôi cũng như nhiều người làm bóng đá là có mùa giải chất lượng, ít tiêu cực, bạo lực để nâng cao trình độ bóng đá. Trước mắt, hai giải V-League và hạng nhất sẽ hấp dẫn, có tính chuyên môn cao để từ đó, cuối năm 2013, đội tuyển Việt Nam tham sự SEA Games sẽ có kết quả tốt.
![]() |
Nỗi thất vọng của bóng đá Việt Nam tại AFF Cup khi không tìm nổi một chiến thắng. Ảnh: Lê Vinh |
Quốc Cường (thực hiện)
Càng khó, càng phải căn cơ
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thực trạng bóng đá Việt Nam hiện nay chỉ là hậu quả của một quá trình “phát triển nóng”. Chính vì thế, dù đang rất khó khăn thì trên thực tế, chẳng qua là bóng đá đang quay lại với những giá trị thật. Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định, đây chính là lúc cần phải bình tĩnh, làm thật căn cơ vì đã có đủ bài học để nghiền ngẫm.
Rất tiếc là đến nay, dù đã nhiều lần tổ chức nhưng VFF vẫn chưa có một cuộc hội thảo nào đúng tầm, đi sâu vào vấn đề chính và đặc biệt là tập hợp được những chuyên gia có trình độ để tham vấn về chiến lược phát triển giai đoạn sắp đến. Phần lớn các cuộc hội thảo chỉ dành cho những người đang làm bóng đá, đại diện các CLB, tức là thành phần cần được tham vấn nhất. Vì vậy, đa số thời gian những người dự hội thảo chỉ tranh nhau kể khổ.
Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan cho bóng đá Việt Nam chính từ những khó khăn hiện nay. Ví dụ như việc nhiều ông bầu rút lui, đa phần đều là những người thích “lướt sóng” trong khi những người còn ở lại đều đã đầu tư 5-7 năm qua và sẵn sàng tiếp tục làm bóng đá. Kế đến, một số CLB hiện phải “chạy ăn từng bữa” nên đã cảm nhận đủ nỗi khó nhọc trong việc cố gắng lên thi đấu ở chuyên nghiệp, từ đó có thể phải chọn cách làm chậm, chắc ở đẳng cấp thấp hơn, chờ ngày quay lại với V-League. Hoặc như hàng loạt ngôi sao bóng đá đang thất nghiệp đã biết nhìn nhận lại giá trị của mình, mong được thi đấu hơn thay vì chỉ muốn được nhận nhiều tiền trong các hợp đồng chuyển nhượng.
Nói cách khác, dư luận đang chờ đợi tổ chức quản lý nền bóng đá là VFF có những giải pháp mạnh mẽ hơn thay vì cố gắng bảo đảm số lượng CLB thi đấu ở mùa bóng tới. Đây là lúc, VFF phải dựng lên “hàng rào kỹ thuật” dựa trên các tiêu chuẩn của bóng đá châu Á đang áp dụng, qua đó thanh lọc bớt các hoạt động đầu tư thiếu căn cơ, dài hạn.
Nói như nhiều chuyên gia, đằng nào bóng đá Việt Nam cũng đã ở điểm thấp nhất của biểu đồ hình sin, không nên tìm cách cứu vãn tình hình mà hãy nghĩ đến chuyện xây lại nền móng cho toàn bộ nền bóng đá.
Việt Quang
| |
Các tin, bài viết khác
-
CLB Viettel – Hougang United: Tranh chấp ngôi đầu (17g, ngày 30-6, VTV6 THTT)
-
U19 Việt Nam mất gần 1 ngày di chuyển sang Indonesia tham dự giải Đông Nam Á
-
Đội tuyển nữ Việt Nam đến Orleans, chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Pháp
-
Bước chân nhỏ, hành trình lớn
-
Nutifood lên kế hoạch tài trợ đội U23 Việt Nam nếu đội này được tham dự V-League
-
Đội tuyển U19 Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022
-
Quang Hải, ngôi sao làm thay đổi suy nghĩ về chuyện xuất ngoại
-
HLV Mai Đức Chung chốt danh sách tham dự AFF Cup nữ 2022
-
Viettel FC tiến gần tấm vé đi tiếp ở AFC Cup 2022
-
Pau - đội bóng mới nổi ở Ligue 2