Đang chấp nhận việc thất nghiệp tại lượt đi mùa bóng 2013 vì chưa có đội bóng nào tiếp nhận sau hạn chót đăng ký thi đấu ngày 16-2, tiền đạo Lê Công Vinh và một số cầu thủ khác lại bỗng dưng nuôi thêm hy vọng vài ngày chỉ vì VFF lùi thời gian chốt danh sách thêm một tuần. Nhưng chính Công Vinh thừa nhận, thêm vài ngày cũng chẳng giải quyết được chuyện gì khi những điều kiện cần và đủ để anh ra đi khỏi CLB Hà Nội vẫn y nguyên.
Điều này tương tự cuối năm rồi, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam 3 lần lùi thời gian chốt đăng ký nhằm tạo điều kiện cho các CLB kiếm tiền hoạt động. Kết quả chẳng có gì tốt đẹp, chừng ấy đội và khó khăn vẫn thế.
Trong khi đó, ai cũng biết những khó khăn của bóng đá Việt Nam hiện tại thuộc về bản chất, mô hình và các quy định rất lỏng lẻo. Lẽ ra, cái cần tập trung giải quyết chính là rà soát lại những quy định, siết chặt các tiêu chuẩn thì điều duy nhất mà những nhà quản lý làm lại là du di về thời gian cốt làm sao cho mọi việc ổn thỏa.
Như trường hợp của Lê Công Vinh chẳng hạn. Một tiền đạo tài năng được khẳng định vậy mà hiện không tìm được đội để thi đấu trong khi đội đang sở hữu anh hầu như không tồn tại. Đây là một điều bất hợp lý, rất cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhằm giải quyết vướng mắc để tạo điều kiện hành nghề cho cầu thủ, tạo tiền lệ tốt hơn cho thị trường chuyển nhượng sau này. Không có phương án “giải thoát” Lê Công Vinh thì có thêm vài ngày cũng chẳng làm được gì nhất là trong bối cảnh, đa số các CLB đều đã chốt danh sách. Theo một thống kê, hiện số ngôi sao đang nằm trong tình trạng “chưa có bến đỗ” có thể tập hợp thành đội bóng có lực lượng mạnh nhất V-League.
Hoặc như trường hợp của đội Kiên Giang, đến nay cầu thủ vẫn còn không biết mình có được ký hợp đồng không, được nhận lương lúc nào khi mà chính lãnh đạo CLB này còn không biết tiền có về tài khoản kịp và đủ cho ngân sách dự trù đến 40 tỷ đồng trong năm 2013 hay không. Một CLB chưa bảo đảm tài chính như thế, vẫn đàng hoàng được đăng ký, được thi đấu mùa tới để đủ 12 đội theo kế hoạch!
V.Quang