Bóng đá và cảm xúc

Nếu đặt trên những tiêu chuẩn khắt khe về chuyên môn, đội U.19 Việt Nam hãy còn nhiều những khiếm khuyết. Họ thiếu môi trường cạnh tranh, tuy rất giỏi nhưng chắc chắn không thể là Messi, Maradona hay Bergkamp… như cách mà một số bộ phận truyền thông tung hô.

Nhưng có lẽ cũng lâu rồi mới có một tập thể bóng đá Việt Nam chơi bóng làm rung động trái tim người hâm mộ. Người ta nhớ về Văn Quyến không phải ở cách mà cầu thủ này đã sống mà yêu mến và nhớ mãi nhờ cú sút phạt tuyệt đẹp vào lưới Trung Quốc tại giải U.16 châu Á năm 2000, hay bàn thắng vào lưới Hàn Quốc năm 2003 và kỳ SEA Games 22 với nhiều thời khắc rực sáng khi mới 19 tuổi. Với Lê Công Vinh cũng thế, cho đến giờ người ta vẫn nhắc đến cú đánh đầu ngược giúp Việt Nam đăng quang AFF Cup 2008. Trước đó là thế hệ của Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng, Phạm Như Thuần… những cầu thủ chưa hẳn là mẫu mực của bóng đá Việt Nam, vẫn được yêu mến cho đến bây giờ, đơn giản vì họ đã tạo ra thứ bóng đá chạm đến trái tim.

Lâu lắm rồi sân Mỹ Đình mới có được những cảm xúc cháy bỏng qua sự cống hiến của các cầu thủ U.19 Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có người cho rằng các giải đấu trẻ đều giống nhau cả, ít tiêu cực, thi đấu có tính cống hiến nhiều hơn, vì thế mà những gì U.19 Việt Nam làm được là đương nhiên, do các em còn trẻ. Nhưng ngay ở lứa tuổi U.13, U.15, U.17 cũng đã tràn ngập thứ bóng đá xấu xí, nặng nề hơn thua. Người hâm mộ mất niềm tin vào đội tuyển quốc gia, đội Olympic thì họ có quyền đặt mọi hy vọng vào U.19 Việt Nam, họ được yêu mến ngay cả khi thất bại. Chỉ nội yếu tố đó thôi cũng đủ thấy hạnh phúc mà họ đem lại cho công chúng lớn đến thế nào.

Bóng đá kỳ diệu ở chỗ đó: người ta có thể không nhớ những thống kê khô khan và kỷ lục, nhưng nhớ như in cảm xúc mà các cầu thủ đã đem đến cho họ, bởi bóng đá cần phải mang lại cảm xúc và thậm chí tồn tại vì cảm xúc. Đấy chính là điều các cầu thủ U.19 đang đem đến cho khán giả.

YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục