Bóng đá phủi ở Huế vui... như mở hội khi được ra sân trở lại

Việc được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế “bật đèn xanh” cho phép các sân bóng đá nhân tạo hoạt động trở lại đã mang đến niềm phấn khởi cho giới bóng đá phong trào trên địa bàn.
Một trận đấu giữa Thủy Tân và Trường An, hai đội bóng phong trào giàu truyền thống nhất tại Huế trước khi dịch Covid-19 trở lại Thừa Thiên Huế. Ảnh: HÙNG PHẠM
Một trận đấu giữa Thủy Tân và Trường An, hai đội bóng phong trào giàu truyền thống nhất tại Huế trước khi dịch Covid-19 trở lại Thừa Thiên Huế. Ảnh: HÙNG PHẠM

Điểm c - mục 3 theo thông báo điều chỉnh một số biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phát đi vào hôm 27-9 có nội dung: “Hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời được hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và quét mã QR code. Riêng các hoạt động thể thao trong nhà không được hoạt động quá 50% công suất”.

Hoạt động đời sống - xã hội được nới lỏng, trong đó có mảng bóng đá phong trào đến từ việc phòng, chống dịch Covid-19 đầy hiệu quả của lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế. Điều này mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho các cầu thủ không chuyên trên địa bàn vốn bị “trói chân” trong một tháng vừa qua, bên cạnh các chủ đầu tư duy trì nguồn thu trở lại cho các sân bóng.

Bóng đá phủi ở Huế vui... như mở hội khi được ra sân trở lại ảnh 1 Các giải đấu phong trào của phủi Huế thu hút rất đông khán giả đến theo dõi. Ảnh: HÙNG PHẠM 
Anh Lê Viết Hoàng Tùng - Trưởng đoàn Thủy Tân FC, một trong những đội bóng giàu truyền thống của phủi Huế chia sẻ với SGGPO: “Hoạt động thể dục thể thao được mở lại từ hôm qua, nhưng phải đến ngày mai đội bóng chúng tôi mới có lịch sinh hoạt. Thành viên trong đội đều phấn khởi khi nghe thông tin này và chờ đến ngày được ra sân trở lại, đồng thời yên tâm về công tác phòng, chống dịch của tỉnh”.

Sinh hoạt ở huyện Quảng Điền - địa phương từng được xem điểm nóng về dịch Covid-19 của tỉnh, vì thế các thành viên thuộc đội bóng Anh Bảy cảm thấy khó khăn khi bị bó buộc trong một thời gian dài. Lãnh đội Nguyễn Ngọc Quốc cho biết: “Thời điểm chưa có dịch, chúng tôi bên cạnh sinh hoạt 4 buổi/tuần ở một sân bóng tại thị trấn Sịa thì còn tổ chức đi đá giao hữu ở các xã xung quanh, hoặc lên thành phố Huế. Một tháng qua không được ra sân cảm thấy khó chịu. 

Bóng đá phủi ở Huế vui... như mở hội khi được ra sân trở lại ảnh 2 Anh Bảy vui mừng khi hoạt động bóng đá phong trào quay trở lại. Ảnh: NVCC
Một tháng qua, chúng tôi duy trì hoạt động bằng cách gọi điện thoại nhóm trên mạng, hoặc tổ chức livestream nói chuyện tiếu cùng nhau. Có thể mất một thời gian nữa chúng tôi sẽ tổ chức đi xa trở lại, nhưng trước mắt được phép ra sân bóng là điều tuyệt vời với những người đam mê như chúng tôi”. 

Mạng xã hội dành riêng giới bóng đá phong trào Cố đô Huế “dậy sóng” trong hai ngày qua. Tất cả đều có chung dòng trạng thái, bình luận vui mừng vì được lãnh đạo tỉnh “bật đèn xanh” quay trở lại. Anh Hoàng Thọ - quản lý sân cỏ nhân tạo Uyên Phương (TP Huế) hạnh phúc chia sẻ trên trang cá nhân với những bức sân bóng có rất đông khán giả: “Sau bao ngày chờ đợi, ngày mai chúng ta sẽ gặp lại nhau trên sân Uyên Phương với niềm đam mê cùng trái bóng tròn”.

Bóng đá phủi ở Huế vui... như mở hội khi được ra sân trở lại ảnh 3 U15 Huế thi đấu giao hữu với đội phong trào Union trong thời gian chờ các giải trẻ Quốc gia năm 2021 được phép thi đấu. Ảnh: HỮU THÀNH
Ngoài ra, niềm vui cũng dành cho các trung tâm bóng đá cộng đồng lớn ở Huế như Immanuel, Lê Văn Trương... khi được phép trở lại với việc đứng lớp huấn luyện các bạn nhỏ đam mê, nâng cao sức khỏe, kỹ năng giao tiếp sau một tuần học tập vất vả.

Tin cùng chuyên mục