Bóng đá học đường TPHCM chủ động trong mùa Covid-19

Các trường kết thúc sớm năm học 2020-21 đi kèm lệnh hạn chế tụ tập đông người khiến bóng đá học đường TPHCM (HFF) bỏ lỡ nhiều cơ hội để triển khai các dự án trong “mùa vàng”.
Học sinh tại TPHCM tham dự "Festival bóng đá học đường TPHCM" tổ chức vào giữa tháng 5. Ảnh: HFF
Học sinh tại TPHCM tham dự "Festival bóng đá học đường TPHCM" tổ chức vào giữa tháng 5. Ảnh: HFF

Trước vấn đề khó khăn, nhưng không vì thế mà bóng đá học đường TPHCM thụ động để ngồi chờ hết dịch Covid-19 mới triển khai các hoạt động. Ngay từ thời điểm dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) đã rục rịch tìm kiếm và triển khai các phương án để ứng biến trong mùa dịch.

Chủ động “sống chung” với dịch

 Sau khi “Festival bóng đá học đường TPHCM” năm học 2020-21 được tổ chức thành công vào giữa tháng 4, các hoạt động thi đấu trong chương trình bóng đá học đường TPHCM đã tạm dừng để cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19. Việc tập luyện cho các học sinh với mục đích nâng cao sức khỏe tiếp tục được triển khai, nhưng có một số quy định nghiêm ngặt.

“Không chỉ rửa tay, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang khi đến sân... mà số lượng học sinh tập luyện tại mỗi điểm sân được giới hạn dưới 25 người. Chương trình may mắn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và niềm yêu thích của học sinh nên vẫn duy trì tập luyện 1 buổi/tuần nhằm đảm bảo quy định chung. Bởi việc tập luyện thể dục thể thao cũng góp phần mang lại sức khỏe cho học sinh để phòng chống dịch Covid-19”, ông Đoàn Minh Xương - Trưởng phòng Bóng đá học đường của HFF chia sẻ với báo SGGPO.   

Ông Đoàn Minh Xương (áo đỏ) trong buổi họp giới thiệu các dự án bóng đá học đường TPHCM. Ảnh: HFF
Ngoài ra, hình thức tập luyện online (trực tuyến) cũng được HFF triển khai và đánh giá đầy hữu ích. Cụ thể, HLV sẽ quay các bài tập để gửi đến học sinh và sau đó, các bạn tham gia sẽ phản hồi lại bằng một đoạn video tập luyện tại nhà để đội ngũ chuyên môn điều chỉnh động tác sai. 

Theo ông Xương, nếu không có dịch Covid-19, đây là thời điểm “vàng” để học sinh tham gia vào các hoạt động thể thao, trong đó có bóng đá học đường vì năm học sắp kết thúc để chuyển sang kỳ nghỉ hè kéo dài gần 3 tháng. Tuy nhiên, HFF đã chủ động xây dựng nhiều phương án và đợi khi dịch Covid-19 lắng xuống sẽ sớm tổ chức các hoạt động, tạo ra nhiều sân chơi cho học sinh, không chỉ tập luyện mà có thể thi đấu.

Tất nhiên, không phải mô hình nào cũng áp dụng được cho 24 quận/huyện tại TPHCM vì tình hình phòng chống dịch mỗi địa phương khác nhau, nhưng việc xây dựng phương án và tổ chức căn cứ vào tình hình thực tế xã hội được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện tại.

Bóng đá học đường TPHCM đang hạn chế về đội ngũ giáo viên đứng lớp. Ảnh: M.X.
Giải quyết bài toán cơ sở vật chất và nhân sự

Không chỉ bài toán Covid-19, bóng đá học đường TPHCM đang đối diện với 2 khó khăn khác. Thứ nhất, cơ sở vật chất còn thiếu thốn bởi không phải trường học nào cũng sở hữu sân bóng riêng, hay có đầy đủ trang thiết bị tập luyện, và thậm chí thiếu cả hai. Thứ hai, hạn chế về đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Số lượng thầy/cô, giảng viên biết hướng dẫn bóng đá còn khiêm tốn so với sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá học đường hiện nay. Nếu không giải quyết định bài toán nhân sự sẽ gây cản trở cho việc mở rộng các dự án bóng đá học đường của HFF trong tương lai. 

“Để giải quyết khó khăn, HFF sẽ kết hợp với Trung tâm Thể dục Thể thao của 24 quận/huyện để triển khai các chương trình bóng đá cộng đồng. Vì Ngành Thể thao quản lý cơ sở vật chất và nguồn HLV nên các học sinh không tham gia được tại trường có thể đăng ký vào các quận/huyện, hoặc các trung tâm/CLB tư nhân sinh hoạt”, ông Xương chia sẻ.

Ngoài ra, HFF đang hướng đến tỉ lệ 100% kinh phí hoạt động từ nguồn xã hội hóa cho các dự án bóng đá học đường. Có 3 trọng tâm trong các đề án xã hội hóa: Thứ nhất, mở thêm các lớp đào tạo HLV/giảng viên đứng lớp; Thứ hai, hỗ trợ kinh phí cho các trường còn hạn chế về cơ sở vật chất như quần áo, bóng, dụng cụ tập luyện...; Thứ ba, có kinh phí để duy trì tổ chức hệ thống các giải đấu giữa các cấp học, trường học.

Lớp bóng đá cộng đồng Ươm mầm tài năng do các cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn trực tiếp đứng lớp tại sân Tao Đàn (quận 1). Ảnh: NGUYỄN NHÂN
“Giáo dục bóng đá không phải vì muốn học sinh trở thành cầu thủ mà giáo dục về tính cách, ý thức kỷ luật, bản lĩnh và trang bị những kỹ năng mềm để sau này có thể phát triển toàn diện. Với ý nghĩa của chương trình, tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là Ngành Giáo dục và toàn bộ phụ huynh”, ông Xương kết luận.

Dưới sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo, sau 8 năm triển khai, chương trình Bóng đá học đường TPHCM đã và đang phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu yêu thích của các học sinh trên địa bàn. Với 41 trường ban đầu, chương trình đã thu hút 248 trường với hơn 17.000 học sinh tham gia. Từ tỉ lệ 27% của năm 2013, đến năm 2018, số lượng học sinh yêu thích bóng đá học đường đã thành 32%. 

Tin cùng chuyên mục