Bóng đá Hàn Quốc lập kỳ tích ở World Cup U.20: Truyền cảm hứng cho cả châu Á

Lần cuối cùng một đội tuyển châu Á dấn bước vào chung kết một kỳ World Cup bóng đá nam là Nhật Bản ở giải U.20 thế giới năm 1999. Phải đợi thêm 20 năm, đội tuyển U.20 Hàn Quốc mới có dịp viết tiếp câu chuyện đầy cảm xúc và thi vị cho bóng đá châu Á trong ánh mắt nể phục của bạn bè thế giới…

Chiến công chấn động

Hai năm trước, Hàn Quốc là chủ nhà của World Cup U.20 nhưng đã dừng bước ở vòng 1/8 khi thua Bồ Đào Nha 1-3. Còn năm nay, dù để thua chính Bồ Đào Nha với tỷ số 0-1 trong trận mở màn nhưng Hàn Quốc lại làm nên lịch sử khi vào đến trận chung kết.

Bảng đấu của U.20 Hàn Quốc rất nặng, bao gồm: Bồ Đào Nha (2 lần vô địch), Argentina (6 lần vô địch) và Nam Phi đến từ lục địa đen có truyền thống thành công ở World Cup trẻ. Có vẻ như việc bị đánh giá thấp đã giúp cho thầy trò HLV Chung Jung-yong vượt khả năng của mình. Không một chiến thắng nào của U.20 Hàn Quốc dễ dàng cả. Họ thắng Nam Phi và Argentina với những cách biệt sít sao 1-0 và 2-1. Trận “derby châu Á” với Nhật Bản ở vòng 1/8, phải đến phút 84, họ mới ghi được bàn duy nhất của trận đấu.

Bóng đá Hàn Quốc lập kỳ tích ở World Cup U.20: Truyền cảm hứng cho cả châu Á ảnh 1 Các tuyển thủ U.20 Hàn Quốc đã truyền cảm hứng cho cả châu Á
Tại tứ kết gặp Senegal, Lee Ji Sol cứu nguy cho U.20 Hàn Quốc ở phút bù giờ thứ… 8 với bàn gỡ hòa 2-2, và trận đấu này kết thúc với tỷ số 3-3 sau 120 phút thi đấu chính thức. Trong loạt sút luân lưu, U.20 Hàn Quốc đá hỏng 2 quả đầu tiên, nhưng cuối cùng vẫn giành thắng lợi 3-2 để lần đầu tiên kể từ năm 1983, Hàn Quốc có mặt ở vòng 4 đội mạnh nhất. Trong trận bán kết, dù bị U.20 Ecuador ép sân nhiều hơn, song Hàn Quốc vẫn chiến thắng bằng bàn duy nhất ở phút 39. Đó là những chiến thắng của bản lĩnh, ý chí và tinh thần kỷ luật.

Như đã nói, lần gần nhất có đội bóng châu Á vào bán kết đã cách đây 20 năm. Đến nay, bóng đá châu Á cũng chỉ mới có 2 ngôi á quân của Nhật Bản (năm 1999) và Qatar (năm 1981) ở lứa tuổi U.20. Dù là ở những lứa tuổi U nhưng bóng đá châu Á cũng không thể tạo nên sự khác biệt nào. Ở giải U.17 thế giới, chỉ có Saudi Arabia là đội châu Á duy nhất từng vào chung kết và sau đó đoạt chức vô địch hồi năm 1989. Nói như vậy để thấy, thành công của U.20 Hàn Quốc xứng đáng được gọi là kỳ tích.

Khơi nguồn khát vọng

Tuy nhiên, kỳ tích ấy thật ra không từ trên trời rơi xuống. Đúng như Chủ tịch AFC Ebrahim Al Khalifa đánh giá: “Đây là một mốc son của bóng đá châu Á, là sự khẳng định của một quá trình phát triển mà thế giới phải ghi nhận”. Mới năm trước, Hàn Quốc đã gây chấn động ở World Cup khi đánh bại và loại nhà vô địch Đức tại vòng đấu bảng. Đội tuyển Olympic của họ vô địch Asiad. Đội U.23 thì vào đến bán kết châu Á, còn đội tuyển thì đến tứ kết Asian Cup 2019. Bóng đá của Hàn Quốc giữ được sự phát triển ổn định nhờ vào các cú hích chất lượng từ dàn cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài mà tiêu biểu là Son Heung-Min, ngôi sao lớn nhất của bóng đá châu Á đương đại”.

HLV hiện tại của U.20 Hàn Quốc là Chung Jung-yong, người từng cầm quân đội U.22 Hàn Quốc sang Việt Nam thi đấu vòng loại U.23 châu Á 2018. Ông Chung đã có hơn 10 năm nắm các đội tuyển trẻ của Hàn Quốc và sau chiến thắng ở bán kết, đã nhận định: “Bóng đá trẻ Hàn Quốc đang đi đúng đường. Tôi cảm thấy mọi việc rất tốt ở thời điểm này. Các cầu thủ trẻ sẽ còn vươn đến một tầm cao hơn trong tương lai, ngay sau World Cup U.20 kỳ này”. 

Với các cầu thủ trẻ đã có mặt ở chung kết (diễn ra hôm qua), Hàn Quốc đang hy vọng sẽ tạo nên những Son Heung Min mới. Đáng chú ý nhất trong số này là tiền vệ tấn công Lee Kang In, cầu thủ mới 18 tuổi nhưng đã mang dáng dấp một thủ lĩnh đích thực. Lee gia nhập học viện trẻ của Valencia năm 2011, lên đội Valencia B năm 2017 và đã ra mắt đội khi mới 17 tuổi.

Mùa giải vừa qua, khi Valencia giành vé dự Champions League cũng như vô địch cúp Nhà Vua, Lee có 1 bàn thắng và 2 đường kiến tạo. Cùng với Lee, trong đội U.20 Hàn Quốc hiện nay còn có 3 cầu thủ khác đang chơi ở châu Âu và có 5 người từng được gọi lên tuyển quốc gia hay Olympic. Chính công cuộc trẻ hóa và sự mạnh dạn đưa tài năng ra nước ngoài tu nghiệp dài hạn chính là xuất phát điểm thành công cho bóng đá Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục