Bóng chuyền Việt Nam: Qua khúc quanh có ngọt?

Năm ngoái, làng bóng chuyền tồn tại lắm chuyện buồn, mà lớn nhất là mối bức xúc về sự mất phương hướng hành động của giới chức. Năm nay, hy vọng mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực, khi những người làm bóng chuyền quyết tâm cải tổ…
Bóng chuyền Việt Nam: Qua khúc quanh có ngọt?

Năm ngoái, làng bóng chuyền tồn tại lắm chuyện buồn, mà lớn nhất là mối bức xúc về sự mất phương hướng hành động của giới chức. Năm nay, hy vọng mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực, khi những người làm bóng chuyền quyết tâm cải tổ…

  • MỚI THẬT, NHƯNG PHẢI CHỜ!

Có một vài điểm mới đáng chú ý trong kế hoạch hành động của bộ môn cũng như Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) ở năm 2011. Đầu tiên, lịch thi đấu 2 vòng của giải VĐQG sẽ được điều chỉnh để phù hợp với thời điểm tập trung các ĐTQG và các giải đấu quốc tế. Phó Chủ tịch VFV phụ trách chuyên môn Nguyễn Bá Nghị cho biết: “Điều chỉnh để kịp chuẩn của khu vực và quốc tế là điều nên làm. Như vậy, chúng tôi dự kiến tổ chức vòng 1 giải VĐQG vào tháng 4, một tháng trước khi tập trung ĐTQG nam và nữ lần đầu. Vòng 2 của giải sẽ được dời đến tháng 12, sau khi các đội tuyển làm nhiệm vụ SEA Games 26 xong. Ít ngày nữa, VFV sẽ tổ chức họp bàn về vấn đề này và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ được thông qua vì nó hợp với thực tế bóng chuyền quốc tế”.

Cái mới thứ nhì, chính là chuyện bộ môn và VFV dồn sức đầu tư cho các đội tuyển trẻ từ rất sớm. Tất nhiên, trong bối cảnh ĐTQG nữ đang có chiều hướng chững lại nhiều hơn, đội tuyển trẻ được ưu tiên trước. Theo đó, trong tháng 2, chuyên gia Rong Han Yan (Trung Quốc)ngoài nhiệm vụ huấn luyện ĐTQG nữ, còn kiêm thêm công tác xây dựng đội ngũ kế thừa cho bóng chuyền nữ Việt Nam ở tương lai. Chính vị chuyên gia này cũng đã đề nghị nên tập trung sớm đội trẻ để kịp lên đường sang Trung Quốc tập huấn, trong thời điểm có nhiều “quân xanh” để rèn chuyên môn.

Với cách tuyển chọn công bằng, bóng chuyền nam sẽ khởi sắc hơn trong năm 2011. Ảnh: Bách Nhật

Với cách tuyển chọn công bằng, bóng chuyền nam sẽ khởi sắc hơn trong năm 2011. Ảnh: Bách Nhật

Đội tuyển trẻ nam sẽ tập trung muộn hơn, nhưng cũng được đầu tư tối đa. “Muộn nhưng phải làm lại và làm thật đàng hoàng. Đây là điều mà trước đây chúng ta chưa làm được hoặc làm hời hợt. Việc VFV đưa ra quy định kể từ mùa giải năm 2012, rằng các CLB hạng A1 và đội mạnh bắt buộc phải xây dựng tuyến trẻ cũng nằm trong mục tiêu phát hiện thêm những nhân tố mới, tài năng để bổ sung cho các đội tuyển trẻ và ĐTQG ở tương lai”, ông Nghị nhấn mạnh.

Trong trường hợp một số CLB lại cố tình “ém” quân giống như trước thềm giải vô địch trẻ châu Á 2010, dứt khoát VFV sẽ đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

  • AI QUYẾT ĐỊNH CHỌN CÁC ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA?

Đội nữ vẫn sẽ do HLV Rong Han Yan dẫn dắt, đồng thời kiêm thêm nhiệm vụ huấn luyện đội tuyển trẻ. Sắp tới, VFV sẽ ký hợp đồng với một HLV ngoại khác để dẫn dắt đội tuyển nam. Hiện tại, có một số lựa chọn từ Trung Quốc, Nga, nhưng khả dĩ nhất vẫn là một HLV người Brazil, người từng dẫn dắt đội tuyển Pakistan thi đấu ở Asian Games 2010.

Ưu tiên đầu tư cho bóng chuyền trẻ Việt Nam, đặc biệt là nội dung nữ trong bối cảnh hiện nay là hợp lý. Ảnh: Nguyễn Nhân

Ưu tiên đầu tư cho bóng chuyền trẻ Việt Nam, đặc biệt là nội dung nữ trong bối cảnh hiện nay là hợp lý. Ảnh: Nguyễn Nhân

Vậy nhưng, ai sẽ quyết định danh sách tập trung các ĐTQG, để tránh trường hợp tranh cãi khi các thành viên trong Ban chuyên môn của VFV không ai biết danh sách đội tuyển nam từ đâu… xuất hiện? Phó Chủ tịch VFV Nguyễn Bá Nghị khẳng định: “Chắc chắn sẽ do các thành viên trong ban chuyên môn của liên đoàn thống nhất quyết định. Nhưng trước hết, chúng tôi cũng sẽ định hướng cho HLV các đội bóng cử người hoặc giới thiệu các nhân tố phù hợp cho đội tuyển. Đợt tập trung ĐTQG đầu tiên vào tháng 5 sẽ căn cứ trên phong độ của các VĐV vừa tham dự vòng 1 giải VĐQG và hạng A1. Như thế sẽ rõ ràng hơn, tránh đàm tiếu từ dư luận và ngay cả từ người trong làng bóng chuyền”.

Nếu được thế thì cũng mừng cho bóng chuyền Việt Nam, vì chí ít chuyện công khai chọn người đủ năng lực khoác trên mình chiếc áo ĐTQG sẽ phản ánh một sự công bằng cần thiết. Năm 2011 có thể coi là “khúc quanh” của bóng chuyền Việt Nam và người ta đang chờ đợi vào cú bẻ cua ngọt ngào thực sự…

THANH LÂM

Dùng hay không dùng “hàng ngoại”?

Trước thềm giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Bình Điền Cúp 2010 cách đây chưa lâu, khi SGGP Thể Thao đề cập đến chuyện bổ sung chủ công Lê Kim Nhung (CLB VietsovPetro) vừa được nhập quốc tịch Việt Nam vào ĐTQG nữ để tăng cường sức mạnh, TTK Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) Trần Đức Phấn đã khẳng định chưa từng nghĩ đến điều này. Cũng giống như bóng đá, bóng chuyền sẽ kiên quyết không sử dụng cầu thủ nhập quốc tịch trong thành phần ĐTQG, hiện tại và tương lai cũng thế. Tới đây, VFV còn tính đến phương án bỏ dần cầu thủ ngoại ở các giải A1 và VĐQG để có điều kiện phát triển nội lực.

Thế nhưng mới đây, trả lời trên một tờ báo khác, ông Trần Đức Phấn lại cho biết trong cuộc họp thường vụ VFV sắp tới, ông sẽ bàn cùng các ủy viên để đưa Kim Nhung vào ĐTQG nữ. Chẳng hiểu đâu mới là “phút nói thật” của ông TTK trong chuyện này nữa?

Thử đưa vấn đề này ra bàn với một số HLV, hầu hết tất cả đều gạt phắt đi, đồng thời cho rằng như thế sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía các đội bóng trong nước. “Chất ngoại” có thể sẽ góp phần làm tươi mới bóng chuyền nữ ở sân chơi quốc tế, nhưng cũng có thể trở thành gánh nặng một khi nó không nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía.

VIỆT HÙNG

Tin cùng chuyên mục