Sau khi đổi tên từ giải các đội mạnh toàn quốc thành giải VĐQG từ năm 2009, bóng chuyền Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn, đặc biệt từ các nhà tài trợ. Đấy là một trong những điều kiện rất quan trọng giúp bóng chuyền hiện thực hóa giấc mơ chuyên nghiệp ở tương lai. Nhưng…
Thời kỳ thoái trào
1-2 năm trước đã có dấu hiệu thoái trào, nhưng đến giải VĐQG năm nay thì một loạt tên tuổi lớn của bóng chuyền Việt Nam đã sa sút nghiêm trọng, và điều đó đương nhiên đã ảnh hưởng đến chất lượng của sân chơi này. Thể Công là điển hình rõ nhất. Năm nay, trước khi giải VĐQG khởi tranh, người ta đã đề cập đến mối bất hòa trong nội bộ đội bóng được xem là “anh cả” của bóng chuyền quân đội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Từ việc thay đổi lãnh đạo quản lý Trung tâm TDTT quân đội, đến việc HLV và các cầu thủ không tìm được tiếng nói chung về chuyên môn… đã đẩy đội bóng này vào đà trượt dốc thê thảm.
![]() |
Hoàng Long Long An (đập bóng) và Thể Công là 2 trong số ít những đội bóng xây dựng cái “nền” đào tạo trẻ chỉn chu.Ảnh: Dũng Phương |
Thể Công là một thương hiệu lớn, đấy là điều ai cũng phải công nhận, nhưng có vẻ như giờ đây, họ không còn giữ được hình ảnh đẹp của chính mình nữa. Người ta tiếc cho một dàn cầu thủ tài năng như Văn Thành, Minh Dũng, Duy Quang, Anh Văn… đã hết động lực phấn đấu, đã quá nặng nề trên sân đấu. Và vì thế, thật đau lòng khi chứng kiến Thể Công buộc phải dựa vào sức của người ngoài như Ivan (chủ công đến từ Bulgaria) để cố níu kéo lại một chút niềm kiêu hãnh cuối cùng.
Cũng lâm vào cảnh tương tự là Thép Việt TPHCM, đại diện duy nhất của bóng chuyền TPHCM ở giải VĐQG. Đội bóng được LĐBC TPHCM quan tâm hết mức, mời hẳn HLV nước ngoài về dẫn dắt và lực lượng không thua kém so với nhiều đối thủ mạnh khác. Nhưng, họ luôn lận đận khi vào giải, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây, Thép Việt luôn gồng mình để… trụ hạng! Điểm tựa lớn nhất cả về chuyên môn lẫn tinh thần của Thép Việt là chủ công Wanchai Tabwises, tức một người ngoài, chứ chưa phải dàn nội binh hiện có. Xem Thép Việt chơi bóng bây giờ, nhiều người thấy nhớ hình ảnh máu lửa của chính họ khi trở lại với sân chơi đội mạnh năm 2005. Tất nhiên, nếu nghĩ về một quá khứ oai hùng của Seaprodex thuở trước, nhiều người sẽ còn buồn hơn nữa cho bóng chuyền TPHCM…
Trong giai đoạn thoái trào của nhiều cái tên, người ta cũng nhận thấy các đội bóng nữ như PV Oil Thái Bình, Ngân hàng Công thương, Quảng Ninh hay Giấy Bãi Bằng cũng góp mặt. Buồn nhất vẫn là trường hợp của cựu vô địch Thái Bình, đội bóng từng “làm mưa, làm gió” vài mùa trước. Họ lúc này chỉ còn biết sống cùng hoài niệm của quá khứ, của thời kỳ “bất khả chiến bại” khi hầu hết những vị trí chủ lực như Bùi Thị Huệ, Lê Thị Mười đang chững lại.
Không trồng nhưng lại thích hái quả
Tình trạng này đúng là đang rất phổ biến trong làng bóng chuyền Việt Nam. Trước kia có, nhưng ít. Giờ thì rộ lên như một trào lưu ở nhiều đội bóng. Đầu mùa, HLV này mượn tạm cầu thủ của đội kia một nửa hay trọn một mùa không còn là chuyện lạ.
Người ta thấy trong đội hình của Tràng An Ninh Bình, của Đức Long Quân khu 5, Sao vàng Biên phòng, Tập đoàn dầu khí Việt Nam… có đầy rẫy các cầu thủ xuất thân từ “lò” Thể Công. Nhưng nhiều người không hiểu vì sao những cầu thủ “đánh thuê” ấy đều có chuyên môn tốt, chơi máu lửa, và thậm chí xuất hiện trong đội hình vô địch năm 2009, nhưng lại không được Thể Công trọng dụng!?
Thành thử khi đội này cho đội kia mượn quân, kèm theo đó sẽ là một thỏa thuận “ngầm”: khi đối đầu, dứt khoát “lính đánh thuê” không được vào sân thi đấu. Mà nói như nhiều HLV: “Có đưa vào, các cầu thủ cũng chẳng dám đánh rát, vì chẳng lẽ lại quật lại đội nhà?” Nghe chẳng biết vui hay buồn.
Hiện nay, đứng đầu là Thể Công, tiếp đến là Bộ TLTT, HLLA, VTV Bình Điền Long An là những đội làm rất tốt công tác đào tạo trẻ. Thế nhưng, nhìn trên bình diện quốc gia, như thế là quá ít. Các đội bóng thích mượn, thích mua đứt người hơn là chú tâm đến chuyện đào tạo cầu thủ trẻ - cái nền của sự phát triển.
Thực tế đã chỉ ra rất rõ: cựu VĐQGBưu điện Hà Nội rớt hạng năm 2008 vì cũng mất cái nền đào tạo trẻ, ĐKVĐ Sanest Khánh Hòa năm nay chỉ trụ hạng cũng vì thiếu đội ngũ trẻ kế cận và Quảng Ninh rớt hạng trong cảnh tương tự.
Chính vì vậy mà bóng chuyền Việt Nam ngày càng mất đi sự ổn định, cũng như có sự chênh lệch rõ nét giữa đội hình chính và dự bị ở các đội bóng. Mà điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng trong năm, nhất là SEA Games 25 vào tháng 12 tới...
Sẽ mang diện mạo mới ở năm 2010? TTK Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) Trần Đức Phấn khẳng định: “Năm 2010, diện mạo của bóng chuyền Việt Nam sẽ khác hẳn. Chính vì thế, VFV mới tổ chức cuộc hội thảo với sự tham dự của hầu hết các đội bóng để bàn về hướng phát triển chuyên nghiệp. Nghĩa là, sau khi chính thức thành lập Hội đồng trọng tài, Hội đồng HLV quốc gia, năm 2010 cũng sẽ lần đầu tiên áp dụng Quy chế chuyển nhượng VĐV, sử dụng lực lượng trọng tài biên chất lượng hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thống nhất quy định chỉ những NTĐ đủ chuẩn, đủ điều kiện về trang thiết bị mới được đăng cai giải VĐQG. Tất nhiên, vấn đề bản quyền truyền hình cũng sẽ được xem xét lại, vì rõ ràng hiện tại, rất nhiều khán giả hâm mộ chưa được theo dõi các trận đấu qua kênh truyền hình VTC. Nói chung, chúng tôi đang làm tất cả để từ giải VĐQG năm 2010, bóng chuyền Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình chuyên nghiệp”. |
THANH LÂM
Các tin, bài viết khác
-
Bóng chuyền Hà Nội tìm nguồn lực dài hơi để vượt khó
-
Chủ công Quản Trọng Nghĩa khoác áo bóng chuyền CAND tại Đại hội TDTT toàn quốc
-
Trần Thị Thanh Thuý bỏ ngỏ khả năng dự giải bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2022
-
Ai sẽ là chuyền 2 chính của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam?
-
Bóng chuyền áo lính quyết đổi màu huy chương Đại hội thể thao toàn quốc 2022
-
Ngọc Hoa là HLV trưởng đội nữ VTV Bình Điền Long An dự giải trẻ vô địch quốc gia
-
Không có ngoại binh Polina, đương kim vô địch quốc gia nữ Thái Bình vẫn tự tin hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc
-
Không có chuyện VĐV xin rời đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk
-
Hai chủ công tấn công xuất sắc nhất bóng chuyền trẻ năm 2020 bây giờ ra sao
-
Chủ công Trần Thị Thanh Thúy trở lại giải bóng chuyền vô địch Nhật Bản