Bóng chuyền Việt Nam: Đội bóng tương lai

Giới làm nghề nhận định rằng đội tuyển U23 quốc gia chính là tương lai gần của bóng chuyền nữ Việt Nam. 
Chủ công Thanh Thúy được chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao. Ảnh: Dũng Phương
Chủ công Thanh Thúy được chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao. Ảnh: Dũng Phương
VĐV lớn nhất trong đội hình tuyển U23 nữ Việt Nam vừa 22 tuổi, người nhỏ nhất ở độ tuổi 18. Trẻ trung và đầy triển vọng, giới làm nghề không chỉ dừng ở mức đánh giá như vậy, vì đây chính là đội tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam ở tương lai, dành cho các cuộc tranh tài tại SEA Games, Asian Games… phía trước.

Vẫn là 3 đội bóng nữ hàng đầu thời điểm này (VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương và Thông tin LVPB) được xem như nguồn cung cấp tuyển thủ chính yếu cho các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia trong năm. Thế cho nên, việc đa số VĐV của 3 CLB nói trên được chọn cho thành phần đội tuyển U23 quốc gia dự giải châu Á 2017 tới đây không khiến người ta ngạc nhiên. Có chăng, là sự cảm thông cho “cái nôi” Thông tin LVPB trong bối cảnh thiếu hụt lực lượng, không còn dồi dào nhân lực xuất sắc để các nhà tuyển trạch thoải mái chọn quân cho đội tuyển như trước đây.

VTV Bình Điền Long An là đội bóng góp những VĐV tốt nhất cho đội tuyển U23 Việt Nam, với bộ ba chủ công Trần Thị Thanh Thúy, Dương Thị Hên và Đặng Thị Kim Thanh, phụ công Nguyễn Thị Trinh. Chỉ hơi tiếc một chút vì đội bóng đang giữ vị thế số 1 Việt Nam là Ngân hàng Công thương chỉ đưa lên tuyển cây chuyền 2 Nguyễn Thu Hoài, trong khi Đinh Thị Thúy, Đoàn Thị Xuân, Lưu Thị Huệ, Lê Thanh Thúy do bận chuẩn bị dự tranh giải Vô địch các CLB nữ châu Á nên không thể tập trung cùng các đồng nghiệp. Đấy cũng là điều khiến chuyên gia người Nhật Bản, ông Hidehiro Irisawa bận tâm, bởi lẽ nếu có thêm 4 VĐV này, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ rất mạnh và có cơ hội tranh chấp những thứ hạng cao ở giải U23 châu Á tới đây.

Sau 1 tuần tập luyện, ông Hidehiro cũng đưa ra những nhận định chung về đội tuyển, trong đó đặc biệt kỳ vọng vào chủ công-đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy. Ở vị trí chuyền 2, chuyên gia này đánh giá cao Nguyễn Thu Hoài, nhưng do thời gian quá ngắn, lối chơi chiến thuật chỉ phát huy được nếu các VĐV có thêm thời gian tập luyện cùng nhau. Ngoài ra, chuyền 2 Lâm Oanh dù có lối chơi đơn giản nhưng lại khá ổn định khi phát động tấn công, nên nhiều khả năng ông Hidehiro sẽ chọn Đoàn Lâm Oanh cho đội hình xuất phát ở giải đấu tới đây.  

Có thể nhìn thấy bộ khung chính của đội tuyển U23 sẽ gồm cặp chủ công Dương Thị Hên và Trần Thị Thanh Thúy, cặp phụ công Trịnh Thị Huyền và Nguyễn Thị Trinh, trong khi vị trí đối chuyền thuộc về Đặng Thị Kim Thanh và chuyền 2 được giao cho Đoàn Lâm Oanh, libero là Lưu Thị Ly Ly. 

Tuy nhiên, ông Hidehiro tin tưởng khi bước vào giai đoạn chạy đua chuẩn bị cho đấu trường SEA Games 29, những tuyển thủ kể trên sẽ có mặt đầy đủ, để sát cánh cùng các đàn chị Ngọc Hoa, Bùi Thị Ngà, Nguyễn Linh Chi, Kim Huệ… tạo nên một tập thể có sự pha trộn giữa sức trẻ và kinh nghiệm dày dạn của các cựu binh. Bên cạnh việc sửa các kỹ thuật cơ bản, nâng cao kỹ-chiến thuật và các bài phối hợp cho đội tuyển, vị chuyên người Nhật Bản cho biết sẽ chú trọng nhiều đến vấn đề nâng cao thể lực và tâm lý thi đấu cho mỗi cá nhân trong đội. 

Đấy là lý do giới làm nghề nhận định rằng đội tuyển U23 quốc gia chính là tương lai gần của bóng chuyền nữ Việt Nam. Những gương mặt kỳ cựu như Ngọc Hoa, Kim Huệ sẽ sớm lui vào hậu trường, để nhường bước cho các đàn em kế tục sự nghiệp tìm kiếm vinh quang cho bóng chuyền nước nhà.

Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) mời chuyên gia người Nhật Bản chăm lo từ đội tuyển trẻ đến ĐTQG sẽ phần nào giải quyết được vấn đề huấn luyện và đào tạo nâng cao cho bóng chuyền nữ. Theo ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký VFV, kế hoạch làm việc với chuyên gia sẽ kéo dài chứ không ngắn hạn một khi ông Hidehiro thể hiện được phẩm chất của mình.

Tin cùng chuyên mục