(SGGP-Thể thao).- Giải đội mạnh đầu tiên do Ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ mới đã khởi động bằng lễ bốc thăm chia bảng tại Hà Nội vào hôm qua 21-2. Năm 2009, giải có 2 sự thay đổi lớn: chỉ có 1 cầu thủ ngoại được thi đấu trong sân dù họ đã có hợp đồng làm việc dài hạn tại đơn vị chủ quản hay được thuê và cách thức thi đấu ở vòng chung kết được rút gọn lại.
Thép Việt TPHCM vào bảng khó
![]() |
Từ kết quả bốc thăm chia bảng, Thép Việt TPHCM (hàng chắn) rơi vào bảng đấu đầy khó khăn. Ảnh: Dũng Phương |
Theo kết quả bốc thăm bảng A (vòng 1 thi đấu tại tỉnh Phú Thọ, vòng 2 thi đấu tại TPHCM) gồm 6 đội nam (Hoàng Long Long An, Thép Việt TPHCM, Thể Công, VLXD Biên Hoà, Quân khu 5, Dầu khí) và 6 đội nữ (Giấy Bãi Bằng, Phòng không Không quân, Thái Bình, VTV Bình Điền Long An, Hải Dương, Quảng Ninh); bảng B (vòng 1 tại Hà Tĩnh, vòng 2 tại Quân đoàn 4) có 6 đội nam: Quân đoàn 4, TA.Ninh Bình, Sanest Khánh Hoà, Sao vàng Biên Phòng, Bến Tre, Quân khu 9 và 6 đội nữ: Vĩnh Long, Cao su Phú Riềng, Bộ Tư lệnh Thông tin, Ngân hàng Công thương, VietsovPetro, Thanh Hoá.
Vòng 1 của giải sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 28-3, sau đó 2 đội nam và nữ xuất sắc nhất mỗi bảng vào vòng tranh Cúp Hùng Vương tại Việt Trì từ ngày 2 đến 5-4.
Vòng 2 diễn ra từ ngày 11 đến 18-7, và 4 đội nam, 4 đội nữ xuất sắc nhất cả giải đấu sẽ dự vòng chung kết từ 23 đến 26-7 tại Quân đoàn 4 để tranh ngôi vô địch. Ở cả vòng chung kết lượt đi lẫn vô địch chung cuộc, các đội sẽ thi đấu chéo để tăng mức độ hấp dẫn.
Khan hiếm cầu thủ ngoại
Với những hợp đồng chỉ kéo dài từ 30 đến 40 ngày cùng số tiền 2.000 USD dù thực chất chỉ thi đấu khoảng 15 ngày (với các đội giành quyền vào chung kết), các cầu thủ Thái Lan mới nhận lời sang Việt Nam. Lượt về năm 2008 chỉ có những cầu thủ loại hai của Thái Lan còn góp mặt.
Bà Nguyễn Thuý Oanh, HLV trưởng đội Bộ Tư lệnh Thông tin tâm sự: “Năm nay đội không thuê các cầu thủ Thái Lan bởi chỉ có các cầu thủ trẻ, cầu thủ sinh viên chịu sang Việt Nam. Các cầu thủ hàng đầu của họ đã chuyển sang thi đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia với mức lương có thể chưa cao nhưng dài hạn hơn. Những ngoại binh mà Bộ Tư lệnh Thông tin hay những đội như Vital Thái Bình thuê ở vòng 1 năm 2008 đều đã từ chối trở lại. Ngay cả cầu thủ mà chúng tôi không hề muốn thuê cũng đã có hợp đồng thi đấu với mức lương cao hơn”.
Đấy chính là cái khó cho các đội bóng Việt Nam trước mùa giải mới, khi Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chỉ cho phép mỗi đội có 2 cầu thủ ngoại (1 cầu thủ được thi đấu trong sân). Kể từ năm 2010, bóng chuyền Việt Nam sẽ cho phép tăng cường số cầu thủ ngoại thi đấu trên sân là hai người, nhưng nếu cứ “chờ sung rụng” như hiện nay thì tiền vẫn tốn mà không tìm được cầu thủ ưng ý.
Theo tin từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, trước thực trạng khan hiếm cầu thủ giỏi, nhiều đội bóng sẵn sàng chi tới 3.000 USD để thuê ngoại binh cho 1 vòng đấu, nhưng vẫn không được. Sự đóng góp của các cầu thủ nước ngoài từng tạo ra sự thay đổi chất lượng đáng kể ở các đội bóng, giúp đảo ngược cán cân như từng xảy ra với VietsovPetro (nữ) hay Sanest Khánh Hoà (nam) năm ngoái. Đáng tiếc, những bản hợp đồng đó chỉ mang tính thời vụ, không tạo nên được sức hút lớn.
Thể Công năm ngoái từng cử cả cán bộ sang Bulgaria “săn” ngoại binh nhưng thất bại vào phút chót và đã gặp khá nhiều khó khăn ở lượt về. Hiện nay, có khoảng 60% các CLB của Việt Nam vẫn thông qua nguồn ngoại binh do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam giới thiệu, để rồi chỉ nhận được các cầu thủ có chất lượng…loại hai Thái Lan. Đấy là sự thật cần rút kinh nghiệm triệt để.
Thanh Phong