Ngày 9-1, Bộ VH-TT-DL đã ký công văn số 65/BVHTTDL-TTr gửi VFF, các sở VH-TT-DL về việc thực hiện các quy định đối với bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.
Công văn của Bộ VH-TT-DL yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009), Luật Thể dục thể thao năm 2006, về bản quyền truyền hình và quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp, tôn trọng hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giữa VFF với AVG. Như vậy, muốn ghi hình các trận đấu kế tiếp, các đài phải có sự đồng ý của AVG.
Đây là động thái cần thiết sau vụ việc xảy ra trên sân Hải Phòng ở vòng 2 Super League vừa qua. Dù không liên hệ với AVG nhưng Đài VTC vẫn cho xe màu xuống Hải Phòng để truyền hình trực tiếp trận V.Hải Phòng - N.Sài Gòn. Trước đó, sau khi nhận công văn của VFF, Ban tổ chức (BTC) sân Lạch Tray đã không đồng ý để VTC được vào sân ghi hình và lập biên bản. Trong quá trình đó, BTC lại nhận được công văn của Công ty VPF đề nghị tạo điều kiện cho VTC làm việc. Trong tình cảnh chẳng biết nghe ai, BTC sân Hải Phòng phải để cho VTC ghi hình.
![]() |
Tất cả các đài truyền hình chỉ có thể vào sân khi có sự cho phép của AVG. |
Bộ VH-TT-DL cũng quyết định thành lập đoàn thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đối với các giải bóng đá thuộc VFF năm 2011-2030 của VFF với AVG. Thời hạn thanh tra là 15 ngày.
Trong thông tin liên quan, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ngày 9-1 cho biết, VFF có thể rút vốn khỏi VPF, tuy nhiên ông cũng cho biết đó là tình huống xấu nhất nếu như quyền hạn của VFF với tư cách là cổ đông lớn nhất tại VPF không được tôn trọng.
Hiện tại, việc ủy quyền cho VPF bằng hợp đồng để tổ chức các giải đấu tại Việt Nam vẫn chưa được VFF tiến hành sau khi chưa có kết luận cuối cùng về bản quyền. Theo thông tin mà chúng tôi có được, hợp đồng VFF-AVG là một dạng hợp đồng có tính chất ủy quyền cho AVG được đại diện VFF thực thi các quyền về truyền hình chứ không phải là bán bản quyền. Điều đó có nghĩa, VPF khó có thể là đơn vị thứ 2 được ủy quyền về truyền hình.
Những động thái nêu trên càng cho thấy khả năng “chiến thắng” của VPF chỉ đến nếu như họ tìm ra cơ sở để đưa vụ việc ra tòa bởi đây là một vụ việc mang tính chất tranh chấp dân sự, rất khó để các cơ quan quản lý khác trực tiếp phân xử.
| |
ĐĂNG LINH
Các tin, bài viết khác
-
Hùng Dũng, Tiến Linh và Hoàng Đức tiếp tục ở chế độ nghỉ ngơi
-
Hậu vệ Duy Mạnh hào hứng khi trở lại đội tuyển
-
U23 Việt Nam nhanh chóng đi vào tập luyện tại UAE
-
Tổ chức Giải bóng đá Báo chí miền Trung lần thứ VIII năm 2022
-
Người hùng World Cup Nguyễn Văn Hiếu cùng dàn sao phủi Việt hội ngộ tại Huế dự Huda Cup 2022
-
Đội tuyển U23 Việt Nam đến UAE
-
Nguyễn Anh Đức tái xuất cùng đội tuyển Việt Nam
-
Đội U23 Việt Nam lên đường sang UAE
-
Xuân Trường, Tuấn Anh. Tấn Trường… không có tên ở ĐT Việt Nam
-
Bóng đá Việt Nam và Thái Lan lại gặp nhau ở giải trẻ