“Binh nhì” Son Heung Min liệu có được giải cứu?

Không phải tự nhiên mà tiền vệ của Tottenham – Son Heung Min – đang phải dốc sức ở Asiad 2018 cùng đội Olympic Hàn Quốc. Mục tiêu của anh không chỉ đơn thuần là tấm HCV Asian Games, mà từ tấm HCV này – nếu có thể thắng – Son sẽ tránh được việc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự ở quê nhà. Nhưng có điều, anh phải “hỏi” Olympic Việt Nam và vị HLV đồng hương Park Hang-Seo trước đã…
"Binh nhì" Son Heung Min liệu có được giải cứu khỏi nghĩa vụ quân sự?
"Binh nhì" Son Heung Min liệu có được giải cứu khỏi nghĩa vụ quân sự?

Ngày 27-6, dù cùng các đồng đội đánh bại tuyển Đức, vốn là đương kim vô địch thế giới ở thời điểm đó, với tỷ số 2-0 trong trận đấu cuối cùng vòng bảng tại World Cup 2018 (Son là người ghi bàn thắng ấn định kết quả ở phút thứ 90+6), Son vẫn khóc hết nước mắt khi biết tuyển Hàn Quốc đã bị loại. Anh chỉ đau một phần vì kết quả không tốt của đội nhà, một phần khác, anh biết mình sẽ chưa được miễn trừ nghĩa vụ quân sự vì không thể giúp đội nhà đạt thành tích tốt ở World Cup trên đất Nga.

Với Son, Asian Games trên đất Indonesia chính là cơ hội cuối cùng để anh “không phải làm một binh nhì nhỏ bé, buộc phải tuân thủ mệnh lệnh quân đội”. Nhưng để được miễn trừ 21 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự, Son buộc phải giành HCV ở Asiad 2018, mọi kết quả khác, như giành quyền lọt vào vòng knock-out, vào tứ kết, bán kết hay vào tranh HCĐ, thậm chí giành HCB đều là vô nghĩa. Rõ ràng, Son đã đến với Asiad với áp lực tâm lý rất nặng nề.
“Binh nhì” Son Heung Min liệu có được giải cứu? ảnh 1 Son đến Asiad với áp lực tâm lý nặng nề
Trong trận mở màn khi Olympic Hàn Quốc thắng Olympic Bahrain, Son không được tung ra sân đấu. Sau đó, anh vào sân từ băng dự bị trong trận thua Olympic Malaysia 1-2.
Khỏi nói cũng hiểu, Son đã “đau tim” như thế nào. Tuy nhiên, cuối cùng thì đội bóng "xứ sở kim chi" cũng đã giành được vé vào vòng đấu loại trực tiếp khi đánh bại Olympic Kyrgyzstan với tỷ số nghẹt thở 1-0. Son đã ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu đó. Nghĩa là, anh đã bắt đầu có dấu ấn của mình. Để rồi, ở vòng 16, anh và các đồng đội tiếp tục chơi thành công khi thắng Iran 2-0.

Hôm qua 27-8, đúng 2 tháng sau “thời khắc định mệnh, của đau đớn và… nước mắt trên đất Nga”, Son tiếp tục tiến gần hơn nữa với cơ hội miễn trừ nghĩa vụ quân sự của mình, khi đả bại Olympic Uzbekistan 4-3 trong một trận đấu căng như dây đàn. Nhưng điều đáng nói ở đây là, Son lại tiếp tục gặp áp lực, thậm chí là áp lực cực kỳ lớn, cực kỳ căng thẳng. Sau 90 phút thi đấu chính thức, 2 đội hòa nhau 3-3 và buộc phải bước vào 30 phút hiệp phụ.

Ở đây, Olympic Hàn Quốc đã được hưởng quả phạt đền ở phút 118. Hwang Hee Chan là người thực hiện cú sút từ chấm 11 mét. Do quá căng thẳng, Son đã quay lưng lại, ôm lấy mặt, không dám nhìn trực diện vào tình huống "kết liễu" số phận trận đấu của người đồng đội.

Một hình ảnh thật… đáng thương, nếu so sánh với hình ảnh đầy kiêu hùng của các đồng đội tại Tottenham khi vừa đánh bại Manchester United của Jose Mourinho chỉ vài giờ đồng hồ sau đó. Olympic Hàn Quốc đã thắng, nhưng “binh nhì” Son vẫn chưa được giải cứu.

“Binh nhì” Son Heung Min liệu có được giải cứu? ảnh 2 Son không dám nhìn đồng đội đá phạt đền
Phía trước anh, vẫn còn 2 trận đấu phải hoàn thành và bắt buộc phải thắng. Đầu tiên là trận bán kết với Olympic Việt Nam, đội bóng đang chơi thăng hoa dưới bàn tay phù thủy đầy ma thuật của ông thầy Park Hang-Seo người Hàn Quốc. Dù là đồng hương của Son, nhưng ông Park sẽ không nhân nhượng một chút nào.
Chàng “binh nhì” có phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không cũng chẳng liên quan gì đến ông, vì mục tiêu của ông là đưa các học trò tràn đầy nhiệt huyết người Việt Nam giành quyền chơi trận chung kết.

Sẽ không dễ dàng với Son. Thậm chí, “chiến dịch giải cứu binh nhì Son” cũng có thể trở thành “điệp vụ bất khả thi” như những lần từng xảy ra trong quá khứ. Hồi năm 2014, anh đã được triệu tập vào đội hình Olympic Hàn Quốc tham dự Asiad 2014 ngay tại quê nhà. Nhưng CLB chủ quản của Son ở vào thời điểm đó – Bayer Levekusen (Bundesliga) đã từ chối "phóng thích" anh. Son bỏ lỡ cơ hội lần đầu tiên của mình, khi mà đội Olympic Hàn Quốc đã giành được tấm HCV ở kỳ Asiad năm đó.

Tiếp theo, ở Asian Cup 2015, Son đã tiến rất gần đến giấc mơ của mình. Tuyển Hàn Quốc của anh đã lọt đến tận trận chung kết gặp tuyển Úc. Rất tiếc, dù đã ghi bàn gỡ hòa 1-1 ở phút thứ 90+1, đưa trận đấu bước vào 30 phút hiệp phụ, Son và các đồng đội vẫn gục ngã khi James Troisi ghi bàn thắng quyết định ở phút 105. Và rồi, ở kỳ Olympic 2016, Son là 1 trong 3 cầu thủ trên 23 tuổi được triệu tập vào đội hình Olympic Hàn Quốc bay sang Brazil. Lần này, họ vỡ mộng huy chương khi thua Honduras ở tứ kết.

Như vậy, Son đã bỏ lỡ 4 cơ hội trước đó, đây chính là cơ hội thứ 5, nhiều khả năng cũng là cơ hội cuối cùng để được trở thành cầu thủ Premier League đầu tiên tham gia Asiad (trước Son, đã có những cầu thủ Trung Quốc từng chơi bóng trên đất Anh tham gia Asiad – như là Sun Jihai và Fan Zhiyi, có điều, họ đều chơi cho Crystal Palace, ở giải Hạng nhất), để có cơ hội miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Để có được cơ hội này, Son đã phải có một số thỏa thuận với Tottenham, rằng anh sẽ không được tham gia đội hình tuyển Hàn Quốc trong suốt mùa này, bao gồm cả việc không tham gia Asian Cup vào tháng Giêng năm sau.

Son đang chơi một canh bạc mà trớ trêu thay, giờ đây, người cầm “cái” lại là Olympic Việt Nam.

Son sẽ đóng bộ phim nào của điện ảnh Hollywood? “Giải cứu binh nhì”, hay “Nhiệm vụ bất khả thi”?

- Luật nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc quy định, đàn ông phải đến 35 tuổi mới hết tuổi được gọi nghĩa vụ quân sự. Năm nay, Son mới 26 tuổi.

- Mọi công dân Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp anh là một VĐV, thì Quân đội Hàn Quốc có một Đơn vị tên là Sangmu, vốn là Lực lượng vũ trang – thể thao ở cấp Quân đoàn, để anh lựa chọn tham gia. Trong đơn vị này có đội bóng đá mang tên Sangju Sagmu (đang thi đấu ở K-League 1), là nơi Son có thể “gửi mình”. Vấn đề là, những quân nhân của đội bóng chỉ có thể được rời khỏi Hàn Quốc khi phải thực hiện nghĩa vụ cho đất nước, và nếu tham gia Sangju Sagmu, cơ hội tiếp tục chơi bóng ở Anh của Son sẽ tiêu tan.

- Cũng vì vậy, Son chỉ có thể lựa chọn quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Luật nghĩa vụ quân sự của Hàn Quốc cũng quy định, các VĐV có thể được miễn trừ trong trường hợp họ đạt được những thành tích xuất sắc trong các môn thi đấu mà mình theo đuổi, như là huy chương Olympic (huy chương bất kỳ), HCV Asian Games, thành tích ấn tượng khác ở World Cup…

- Trong quá khứ, đã có 3 đội bóng được quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự (tất cả các thành viên đều được), đó là tuyển Hàn quốc giành Hạng 4 ở World Cup 2002, Olympic Hàn Quốc giành HCĐ Olympic London 2012 và tuyển Hàn Quốc đăng quang Asian Games 2014 tại quê nhà.

Tin cùng chuyên mục