Với một mức độ phản đối gần như là 100%, có thể thấy những ý tưởng của VPF đưa ra cho mùa giải 2013 sẽ không thể thành hiện thực. Tuy nhiên, người ta không hiểu tại sao VPF lại vội vàng đưa ra đề xuất trên để phải đối diện với một nguy cơ: Lần đầu tiên VPF bị dư luận không đồng tình một cách tuyệt đối.
- Những câu hỏi... không cần trả lời
Câu hỏi thứ nhất: Trước khi đưa ra đề xuất, VPF hoàn toàn không “bắn tiếng” thăm dò dư luận dù họ hoàn toàn có thể, thậm chí là làm rất tốt đằng khác qua mối quan hệ của họ với giới truyền thông. Hơn nữa, theo mô hình hoạt động, lẽ ra phải có tham khảo ý kiến của các thành viên, cổ đông chính là các CLB?
![]() |
VPF không thiếu người làm chuyên môn, không lẽ lại không biết sự bất hợp lý của đề xuất. |
Câu hỏi thứ hai: Hình như là VPF cũng đã lường hết các phản ứng bất lợi, chính xác hơn là họ biết đề xuất của họ hết sức… tào lao. Biết mà vẫn làm, và sau đó, các nhân vật trong VPF đều giải thích theo kiểu “đá trách nhiệm” cho VFF khi cho rằng thể thức thi đấu không xuống hạng vì có đội U-22. Không ai biết, chuyện U-22 dự V-League là “nguyên nhân” (vì có U-22 mới không xuống hạng), hay là “hậu quả” (vì VFF đề nghị)?
Câu hỏi thứ ba: Theo cách giải thích của VPF thì mục tiêu là giúp U-22 được cọ xát và thi đấu tại SEA Games 27. Tuy nhiên, ai cũng biết đây chẳng phải là trách nhiệm của VPF. Phải chăng họ đề xuất như vậy để “móc giò” VFF đã “không lo nổi cho tuyển nên chúng tôi lo cho U-22”?
Cả 3 câu hỏi trên đều không cần trả lời vì cách đề xuất mà biết trước không thông qua ấy có hơi hướng của một sự cố ý. Chúng tôi không tin là VPF không biết trước việc mình làm.
“Ở trong chăn, biết chăn có rận”
Đề xuất của VPF gây xôn xao dư luận và dễ làm người ta quên mất một chi tiết: Mùa bóng đã lùi lại một thời gian nữa.
Chính xác hơn là lùi đến những 3 tháng. Tính từ mùa bóng 2012, những rắc rối, khó khăn đã khiến cho bóng đá Việt Nam mất đến 6 tháng không thi đấu. Điều này cũng đồng nghĩa, một khả năng tạm ngừng giải vô địch đã được VPF tính đến. Cái lùi thời gian của họ là một động thái thông báo, những khó khăn căn bản vẫn chưa thể giải quyết xong, vẫn phải tiếp tục giải quyết và cách đưa ra đề xuất ấy chẳng khác gì một biện pháp câu giờ.
Đương nhiên, ở góc độ của VPF, họ không thể không biết càng câu giờ càng khiến nhiều đội có thể bỏ cuộc chơi. Tiêu biểu như trường hợp mới nhất của Khánh Hòa. Thế nên câu hỏi đặt ra là phải chăng VPF biết rằng, nếu bắt đầu mùa giải sớm, chưa chắc có được 10 đội tham gia và thậm chí, có thể giải đang tiến hành, sẽ có đội ngưng đá. Thế nên, tốt nhất cứ lùi rồi ai còn kiên nhẫn được thì ở lại.
Theo lý thuyết, đội nào đủ sức trụ được 6 tháng thì khả năng tham gia mùa bóng 2013 càng cao. Coi như VPF loại trừ được chuyện các đội cứ hô hào “tôi tham gia” rồi đến khi vào giải lại “ỏng eo yêu sách”. Tóm lại, vì “ở trong chăn” nên các ông bầu tại VPF cũng biết “chăn có rận” vậy.
Hồ Việt
Các tin, bài viết khác
-
Dòng chảy tham vọng
-
Niềm hạnh phúc của người thầy và giọt mồ hôi cô học trò
-
Giọt nước mắt nỗ lực!
-
Bài kiểm tra… bất đắc dĩ
-
Nỗi niềm bóng ném bãi biển
-
Đường dài cho các tài năng
-
Giải vô địch U23 Đông Nam Á: Hành trình kỳ lạ của U23 Việt Nam
-
Khát vọng dấn thân của U23 Việt Nam
-
Vườn ươm tài năng cho bóng đá nữ TPHCM
-
Giọt nước mắt của Bích Thùy và nụ hôn của mẹ