Bệ phóng cho giải thưởng lớn

Báo Sài Gòn Giải Phóng

Bệ phóng cho giải thưởng lớn

Kể từ năm 1995 cho đến nay, khi Giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam ra đời trong sự chào đón hân hoan của đông đảo người hâm mộ bóng đá dải đất hình chữ S, của các cầu thủ và của cả các HLV, chuyên gia bóng đá tại Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) đã luôn đồng hành cùng sự kiện vinh danh các cá nhân xuất sắc nhất ở môn thể thao vua.

28 năm trước, thời điểm hàng chục ngàn người hâm mộ bóng đá Việt Nam đổ ra các con đường ở TPHCM để tiếp đón Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức..., cùng các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam, chào mừng tấm HCB lịch sử môn bóng đá nam tại SEA Games 1995 - thành tích đầu tiên của bóng đá Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế và khu vực Đông Nam Á, thì tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo SGGP đã bắt tay ngay vào việc hiện thực hóa ý tưởng trao giải QBV Việt Nam của cố nhà báo Minh Hùng từ “cú vô lê thần sầu” của Minh Chiến vào lưới Myanmar ở trận bán kết gặp Myanmar. Ý tưởng đó không ngoài mục đích tốt đẹp là vinh danh những cầu thủ xuất sắc, những người đã hy sinh rất nhiều, đổ cả mồ hôi - nước mắt, thậm chí là máu xương để mang về vinh quang cho bóng đá Việt Nam, để những đóng góp ấy, không bao giờ bị lãng quên. Lãnh đạo Báo SGGP khi ấy, là cố nhà báo Vũ Tuất Việt, là nhà báo Dương Trọng Dật đã ủng hộ tuyệt đối và tạo mọi điều kiện tốt nhất để Giải thưởng QBV Việt Nam chính thức ra đời, trở thành một thước đo giá trị cao quý nhất, xứng đáng nhất cho những cá nhân nổi bật đã có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam suốt từ năm 1995 cho đến tận ngày hôm nay.

28 năm qua, người hâm mộ không thể nào quên những cái tên được vinh danh ở trong các buổi lễ trao giải rất long trọng và hoành tráng: Huỳnh Đức - Hồng Sơn - Công Vinh - Tài Em - Thành Lương - Quang Hải - Hùng Dũng - Văn Quyết - Hoàng Đức... bóng đá nam; Ngọc Mai - Kim Hồng - Kim Chi - Kiều Trinh - Tuyết Dung - Huỳnh Như... bóng đá nữ; hay là Văn Vũ - Trọng Luân - Quốc Hưng - Minh Trí - Văn Ý ở hạng mục futsal. Họ là những anh hùng nổi bật suốt ngần ấy năm qua của bóng đá Việt Nam.

Và để cho những người hùng ấy thật sự nổi bật, hình ảnh được tôn vinh đậm nét trong các buổi lễ trao giải QBV Việt Nam, để tên tuổi họ được mãi nhớ về sau, tập thể lãnh đạo - nhà báo - cán bộ - công nhân viên Báo SGGP các năm qua đã nỗ lực, cống hiến và đóng góp rất nhiều, thậm chí là dốc hết sức lực trong thầm lặng, với mong muốn duy trì vị thế, chất lượng, hình ảnh và tuổi đời của Giải thưởng QBV Việt Nam, mãi song hành cùng năm tháng.

Những nỗ lực trong thầm lặng đó không phải ai cũng biết đến, không phải ai cũng cảm thông. Tuy nhiên, tập thể Báo SGGP suốt ngần ấy năm đã, đang và vẫn sẽ luôn xem Giải thưởng QBV Việt Nam là một trách nhiệm, một nhiệm vụ vượt tầm thể thao, một nhiệm vụ chính trị buộc phải hoàn thành. Anh Lê Huỳnh Đức, chủ nhân của QBV Việt Nam đầu tiên, từng nhiều lần chia sẻ: “Tôi vẫn luôn đánh giá cao những đóng góp của Báo SGGP trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam thời hội nhập nói chung và với Giải thưởng QBV nói riêng. Với tôi, Báo SGGP và Giải thưởng QBV thân thuộc giống như người nhà, nên bất cứ khi nào Báo SGGP cần hỗ trợ trong khâu chuẩn bị và tổ chức trao giải, tôi đều sẵn sàng. Những gì mà tập thể Báo SGGP đã làm suốt thời gian qua rất đáng trân trọng. Tôi vẫn giữ những giải thưởng từ thời xa xưa, hàng năm vẫn mang đi đánh bóng cẩn thận, như cách đối xử trân trọng nhất với Giải thưởng QBV Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục