Vai trò ông chủ của VFF trong hội nghị các Chủ tịch CLB đã khéo léo bị một nhóm CLB giật lại ngay trên bàn nghị sự. Bởi thế, chẳng khó hiểu khi “kèo” bầu Trưởng giải, Trưởng Ban trọng tài đã bị lật, nhường chỗ cho một đề án “ly khai” dần được cụ thể hóa.
Nắn gân nhau
Không tốn nhiều thời gian sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức điểm hỏa cho cuộc đọ sức giữa các ông bầu và VFF. Không gay gắt, thâm nho như bầu Kiên, bầu Đức đặt thẳng vấn đề rất rõ ràng: 28 ông bầu đến dự hội nghị không phải để gật theo kế hoạch của VFF. Bầu Đức cho rằng, với thực trạng bê bết của bóng đá Việt Nam lúc này, không cải tổ, không cấu trúc lại cơ cấu nền bóng đá, cụ thể là V-League, thì bóng đá Việt Nam không thể ngóc đầu dậy.
![]() |
Bầu Đức: “Chúng tôi đến đây không phải để nghe VFF chỉ bảo”. Ảnh: Quang Minh |
Bầu Đức nói: “Chúng tôi đến đây không phải để nghe VFF chỉ bảo. Tôi vào bóng đá cỡ 10 năm, nếm trải đủ cung bậc cảm xúc. Nhưng năm 2004, tôi đầu tư cho đội bóng 20 tỷ/mùa, vậy mà HAGL đi đến đâu đá, sân chật ních khán giả. Còn bây giờ, mỗi mùa đội bóng ngốn mất 100 tỷ đồng, nhưng ra sân thì loe hoe vài mống khán giả. Đó là sự lãng phí ghê gớm. Tôi biết ở Thai-League, mỗi đội bóng chi có 1 triệu USD/mùa, nhưng sân họ kín khán giả. Vì sao ư? Vì Thai-League họ tổ chức tốt, trọng tài làm tốt và có kỷ luật. Tôi đảm bảo với các anh rằng, anh Mùi (Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi), anh Khôi (Trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi) không dở, không kém, nhưng cơ chế này thì họ không thể làm được. Nỗi sợ hãi ấy giống như chúng tôi, tốn 4 tỷ đồng/trận nhưng lúc nào cũng sợ ông trọng tài làm hỏng trận đấu”.
Bầu Đức lên tiếng đòi VFF phải cải tổ, bằng không nếu cứ giữ cơ cấu như hiện tại, ông sẽ rút HAGL khỏi V-League. “Tôi không bao giờ bỏ bóng đá”, bầu Đức nói, “Nhưng nếu cứ giữ nguyên trạng thế, cơ cấu tổ chức giải như bây giờ, tôi sẽ rút HAGL khỏi V-League. Tôi đã ủng hộ bóng đá Việt Nam tối đa, thậm chí còn giúp Lào, Campuchia phát triển bóng đá, nhưng tôi sẽ không chịu để đội bóng chơi ở V-League trong tình trạng như bây giờ. HAGL đã cấu trúc 2-3 lần về mô hình tập đoàn, tại sao VFF lại không? Đến cả Chính phủ cũng phải cấu trúc lại nền kinh tế. Tôi thà làm trẻ chứ không muốn hít thở trong bầu không khí không hay như lúc này”.
Đáp lại chỉ trích của bầu Đức, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho rằng, VFF không phải là tập hợp những ông bảo thủ, tham quyền cố vị. Ông Dũng nổi giận: “Nếu các CLB bảo Thường trực VFF tham lam, bảo thủ và tham quyền cố vị, vậy các CLB đề xuất đại hội VFF bất thường để thay hết đi. Không phải vì chúng tôi tham vài triệu bạc tiền lương mà giơ mặt cho người khác chửi, như vậy không đáng. Anh Hỷ và tôi đã nói với nhau, nếu tôi nghỉ thì anh Hỷ cũng nghỉ theo”.
Thời thế đổi thay
Pha đối đáp giữa bầu Đức và Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng làm nóng bừng không khí hội nghị. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và lãnh đạo VFF ngồi lặng lẽ, trước khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên tung đòn quyết định: “Chúng tôi đến hội nghị với ý thức là giúp bóng đá Việt Nam đi lên, tốt lên. Chúng tôi không đến để nghe VFF áp đặt. Các anh ở VFF hãy lắng nghe, ghi chép và có ý kiến phản biện. Chúng tôi làm theo luật và tuân thủ theo luật. Tôi hiểu rõ VFF không phải là ngáo ộp, cũng chẳng phải là cấp trên để hù dọa CLB. VFF hãy nghe chúng tôi cho đáp số: tiếp thu hay không tiếp thu? Vì sao đồng ý và không đồng ý”.
![]() |
Giới chức VFF “đứng hình” trước phát biểu của các ông bầu. Ảnh: Quang Thắng |
Miếng đòn của bầu Kiên đã làm VFF im bặt. Nhờ vậy, ông bầu này đã tung thẳng đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lên bàn nghị sự. Bầu Kiên khái quát ý tưởng lập công ty, chuyên lo tổ chức điều hành V-League, với mô hình hoạt động là công ty cổ phần, dựa trên vốn của VFF (chiếm 35,6% vốn điều lệ), 14 CLB giữ 64,5% vốn điều lệ. Bầu Kiên khẳng định, công ty này có sự ràng buộc mật thiết giữa VFF và CLB, đặc biệt là tạo được cơ chế cho BTC giải điều hành độc lập, tự chủ chứ không phải là vòng kim cô như các BTC giải thông thường.
| |
Bầu Kiên nhấn mạnh: “Đề án này do tôi chấp bút, nhưng thực tế là học hỏi từ mô hình đã thành công ở nhiều nước. Tôi có sự đảm bảo, chưa có quốc gia nào áp dụng mô hình điều hành, tổ chức này mà thất bại. Ai làm cũng thành công. Một khi V-League là giải đấu do các CLB chuyên nghiệp tự quản lý, điều chỉnh thì VFF hãy tạo hành lang cho mô hình này được triển khai”.
Cũng theo phác thảo của bầu Kiên, BTC giải tương lai do chính CLB bầu lên, VFF chỉ giữ vai trò đầu tàu, định hướng cùng Hội đồng quản trị. Ngoài ra, mức lương cho giám sát, trọng tài sẽ được điều chỉnh cho lực lượng này khỏi… “ăn bẩn”, bởi bầu Kiên dự tính thu nhập của giám sát, trọng tài có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng.
Riêng hạng Nhất, bầu Kiên lý giải rằng, do mới có 10/14 đội là doanh nghiệp cũng như hấp lực tài trợ thấp nên ông chưa tính đến viêc đưa hạng Nhất tham gia vào công ty. Đề án của bầu Kiên đưa ra khiến VFF choáng váng, nhưng trước sự ủng hộ của đa số các đội V-League, VFF chỉ còn lăn tăn duy nhất: “kèm” thêm 14 đội hạng Nhất, vì nếu để giải hạng Nhất do chính VFF tổ chức, điều đó cực kỳ khó khăn. Rốt cuộc, bầu Kiên chấp nhận “thỏa hiệp” khi tuyên bố, một khi VFF cho hành lang thì 1 tháng sau, ông sẽ đưa ra đề án đầy đủ, trong đó có cả các đội hạng Nhất.
Những pha ghi bàn ngoạn mục của các ông bầu khiến VFF không còn lựa chọn nào khác. Cuối phiên, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tuyên bố, hội nghị không tiến hành bầu Trưởng giải, Trưởng ban trọng tài… như kế hoạch ban đầu. Đồng thời, ông Hỷ giữ vai chủ tọa, yêu cầu biểu quyết để triển khai mô hình hoạt động theo hướng 1 công ty tổ chức, điều hành riêng biệt. Đề nghị này nhận được tán thành 100% từ 28 ông chủ, đồng nghĩa với việc V-League, giải hạng Nhất đã dần “ly khai” khỏi VFF. Cuộc đấu giữa VFF và các ông bầu đã ngã ngũ: VFF chấp nhận thua ông bầu!
|
Ngọc Linh
Các tin, bài viết khác
-
Giải vô địch U23 Đông Nam Á: Hành trình kỳ lạ của U23 Việt Nam
-
Georgina: “Cuộc sống của tôi thay đổi vào ngày gặp Ronaldo“
-
Ronaldo và Georgina tiết lộ giới tính cặp song sinh trong video đáng yêu
-
Bí mật của Pep Guardiola, 500.000 euro giấu trong tài khoản ở Andorra
-
Olympic Tokyo 2020: Có một đoàn thể thao khao khát về quyền được sống
-
Lịch sử sắp sang trang
-
Khoảng trống về cơ chế
-
Từ Lê Công Vinh đến Đoàn Văn Hậu
-
Truyền cảm hứng cho Olympic
-
Bao lâu rồi mới vui như thế