Vẫn còn 1 năm trong nhiệm kỳ, vậy mà “thượng tầng” của bóng đá TPHCM lại chứng kiến một sự thay đổi quá lớn ở 3 vị trí quan trọng nhất. Có người cho rằng, sự bất thường ấy cũng chỉ là chuyện… bình thường.
Ở đây, có 2 cách giải thích. Hoặc là bộ máy Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) đang hoạt động ổn định ở mức cao nhất nên những người đứng đầu cần phải rút lui để tạo tính kế thừa. Cũng có thể là do, những vị này có tại vị thêm 1 năm nữa, bóng đá TP cũng chẳng thay đổi được gì hoặc vì chẳng có việc gì để làm. Cách lý giải thứ 2 phù hợp hơn với tình trạng hiện nay của làng cầu từng là số 1 Việt Nam.
Trong buổi họp vào chiều qua đã xác định 3 lãnh đạo của HFF sẽ xin rút lui. Đó là các ông: Lê Hùng Dũng, chủ tịch HFF; Trần Lệ Nguyên, phó chủ tịch phụ trách tài chính và tài trợ; Dương Vũ Lâm, tổng thư ký HFF. HFF cũng đã đề cử người thay thế là các ông Trần Duy Long cho chức chủ tịch, ông Trần Anh Tú thay ông Trần Lệ Nguyên và ông Trần Đình Huấn thay ông Dương Vũ Lâm. Q.C. |
Diện mạo bóng đá TPHCM đã có nhiều thay đổi kể từ sau khi ông Lê Hùng Dũng nhậm chức chủ tịch HFF ở nhiệm kỳ trước. Chính ông là người mời ông Trần Lê Nguyên, Tổng giám đốc nhãn hàng Kinh Đô, phụ trách chuyện kiếm tiền cho HFF. Đây cũng là thời gian đầy biến động của làng cầu TPHCM khi suýt nữa đã không còn đội bóng chơi ở V-League nếu không có sự xuất hiện của đội Navibank Sài Gòn được chuyển tên từ đội Quân khu 4.
Thời điểm đó, ông Lê Hùng Dũng cũng đã tỏ ý rút lui vì quá mệt mỏi trước áp lực dư luận. Cho đến nay, bóng đá TPHCM đã có 2 đội chơi tại V-League (Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành) và cũng sắp chuyển giao CLB TPHCM cho một doanh nghiệp có tiềm lực. Bên cạnh đó, HFF cũng đã khôi phục lại một số giải thi đấu truyền thống, tiêu biểu là giải vô địch toàn thành cũng như cúp quốc tế thường niên.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, những chuyển động nói trên đều phụ thuộc quá nhiều vào sự xông xáo của ông Lê Hùng Dũng. Các doanh nghiệp do ông đứng đầu gần như đảm nhận tài chính cho các giải đấu từ lớn đến bé. Với uy tín của mình, ông Dũng đưa từ nơi khác về 2 đội bóng đang chơi tại V-League. Tuy nhiên, cả một bộ máy mà từ việc kiếm tiền cho đến gầy dựng đỉnh cao đều do một người làm thì không ổn chút nào.
Hơn nữa, các CLB hiện đều do doanh nghiệp quản lý, HFF trở thành “người thừa” nhưng tổ chức này lại chưa tạo được hệ thống đào tạo để cung cấp cầu thủ một cách nền tảng. Vì thế, sự hiện diện của HFF được cho là có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
ĐĂNG LINH