8 tháng trước, cuộc chiến bản quyền truyền hình bóng đá trong nước là chủ đề nóng trên mặt báo, ở các cuộc bàn luận liên quan đến bóng đá. Khi đó, VPF sau khi được thành lập một cách vội vã đã “đòi” thâu tóm bản quyền truyền hình các trận đấu ở V-League trong khi trước đó AVG đã mua gói bản quyền này từ VFF trong 20 năm.
Nói là cuộc chiến nhưng thực sự lúc đó gần như chỉ có mỗi VPF liên tục “phát pháo”, thậm chí đòi đưa ra tòa làm rõ trắng đen về hợp đồng giữa VFF và AVG. Sự im lặng của AVG chỉ được phá vỡ khi kết luận của cơ quan chức năng cho thấy hợp đồng giữa VFF và AVG là minh bạch. Ngay khi có kết luận, AVG đã bất ngờ… biếu không gói bản quyền này cho VPF. Lúc đó, AVG chỉ nói ngắn gọn rằng sẽ tiếp tục cùng góp sức cho nền bóng đá Việt Nam phát triển. Riêng người của VPF mạnh miệng tuyên bố sẽ đem về ít nhất 50 tỷ đồng/năm tiền bản quyền. Khá nhiều người lúc đó tin VPF sẽ làm được.
8 tháng sau, khi mà VPF không còn có những tuyên bố mạnh mẽ như trước, V-League chưa biết sẽ diễn ra như thế nào, có người nhắc lại về bản quyền truyền hình mới vỡ lẽ không biết mùa bóng 2013 VPF sẽ thu được bao nhiêu. Thực tế, theo dự kiến con số 50 tỷ đồng cho năm 2012 và 75 tỷ đồng cho năm 2013 là thu từ sự đóng góp của các doanh nghiệp trong Hội đồng Bảo trợ bóng đá Việt Nam. Thành viên hội đồng này đa số là các ngân hàng, tuy nhiên cho đến nay cái gọi là hội đồng bảo trợ này vẫn chưa có cơ sở pháp lý thành lập, nên không ai biết nó có tồn tại hay không. Theo kế hoạch, khi tham gia đóng góp, các doanh nghiệp trên sẽ được dành cho thời lượng quảng cáo trước, giữa và sau các trận đấu V-League được truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện được kế hoạch này thì cũng có sự thay đổi thời lượng khi số lượng các đội bóng tham dự V-League năm nay giảm nên không thể đủ thời gian phân bổ quảng cáo như dự kiến. Đó là chưa tính đến chuyện khi chất lượng giải đấu đã xuống quá thấp, sự quan tâm của người hâm mộ gần như chạm đáy thì liệu việc chen quảng cáo vào các trận đấu trực tiếp là có khả thi? Các đài truyền hình có chấp nhận đưa quảng cáo khi mà lượng khán giả không như ý muốn?
Ngay khi cuộc chiến bản quyền nổ ra, chúng tôi đã nhận định rằng khi có người lớn tiếng khẳng định bằng mọi giá để có được bản quyền trong tay vì lợi ích của người hâm mộ thì nên xem lại đó có phải là mục đích cao nhất không. Thực tế, người hâm mộ luôn mong muốn, sẵn sàng giúp sức để nền bóng đá phát triển bằng việc củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng giải đấu, quy hoạch hệ thống đào tạo trẻ… Nếu khi đó, người ta đừng vội vã chọn khía cạnh tiền (bản quyền) để phát pháo đầu tiên mà bắt tay nghiên cứu, xây dựng đề án cho V-League thì có thể giờ đây V-League không đến nỗi rơi vào khủng hoảng, lòng tin của người hâm mộ không đến mức chạm đáy và thờ ơ với giải đấu nữa.
Bản quyền của V-League 2013 chưa biết sẽ ra sao, giống như tương lai của giải đấu này cũng chưa biết sẽ ra sao.
Phương Nam
Các tin, bài viết khác
-
CLB Viettel – Hougang United: Tranh chấp ngôi đầu (17g, ngày 30-6, VTV6 THTT)
-
U19 Việt Nam mất gần 1 ngày di chuyển sang Indonesia tham dự giải Đông Nam Á
-
Đội tuyển nữ Việt Nam đến Orleans, chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Pháp
-
Bước chân nhỏ, hành trình lớn
-
Nutifood lên kế hoạch tài trợ đội U23 Việt Nam nếu đội này được tham dự V-League
-
Đội tuyển U19 Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch Đông Nam Á 2022
-
Quang Hải, ngôi sao làm thay đổi suy nghĩ về chuyện xuất ngoại
-
HLV Mai Đức Chung chốt danh sách tham dự AFF Cup nữ 2022
-
Viettel FC tiến gần tấm vé đi tiếp ở AFC Cup 2022
-
Pau - đội bóng mới nổi ở Ligue 2