Bất cập của bóng chuyền

Râm ran mới nhất trong làng bóng chuyền Việt Nam chính là sự việc đội bóng Quân khu 3 bị cho là vi phạm điều lệ của Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc 2017 - giải đấu nhằm chọn 2 đội nam lên chơi ở giải VĐQG mùa tới…

Nhiều đội bóng ở Giải hạng A toàn quốc rất sợ thăng hạng. Ảnh: DƯƠNG THU
Nhiều đội bóng ở Giải hạng A toàn quốc rất sợ thăng hạng. Ảnh: DƯƠNG THU

Nhiều đội bóng dự vòng chung kết giải hạng A toàn quốc 2017 (đang diễn ra tại Bến Tre) thắc mắc vì sao đội nam Quân khu 3 chỉ mang đến 9 VĐV nhưng vẫn được tham dự các trận đấu, dù điều lệ đã quy định rất rõ ràng rằng “Mỗi đội được đăng ký danh sách các thành viên theo quy định của Luật Bóng chuyền, tối đa 14 VĐV (nếu đăng ký trên 12 VĐV phải có 2 Libero), tối thiểu là 10 vận động viên”. Đồng thời, điều 7 của phần khen thưởng và kỷ luật cũng quy định “Đội nào đăng ký không đủ VĐV sẽ không được thi đấu”.

Đội nam Quân khu 3 chỉ có 9 VĐV dự VCK giải hạng A 2017. Ảnh: Hà Quốc
Nhiều đội bóng, sau 2 trận đấu của Quân Khu 3 gặp Bến Tre và BTL Cảnh sát Cơ động, phàn nàn vì sao đội bóng này chỉ có 9 VĐV đăng ký thi đấu vẫn được BTC đồng ý cho vào sân thi đấu? Và như thế liệu có thật sự công bằng?

Lâu nay, ở làng bóng chuyền Việt Nam tồn tại một thực tế là luôn có những đội bóng “ma”, tức là khi đến giải mới có đủ VĐV, còn sau đó thì… biến mất! Theo giới làm nghề, chính vì quy định của bóng chuyền chưa nghiêm, nên vẫn để xảy ra tình trạng vay mượn VĐV để đủ quân số tham dự các giải đấu bắt buộc nằm trong hệ thống thi đấu chính thức thường niên.

Ở giải hạng A toàn quốc, một sân chơi được cho là quan trọng, vẫn đang xảy ra những chuyện khá nực cười. Chẳng hạn, nhiều đội sợ không dám tranh vé thăng hạng vì hình dung ra viễn cảnh không có đủ nguồn lực tài chính để tồn tại ở giải Vô địch quốc gia (thường tốn từ 5-7 tỷ đồng/năm để lo chu toàn cho ít nhất là 2 tuyến VĐV - đội 1 và đội trẻ). Nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí của địa phương hoặc ngành (nếu không có nhà đầu tư tham gia), đội bóng khó mà tồn tại được lâu dài, hoặc nếu có cũng chỉ ở mức… làng nhàng. Thế mới xảy ra sự cố các đội… đùn đẩy hoặc “gài” nhau thăng hạng.

Nhiều đội bóng hạng A sợ phảilên dự giải Vô địch quốc gia. Ảnh: HÀ QUỐC
Trở lại với câu chuyện của đội nam Quân khu 3, vấn đề thiếu thốn VĐV xảy ra khá phổ biến ở nhiều đội bóng, kể cả đối với những đội đang chơi ở giải Vô địch quốc gia. Thành thử, để duy trì phong trào, nhiều khi Ban tổ chức và thậm chí là bộ môn bóng chuyền cũng như Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đành… làm ngơ, như một cách thừa nhận các đội thiếu VĐV được phép tham dự giải, chủ yếu vì sợ họ bỏ ngang sẽ khiến quân số các đội bóng góp mặt ở giải hạng A ngày càng teo tóp.
Song, nếu mạnh tay cải tổ và sắp xếp lại hệ thống thi đấu nói chung và quân số tham dự những giải đấu quan trọng như: Giải vô địch quốc gia, giải hạng A, giải trẻ các CLB, như những gì mà nhà quản lý bóng chuyền từng đề cập, có lẽ sự cố như vừa rồi sẽ không xảy ra nữa, đồng thời sẽ giúp bóng chuyền Việt Nam phát triển lành mạnh, đàng hoàng hơn.

Tin cùng chuyên mục