Bạo lực sân cỏ, biện pháp có rồi sao không thực thi?

Cú vào bóng của Ngô Hoàng Thịnh làm gãy chân QBV Việt Nam 2019 Đỗ Hùng Dũng đã cho thấy một sự thật: một tai nạn khủng khiếp như vậy có thể xảy ra trong tích tắc, ở hoàn cảnh không thể ngờ và cả động cơ thực hiện nó cũng nằm ngoài dự báo.

Tiền vệ Hùng Dũng gặp tai nạn kinh khủng trên sân cỏ.
Tiền vệ Hùng Dũng gặp tai nạn kinh khủng trên sân cỏ.

Khi bóng đá Việt Nam đang ở những ngày tháng đẹp, với thành tích thi đấu của đội tuyển quốc gia và sự tỏa sáng của sân cỏ Việt Nam trong thành công chung chống dịch Covid-19, tưởng là những điều tồi tệ như bạo lực sân cỏ và trọng tài đã giảm. Thế nhưng, chỉ trong vòng vài ngày, hết hành động thách thức trọng tài của thủ môn đội Cần Thơ ở giải hạng nhất, lại đến pha bóng ghê rợn trong trận cầu được hứa hẹn sẽ hấp dẫn trên sân Thống Nhất.

Không xấu thì thôi, đã xấu thì gần như là đạt đến các mức độ tồi tệ nhất. Điều này không thể ngẫu nhiên. Nói cách khác, những điều tiêu cực đó chỉ “nằm yên” một thời gian, rồi xuất hiện bất ngờ. Nó không hẳn vô lý, bởi trên thực tế, bóng đá Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn chuyên nghiệp, không thể một sớm một chiều mà mọi thứ trở nên ngay ngắn, đẹp đễ được.

Bạo lực sân cỏ, biện pháp có rồi sao không thực thi? ảnh 1 Quế Ngọc Hải từng có pha vào bóng ác ý khiến đồng nghiệp sớm chia tay sự nghiệp.

Thế nên, cần phải đặt dấu hỏi về khả năng phòng ngừa bạo lực sân cỏ của bóng đá Việt Nam. Chúng ta hay nói về công tác đào tạo bóng đá trẻ, về việc phải tạo ra một thế hệ cầu thủ vừa chơi bóng giỏi mà còn phải biết chơi fair-play. Đó là giải pháp mang tính căn cơ, nhưng buộc phải có một thời gian rất dài mới thấy được kết quả. Chưa kể, nó cần sự đồng bộ và năng lực đầu tư tài chính dành cho bóng đá trẻ, mọi thứ phải tính bằng nhiều thập niên.

Trong khi đó,  ngăn ngừa bạo lực bằng chính những qui tắc hàng ngày của bóng đá vẫn là cách đơn giản, đem lại kết quả nhanh hơn nhiều. Cầu thủ có xu hướng đá xấu trên sân, thì trọng tài phải mạnh tay phạt thẻ. Không thể đợi có cầu thủ nào đó bị gãy chân thì mới rút thẻ đỏ. Luật FIFA khuyến cáo các trọng tài tăng nặng hình phạt cho các lỗi hành vi.

Từ to tiếng trên sân, gây áp lực trọng tài, đến các pha phạm lỗi từ phía sau. Tất cả đều có thể rút thẻ. Thậm chí, trọng tài không cần đến những lần nhắc nhở trước rồi mới rút thẻ. Sự ra đời của VAR, ngoài việc xá định các tình huống ghi bàn, còn giúp trọng tài trừng trị những pha bạo lực. Nếu chưa đủ, sẽ còn thêm các án phạt nguội sau trận đấu. Nói cách khác, trọng tài là cách tốt nhất để giảm bạo lực sân cỏ. Nói cho cùng, trừng phạt đúng mức, đúng lúc, cũng là một cách giáo dục hiệu quả.

Bạo lực sân cỏ, biện pháp có rồi sao không thực thi? ảnh 2 Bóng đá thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ bạo lực sân cỏ khiến cầu thủ dính chấn thương kinh hoàng.
Tăng chất lượng trọng tài, đó là phần việc của những nhà tổ chức, nhưng chính các CLB cũng phải có trách nhiệm khi cầu thủ chơi xấu trên sân. Một đội bóng có sự quản lý cẩu thả, thì cầu thủ cũng dễ có xu hướng “đá láo” trên sân. Cầu thủ mà chơi quá xấu, các CLB áp dụng biện pháp kỷ luật nội bộ, hoặc loại hỏi đội hình thi đấu, cũng là một cách để đưa cầu thủ vào khuôn khổ của luật chơi. Rất tiếc là các CLB ở Việt Nam hiện nay, đến chuyên gia thể lực, dinh dưỡng riêng mà chỗ có, chỗ không thì lại càng không thể có những chuyên gia về tâm lý và kiểm soát văn hóa cầu thủ.

Đấy chính là những điều đáng tiếc của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Chúng ta có đủ công cụ để phòng ngừa bạo lực, nhưng vì nhiều lý do, chẳng  công cụ nào được dùng một cách đến nơi, đến chốn.

Tin cùng chuyên mục