Bạo lực sân cỏ - Bệnh đã lờn thuốc

Bài 1

Bài 1: Bạo lực thành… bản năng

Dù số lượng thẻ vàng cũng như thẻ đỏ không cao như các mùa giải trước, nhưng chỉ mới qua 6 vòng đấu, mức độ nghiêm trọng của các pha bóng thô bạo trên sân cỏ tiếp tục cảnh báo tình trạng bạo lực tàn phá V-League.

Bóng đi, người phải ở lại

Đến thời điểm này, cầu thủ Danny (Đồng Tâm Long An) vẫn còn run khi kể lại tình huống bị Đinh Văn Ta lao chân vào ngực trong trận đấu tại sân Ninh Bình: “Tôi đã cố thu chân lại vì tình huống đó tôi và cậu ấy đều chủ động tranh bóng.

Tôi không hiểu tại sao cậu ta lại không làm như vậy dù khi đó, bóng đã văng đi chỗ khác”. Cú đạp của Đinh Văn Ta cực kỳ nguy hiểm vì chỉ cần chếch xuống dưới một tí là vào ngay vùng bụng của Danny. Khi đó, không chỉ gây khó thở mà còn có thể khiến Danny bất tỉnh, nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khi đó, trường hợp bị chấn thương của trung vệ Bruno (Than Quảng Ninh) được cho là do mặt sân xấu khiến cổ chân của Bruno bị lật. Tuy nhiên, tác nhân chính lại là tình huống tranh cướp bóng theo kiểu “một mất một còn” trước đó giữa trung vệ này và cầu thủ Vũ Anh Tuấn của Hoàng Anh Gia Lai.

Nếu không bị quỵ ngã do trật chân thì Bruno cũng sẽ bị đau ở cú va chạm đó khi tốc lộ lao vào nhau của 2 cầu thủ này rất cao.

Ngoài 2 trường hợp nói trên thì mới qua 6 vòng đấu, nhưng V-League 2014 cũng đã chứng kiến nhiều tình huống sặc mùi võ đài khác như cú phi 2 chân của thủ môn Thanh Thắng (Hải Phòng) và tiền đạo Sunday (Thanh Hóa) ở vòng 1, hay cú giật cùi chỏ của Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T) vào mặt hậu vệ đối phương trong trận cầu đinh tại sân Thanh Hóa ở vòng 6.

Số lượng thẻ phạt chưa phản ảnh hết tính chất bạo lực của sân cỏ V-League bởi trên thực tế, trọng tài Việt Nam vẫn rất nhát tay khi rút thẻ. Theo thống kê của chúng tôi, đã có 12/35 trận đã đấu của V-League, trọng tài phải bù giờ đến 7 phút ở cuối trận vì có quá nhiều thời gian bóng chết do phạm lỗi. Cũng sau 6 vòng đấu, đã có 7 cầu thủ phải nghỉ thi đấu ít nhất 3 trận do chấn thương.

Những pha vào bóng như muốn triệt hạ đối phương vẫn thường xuyên diễn ra ở V- League. Ảnh: MINH TRẦN

Những pha vào bóng như muốn triệt hạ đối phương vẫn thường xuyên diễn ra ở V- League. Ảnh: MINH TRẦN

Đỉnh cao đồng nghĩa với bạo lực

Ví dụ điển hình nhất của bạo lực sân cỏ tại V-League đó là pha bóng diễn ra cách đây 2 năm, trong trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Hà Nội T&T tại sân Vinh. Cú song phi cả 2 chân của trung vệ Huy Hoàng vào tiền đạo Samson đã bị trả đũa bằng pha đạp thẳng vào mặt.

Bất kỳ ai xem tình huống đó đều rợn người vì tính chất thô bạo của nó. Cả 2 cầu thủ đều có cùng hành động bạo lực với mức độ nguy hiểm tương đương nhau, cho thấy việc chơi xấu đã thành bản năng của cầu thủ trên sân cỏ V-League. Người phạm lỗi cố tình triệt hạ còn kẻ bị phạm lỗi cũng sẵn sàng trả đũa như một cách phòng vệ tối ưu, thay vì tìm cách né tránh.

Bất ngờ hơn nữa, những pha bạo lực đa số tập trung tại các trận đấu được xem là đỉnh cao của các mùa giải. Trong bản danh sách đó, các đội mạnh như Hà Nội T&T, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa… luôn có tên. Nhiều năm gần đây, theo quan sát của chúng tôi, những trận đấu “đỉnh cao” được dự báo quyết liệt dường như đồng nghĩa sẽ phải chấp nhận chuyện cầu thủ thi đấu với nhau như kẻ thù.

Mới đây nhất, trận đấu tại Thanh Hóa với Hà Nội T&T suýt nữa đã gây bạo loạn chỉ từ một tình huống khá bình thường. Cú giật cùi chỏ của Văn Quyết (Hà Nội T&T) bị cầu thủ Thanh Hóa phản ứng, rồi một trợ lý HLV của đội Hà Nội T&T lao vào sân đòi đánh cầu thủ Thanh Hóa khiến cả 2 đội lao vào nhau để “ăn thua đủ”, lực lượng an ninh phải vào sân để vãn hồi trật tự.

Bài 2: Giáo dục ít, dung dưỡng nhiều

Cách đây 2 năm, tiền đạo Samson của Hà Nội T&T suýt sang Tây Ban Nha chơi bóng cho A.Madrid, nhưng sau khi ở lại và nhập tịch Việt Nam để trở thành Hoàn Vũ Samson, anh này trở thành một trong những tiền đạo có lối chơi bạo lực nhất V-League. Vì đâu nên nỗi?

        “Bệnh” được ủ quá lâu

Đinh Văn Ta chỉ bị cấm thi đấu có 5 trận dù mức độ nguy hiểm từ pha vào bóng của cầu thủ này có thể khiến Danny chấn thương suốt đời. Ấy thế mà pha bạo lực của Samson và Huy Hoàng tại Vinh 2 năm trước chỉ bị cấm thi đấu 3 trận trong khi nhiều chuyên gia nhận xét, với tình huống đó, ít nhất cũng phải cấm 6 trận mới đủ răn đe. Đấy là chưa kể, cả Samson lẫn Huy Hoàng đều có “tiền án” bạo lực trước đó.

Với Đinh Văn Ta, dù bị cấm thi đấu 5 trận nhưng đội V.Ninh Bình vẫn đưa cầu thủ này đi Hồng Công (Trung Quốc) thi đấu trận đầu tiên ở AFC Cup, với lý do án phạt của Đinh Văn Ta không ảnh hưởng gì đến thi đấu quốc tế. Đây chính là ví dụ điển hình cho sự dung dưỡng bạo lực, bởi CLB quản lý cầu thủ trên phải thể hiện trách nhiệm bằng việc bổ sung thêm án phạt nội bộ. Đằng này, đưa Đinh Văn Ta thi đấu quốc tế chẳng khác nào cho rằng cầu thủ của mình không đáng bị trừng phạt?

Không chỉ CLB hiếm khi phạt thêm cầu thủ mà ngay cả VFF cũng không phải ngoại lệ, khi từng triệu tập trung vệ Chí Công vào tuyển quốc gia dù anh này đang chịu án phạt cấm thi đấu 3 trận vì bạo lực. Họ cũng từng gọi nhiều cầu thủ có “xu hướng bạo lực” khác như Tấn Tài, Huy Hoàng… ngay thời điểm các cầu thủ này vướng án treo giò.

        Bỏ ngỏ trách nhiệm

HLV Nguyễn Thành Vinh, người có gần 30 năm dẫn dắt đội bóng Sông Lam Nghệ An, bày tỏ: “Tôi là người đào tạo rồi sau đó chỉ đạo các cầu thủ thi đấu nên tôi có thể khẳng định, Sông Lam Nghệ An không bao giờ dung túng cho bạo lực. Đành rằng lối chơi của Sông Lam Nghệ An rất dễ gây phạm lỗi, nhưng chẳng có ai đào tạo cầu thủ thi đấu xấu cả. Trên thực tế, các cầu thủ nổi tiếng của Sông Lam Nghệ An đa phần là tiền vệ hoặc tiền đạo. Sau này, Sông Lam Nghệ An chơi bạo lực nhiều hơn, cái chính là do môi trường của V-League”.

Cú trả đũa của Samson khiến Huy Hoàng phải rời sân trên cáng ở vòng 3 V-League 2012. Ảnh: QUANG MINH

Cú trả đũa của Samson khiến Huy Hoàng phải rời sân trên cáng ở vòng 3 V-League 2012. Ảnh: QUANG MINH

Lời ông Vinh không phải là không có lý. Hành động vái lạy trọng tài của Công Vinh nhận án phạt đến 6 trận, nhưng chưa có trường hợp bạo lực nào bị phạt cao hơn mức đó. Thậm chí, cả trường hợp đuổi đánh trọng tài của hậu vệ Lê Đức Tuấn (Hà Nội ACB) hồi mùa 2011 cũng chỉ nhận án phạt 4 trận. Những án phạt nhẹ như vậy không đủ để các CLB tỉnh ngộ. Một khi chỉ xây dựng thành tích trên cầu thủ mua về thì cũng khó trách áp lực ấy khiến các đội bóng thi đấu cứng rắn để tránh bị thua thiệt.

Cái xấu chỉ nảy sinh khi không được giáo dục và được dung dưỡng trong một môi trường mà chúng được chấp nhận như một phần của trò chơi. Thế nên, muốn ngăn chặn bạo lực, bóng đá Việt Nam phải bắt đầu từ công tác đào tạo như Học viện Hoàng Anh Gia Lai đã làm, sau đó phải cải thiện môi trường thi đấu của V-League, hướng đến cái đẹp và quản lý nó bằng những án phạt nặng cùng các chế tài mạnh tay hơn đối với các CLB cổ xúy cho bạo lực.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục