Bao lâu rồi mới vui như thế

Vòng đấu thứ 4 của V-League ghi nhận tình huống đặc biệt, đó là sân Hà Tĩnh bị “vỡ” khi khán giả tràn xuống sân khiến hiệp 1 phải ngưng hơn 20 phút. Đó là trận đấu đầu tiên mà người hâm mộ Hà Tĩnh được chứng kiến đội nhà đá V-League. 

Năm 1992, Nghệ Tĩnh được tách thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh. Đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh chỉ còn lại cái tên Sông Lam Nghệ An và bóng đá Hà Tĩnh trở thành “vùng trắng” trên mọi nghĩa.Đến nay là gần 30 năm, Hà Tĩnh mới chính thức có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam ở hạng đấu cao nhất. Đây thực sự là “bí ẩn” của bóng đá Việt Nam. Từng “uống chung dòng nước sông Lam”, trong khi bóng đá Nghệ An lừng danh với khả năng đào tạo trẻ, với những “thần đồng” bóng đá, với những trẻ em chơi bóng ngay từ khi chập chững bước đi, thì bóng đá Hà Tĩnh lại cứ lặng lẽ nép mình.

Phần lớn thời gian kể từ sau năm 1992, làng cầu Hà Tĩnh chỉ thi đấu ở Giải hạng nhì. Khoảng 10 năm trước, bầu Thụy của Xi Măng Xuân Thành bất ngờ từ Ninh Bình vào đầu tư bóng đá ở Hà Tĩnh, bao gồm xây dựng một học viện đào tạo. Năm 2009, ông mua lại suất đá hạng nhất của Hòa Phát Hà Nội, lần đầu tiên bóng đá Hà Tĩnh tiếp cận gần với bóng đá đỉnh cao. Nhưng vì lý do nào đó, bầu Thụy chuyển “hộ khẩu” đội bóng vào TPHCM. Hà Tĩnh lại là “vùng trắng” bóng đá một lần nữa, cho đến khi bầu Hiển “tặng” đội trẻ Hà Nội thì bóng đá Hà Tĩnh mới “sống” trở lại. Sau một năm đá hạng nhất, họ thăng hạng V-League với tên gọi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

Thực tế thì Hà Tĩnh đâu thiếu tài năng. Quả bóng vàng Việt Nam 2017 Đinh Thành Trung là người Hà Tĩnh, hiện đang đá cho Quảng Nam. Trung vệ đội tuyển quốc gia và Viettel Bùi Tiến Dũng là người Hà Tĩnh. “Ronaldo Việt Nam” Trần Phi Sơn cũng trưởng thành từ nơi đây, chưa kể các cái tên như: Đinh Trọng Sáng (HA.GL), thủ thành Phan Đình Vũ Hải (Quảng Ninh)… Tuy nhiên, đội hình của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hiện nay chủ yếu là cầu thủ tứ xứ, có nguồn gốc từ đội trẻ Hà Nội do HLV Phạm Minh Đức dẫn dắt.

Vì có tiềm năng, nên Hà Tĩnh quyết liệt trong việc đầu tư bóng đá ngay từ khi lên V-League. Hơn 51 tỷ đồng được chi ra để nâng cấp sân bóng vốn đóng bụi thời gian quá lâu. Sân Hà Tĩnh có sức chứa đến 20.000 chỗ ngồi. Hồi đầu mùa, suýt nữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh phải mượn sân Vinh làm sân nhà vì chưa có dàn đèn, nay 11 tỷ đồng được bỏ ra để sân bóng có hệ thống chiếu sáng hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Trận đầu tiên của họ trên sân nhà tại V-League không có khán giả vì dịch Covid-19 và, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thua Viettel 0-1. Nhưng khi bóng đá Việt Nam thi đấu trở lại thì đội bóng của HLV Phạm Minh Đức hoàn toàn “lột xác”. Họ đánh bại Tây Ninh và Quảng Nam để vào đến tứ kết Cúp Quốc gia, hạ gục Than Quảng Ninh trên sân đối phương ở vòng 3 và trong trận đầu tiên trên sân nhà được đón khán giả, gần 3 vạn người kéo đến sân, tràn xuống đường piste khiến hiệp 1 trận đấu với nhà vô địch Hà Nội phải dừng hơn 20 phút. Đáp lại niềm mong mỏi ấy, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cầm hòa 1-1 để chính thức ghi tên mình vào danh sách những “chú ngựa ô” của V-League mùa này.

Niềm vui đến rất muộn với người hâm mộ Hà Tĩnh, nhưng không sao, vì giờ đây, mảnh đất này đang trở thành “điểm đến” hấp dẫn nhất của bóng đá Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục