“Bang hội” của Daniil Medvedev

Như bất kỳ hình mẫu tay vợt đẳng cấp cao nào khác, Daniil Medvedev có một nhóm chuyên gia hỗ trợ. Họ đã góp phần biến Medvedev thành tay vợt đầu tiên của thế hệ “Next Gen” giành được Grand Slam ở US Open 2021.

Mối nhân duyên 

Tay vợt quê ở Moscow (Nga) đang thọ giáo 4 thầy. Gilles Cervara (Pháp, sinh năm 1981) là “ân sư” quan trọng nhất, chịu trách nhiệm chung trong vai trò huấn luyện và hướng dẫn Medvedev. Ông từng giành giải “HLV xuất sắc nhất” ở ATP Awards 2019, vì giúp Medvedev chạm tay vào những cột mốc thành công không tưởng.

Thậm chí 2 năm sau, Medvedev còn thành công hơn, khiến tiếng tăm của Cervara thêm vang dội. Ba người thầy khác là Eric Hernandez (HLV thể lực), Yann Le Meur (nhà khoa học thể thao) và Francisca Dauzet (nữ HLV tâm lý). Là phu nhân của HLV Cervara, bà Dauzet đã góp phần nâng tầm sức mạnh tâm lý cho Medvedev sau 3 năm làm việc, biến anh thành một “chiến binh” thực thụ. Triết lý rèn luyện tâm lý của bà Dauzet có nguồn gốc từ lò võ Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc.

“Bang hội” của Daniil Medvedev ảnh 1 Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic chúc mừng Daniil Medvedev (phải) - tân vương US Open 2021

Ở tuổi 18, Daniil Medvedev chuyển đến Pháp sinh sống khi toàn tâm toàn ý theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp. Nhờ đó, anh có cơ hội gặp gỡ Gilles Cervara - khi đó làm việc tại Học viện Jean-René Lisnard ở Cannes. Cervara cũng như Lisnard từng là tay vợt chuyên nghiệp. Nếu Lisnard từng xếp hạng 84 ATP năm 2003, Cervara lại rất lận đận và giải nghệ khi vừa hơn 30 tuổi.

Có lẽ vì vậy mà Cervara sớm theo đuổi con đường làm thầy, dù chủ yếu là thầy của lứa trẻ. Cervara nhanh chóng đặt niềm tin vào viên ngọc Medvedev và thời gian chứng minh ông không hề sai trước những thành công của “đệ tử chuyên nghiệp duy nhất” đến thời điểm này. 

So với “ông chủ” Lisnard, Cervara thân thiện hơn và không đặt áp lực nặng nề lên đôi vai của cậu học trò trẻ. Ông thay mặt Học viện Jean-René Lisnard vạch ra hướng đi rõ ràng, không buộc Medvedev tham gia hệ thống giải đấu Future như nhiều tay vợt trẻ khác, mà đưa anh dấn thân vào những giải đấu lớn như Masters 1.000. Cervara cũng định ra chế độ dinh dưỡng và hồi sức nghiêm ngặt dành cho Medvedev, hợp tác với những chuyên gia khác để đảm bảo điều này với tay vợt người Nga. 

Trước đó, Medvedev chưa từng nghĩ phải làm như vậy, anh để tự bản thân, tự cơ thể mình “đi vào nền nếp”. “Sao tôi phải xem trọng quần vợt như là một nghề nghiệp nghiêm túc? Điều này đòi hỏi sự cống hiến vô cùng lớn lao cho sự nghiệp của mình, rồi cả sức mạnh tâm lý rất khủng khiếp. Tôi có cảm giác là, chẳng có ích lợi gì trong việc tuân thủ những điều này cả”, Medvedev từng cắc cớ hỏi Cervara như vậy vào hè năm 2017, ở giữa 2 kỳ giải Montreal Masters và Cincinnati Masters. 

Cervara cười phá lên và đề nghị Medvedev cố gắng một chút, xem chuyện này dẫn đến đâu. Chỉ 2 năm sau (2019), Medvedev trở thành á quân Canada Masters, rồi á quân US Open và đăng quang Masters 1.000 tại Shanghai. Đến mùa giải 2021, Medvedev nâng tầm bản thân với ngôi vương US Open, khi đánh bại số 1 thế giới Novak Djokovic. Câu hỏi năm xưa của Medvedev, giờ đã được trả lời thỏa đáng, dựa trên những phương pháp từ những người thầy của mình.

Triết lý của Dauzet

Nhận thấy Medvedev có tiềm năng đặc biệt, nhưng cũng giống nhiều tay vợt trẻ khác, luôn bất ổn về tâm lý, tinh thần không vững vàng trong các trận đấu lớn, Cervara nhờ vợ ông giúp đỡ học trò từ năm 2018. 

Công việc thông thường của Dauzet là giúp Medvedev bắt đúng nhịp điệu của các trận đấu, cố dạy anh cách kiểm soát sự bùng phát của những hành vi gây hấn ngay trên sân đấu, dễ dẫn đến việc đánh hỏng bóng, đánh mất thế trận. Điều thứ 2 không phải lúc nào cũng thành công, vì đó chính là tính cách học trò người Nga của bà.

Medvedev từng thua trận trước đồng hương Andrey Rublev ở bán kết Cincinnati Masters hồi tháng 8-2021, lần hiếm hoi những gì Dauzet dạy Medvedev không phát huy tác dụng. Còn lại, anh kiểm soát tâm lý tốt hơn trước như khi hủy diệt Djokovic ở chung kết US Open 2021.

“Tôi không phải kiểu đạo sư nào đó mà chỉ dựa trên y học Trung Quốc, thiền định và triết lý của các chiến binh Thiếu Lâm Tự. Khi xung trận, một chiến binh Thiếu Lâm Tự không bao giờ nhìn xung quanh bằng mắt, mà chỉ cảm nhận mọi thứ bằng tâm. Daniel có bộ óc phức tạp như một chiếc máy tính, có thể phân tích và kết nối rất nhiều thứ lại trong vài giây. Thứ cậu ấy cần thêm chỉ là kiểm soát tâm tính, để tâm thật sự phẳng lặng”, Dauzet chia sẻ.

Hãy chờ xem, “bang hội” này sẽ đưa Medvedev đủ sức vượt qua tượng đài đồng hương Marat Safin, hay thậm chí đủ năng lực tranh hùng một thời gian dài với chính Djokovic?

Với “bang hội” của mình, với vợ chồng Cervara và Dauzet đảm nhận trọng trách HLV thường xuyên, Medvedev chính là sự khác biệt nếu so sánh với… Nick Kyrgios, một tay vợt khác thuộc lứa “Next Gen”, nhưng chưa bao giờ trưởng thành và phát triển thành công, vì tâm lý bất ổn. Đến giờ, Kyrgios chưa bao giờ làm việc với một HLV xuyên suốt, dù rằng ở mỗi giải đấu anh đều có một HLV tháp tùng.

“Bang hội” của Daniil Medvedev ảnh 2 Vợ chồng HLV Gilles Cervara và Francisca Dauzet (trái)

Tin cùng chuyên mục