Trong loạt bài về bản quyền truyền hình EPL trước đây, Báo SGGP từng nhận định chắc chắn sẽ có đơn vị truyền hình tại Việt Nam mua bản quyền dù phía IMG đưa ra cái giá rất cao và thông tin về việc K+ là đơn vị có bản quyền không làm ai bất ngờ.
Thật ra, cuộc đua đã ngã ngũ ngay khi phía IMG chào giá lên đến 1.000 tỷ đồng. Với số tiền đó, chỉ có một đơn vị còn khả năng tham gia là K+ với lợi thế là đơn vị liên doanh, trong đó sức mạnh tài chính từ đối tác nước ngoài Canal Plus đóng vai trò quan trọng.
Hơn nữa, chính các đơn vị khác đã “chào thua” khi thống nhất “nhờ” VTV làm đại diện thương thảo để tìm một giá thấp gần phân nửa giá IMG chào bán. Tất nhiên là một đơn vị mua đi, bán lại như IMG không thể bán thấp hơn và đơn vị cử đi đàm phán là VTV lại không hề quan tâm đến chuyện phải mua cho bằng được.
Điểm mắc mứu duy nhất là phản ứng đến từ dư luận khi số tiền bỏ ra mua bản quyền quá cao, gây lãng phí. Vì vậy, K+ “giải bài toán” này bằng cách thông qua việc Canal Plus mua bán trực tiếp với IMG và “trao lại quyền sử dụng” cho K+. Về lý thuyết, K+ cũng như là liên doanh mà họ tham gia cùng VTV là VSTV không trực tiếp bỏ tiền ra mua nên không ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán của Hiệp hội bản quyền truyền hình sắp đến.
Thông tin mới nhất cho biết, nhóm các đài Việt Nam vẫn có quyền mua tiếp những gói mà Canal Plus chưa mua và tất nhiên, giá vẫn sẽ cao. Bản thân K+ hiện cũng chưa xác nhận quá trình đàm phán của họ với IMG.
Theo thông tin mà chúng tôi có được cho biết, sau thời gian đầu tư phát triển gần 4 năm qua, K+ không những chưa thu hồi vốn mà còn lỗ nặng với con số lên đến vài trăm tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí bản quyền khi mà mục tiêu phát triển thuê bao không như kỳ vọng. Thậm chí đã có tin, đối tác nước ngoài trong liên doanh này có ý rút lui để cắt lỗ.
Thực tế trên thị trường truyền hình trả tiền cho thấy, số lượng và chất lượng các kênh trong hệ thống K+ không có ưu thế so với các hệ thống khác trong khi chi phí để người tiêu dùng bỏ ra sử dụng K+ lại cao hơn những đài khác. Vì lẽ đó, nếu không có bản quyền EPL, coi như K+ chẳng còn lợi thế cạnh tranh nào ở thị trường ngày một khốc liệt hiện nay.
Như đã từng phân tích, đứng ở góc độ kinh doanh, dù rất tốn kém nhưng việc sở hữu bản quyền EPL gần như là sống còn với K+, nhất là đối với hoạt động đầu tư của Canal Plus. Hơn nữa, dù chưa biết hiệu quả kinh doanh ra sao nhưng việc sở hữu EPL cũng đồng nghĩa là K+ triệt tiêu cơ hội của các đài khác.
Với chi phí bỏ ra như vậy, hoạt động kinh doanh của K+ sẽ được kiểm soát ra sao khi không hề có cách nào giải bài toán lợi nhuận. Phải chăng việc Canal Plus mua nhưng “nhường” quyền cho K+ sẽ giúp đài này giảm lỗ nhưng lại làm méo mó thị trường truyền hình trả tiền khi rõ ràng đã có sự cạnh tranh không sòng phẳng trong trường hợp này, tạo tiền lệ không tốt cho các “cuộc chiến” khác sau này?
VIỆT QUANG
| |
Các tin, bài viết khác
-
Giải mã cú phi nước đại của Hải Phòng
-
“Iron” Michael Chandler: Tân binh hạng nhẹ của UFC, đòi “chôn sống” Khabib, kết liễu Poirier
-
Hoãn trận Than Quảng Ninh - TPHCM vì Covid-19
-
UEFA cập nhật tương lai của Euro 2020
-
Thua sốc Sheffield, HLV Solskjaer chỉ trích trọng tài và hàng thủ
-
Soi các đối thủ của Viettel tại AFC Champions League 2021
-
Thomas Tuchel: “Chelsea sẽ thách thức danh hiệu trong tương lai”
-
Tay đua Thibaut Pinot né Tour de France để tránh 'vận đen'
-
Quỷ đỏ thua sốc đội cuối bảng ở Old Trafford
-
Thua 2 trận, Hà Nội FC không thể không vội