Bài 3: Vì sao B.Bình Dương vô địch?

Cũng chẳng khó trả lời: Vì họ thắng nhiều nhất, có nhiều điểm nhất. Nhưng nói như vậy thì chưa thấy hết nỗ lực của B. Bình Dương trong một mùa giải kỳ lạ bậc nhất lịch sử.

V-League 2014 - Cơn ác mộng của nhà tổ chức

Cũng chẳng khó trả lời: Vì họ thắng nhiều nhất, có nhiều điểm nhất. Nhưng nói như vậy thì chưa thấy hết nỗ lực của B. Bình Dương trong một mùa giải kỳ lạ bậc nhất lịch sử.

B.Bình Dương ngày đăng quang V-League 2014. Ảnh: Dũng Phương

Lẽ ra Hà Nội T&T đã vô địch…

Xét về điểm số lẫn số trận thắng và cả số bàn thắng, HN T&T đã có thể đứng trên bất kỳ nhà vô địch nào trong lịch sử, nhất là các mùa giải có tối đa 12 đội. Hồi HAGL “thống trị” V-League cũng chỉ 2 lần vô địch với số điểm 43, 45 trong khi mùa này HN T&T có đến 47 điểm, thậm chí còn cao hơn số điểm mà họ có khi đăng quang lần đầu tiên năm 2010 khi V-League có đến 14 đội tham gia. HN T&T cũng chỉ để thua có 3 trận, số trận thua ít nhất lịch sử V-League. Thế mà họ vẫn không thể vô địch.

Nói như vậy để thấy HN T&T đã làm quá tốt những gì có thể làm chứ không phải họ đánh mất chức vô địch vì kém cỏi. Ba trận thua của họ đều diễn ra trên sân của 3 đội còn lại trong tốp 4, một điều bình thường. Bảo HN T&T “hụt chân” khi để hòa các trận đấu gần cuối giải trước ĐTLA hay SLNA cũng không hợp lý vì cần phải nhắc lại, chính số trận thắng mới là yếu tố quyết định trong mọi cuộc đua. HN T&T đã thắng “đủ” số trận cần phải thắng, cái họ “cần” là B. Bình Dương đừng thắng nhiều hơn thì lại không thuộc quyền quyết định của họ.

Cuộc đua vô tiền khoáng hậu

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, và có lẽ cũng là một trường hợp hiếm gặp của bóng đá thế giới khi nhà vô địch chỉ có 3 lần chiếm ngôi số 1 trước khi chính thức đăng quang. Tính đến trước vòng 20, B. Bình Dương chỉ có 2 lần lên đứng số 1 và cũng chỉ “vui vẻ” ngắn ngủi 1 vòng đấu. Điều này cho thấy, suốt mùa giải họ luôn phải đóng vai kẻ rượt đuổi.

Khi bạn đá ròng rã mấy tháng trời với vai trò ấy, thứ bạn cần là một phẩm chất chiến đấu và sự tập trung cực kỳ siêu việt. Đấy chính là nguyên nhân giúp B. Bình Dương vô địch chứ không phải vì HN T&T đã “hụt chân”.

Trước đây, ĐTLA đã từng vô địch mùa giải 2006 bằng cú nước rút cuối mùa nhưng đấy là một mùa giải không hề có ứng viên, không có cuộc đua nào cả. Ngược lại, ngay từ đầu giải, B. Bình Dương đã phải tự gạch tên mình khỏi đường đua sau 4 vòng đấu không biết thắng. Quan trọng hơn, cả Thanh Hóa lẫn HN T&T đều chơi quá tốt, cách biệt luôn được duy trì đến cuối lượt đi ở khoảng cách 2-3 trận thắng so với B. Bình Dương. Ngay cả khi HN T&T để thua B. Bình Dương ở sân Gò Đậu trong trận lượt về, họ vẫn “bình chân như vại” vì vẫn hơn điểm và còn 1 trận chưa đấu. Phần lớn của lượt về, sau khi Thanh Hóa đã chững lại, HN T&T luôn ở trong trạng thái “tự quyết” bởi đối thủ gần nhất của họ chính là đội bóng xứ Thanh chứ không phải B. Bình Dương.

Nói như vậy để thấy rằng chính B. Bình Dương đã đoạt lấy chức vô địch theo cách xứng đáng nhất từ trước đến nay. Kể từ sau trận thua Thanh Hóa ở vòng 4, đến khi chính thức vô địch B. Bình Dương chỉ thua thêm 1 trận và hòa 1 trận, thắng đến 15 trận, một con số chưa từng có đội bóng nào làm được tại Việt Nam và cũng không dễ xảy ra trên thế giới. Không phải B. Bình Dương vô địch bằng việc có quá nhiều cầu thủ giỏi, cái chính là làm sao để những cầu thủ giỏi ấy luôn ra sân với khao khát chiến thắng mạnh mẽ nhất. Đấy chưa phải là điều dễ dàng tại Việt Nam và càng chưa bao giờ dễ dàng tại B. Bình Dương, nơi mà câu chuyện trong hậu trường luôn đánh gục họ ở 5 mùa giải gần đây.

Hồ Việt

- Bài 2: Lấy ngoại đè nội

Tin cùng chuyên mục